Từ kết quả đề tài khoa học “Sưu tầm, khảo sát và phục dựng nghi lễ của đền Đồng Cổ” của Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử Thanh Hoá, do Tiến sĩ Lê Ngọc Tạo chủ trì, cử nhân Nguyễn Ngọc Khiếu thực hiện, NXB Thanh Hóa đã xuất bản thành sách “Di tích núi và đền Đồng Cổ”. Dù công trình biên khảo công phu nhưng đã vấp phải một sai lầm hết sức đáng tiếc: Nhầm lẫn giữa vị thần được thờ là thần núi Đồng Cổ thành thần Trống Đồng.
Sách báo viết về đền Đồng Cổ thì nhiều, nhưng có lẽ “Di tích núi và đền Đồng Cổ” là công trình chuyên khảo công phu nhất từ trước đến nay về ngôi đền này. Sách có hai phần: “I. Núi Đồng Cổ-Tam Thai và vùng thắng tích Đan Nê”, công bố kết quả sưu tầm trên thực địa và khai quật khảo cổ học; phần “II. Đền Đồng Cổ-Di tích và lễ hội”, công bố thần tích, tư liệu, trải qua các thời kỳ Trần - Hồ (1225 – 1407); Hậu Lê (1428 - 1788), khảo về thần điện, quá trình tu sửa, bài trí đồ thờ và hoành phi, câu đối trong đền…
Tuy khảo sát, nghiên cứu công phu là vậy, nhưng sách “Di tích núi và đền Đồng Cổ” vẫn mắc phải sai lầm cơ bản khi cho rằng, đền Đồng Cổ thờ “thần Trống Đồng”, rồi kết luận “thờ trống đồng đã trở thành tín ngưỡng của người Việt cổ”. Thậm chí, đáng trách hơn, nhóm tác giả còn đồng nhất thần núi Đồng Cổ với “thần Trống Đồng” làm một.
Điều đáng ngạc nhiên là dù nhóm soạn giả cũng tiếp cận nhiều nguồn tài liệu, thư tịch cổ nhưng lại không nhận ra một điều: Các sách đều chép rõ ràng, đền Đồng Cổ thờ Thần núi Đồng Cổ, chứ không phải thờ “thần Trống Đồng”. Cụ thể, sách “Di tích núi và đền Đồng Cổ” của Nhóm Lê Ngọc Tạo trích dẫn sách Việt Điện u linh: “…Canh ba đêm đó, trong cõi mông lung, Thái tử chợt thấy một dị nhân cao 8 thước mày râu sắc nhọn, khoác chiến bào, tay cầm binh khí đứng trước Thái tử mà tâu rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin ngài đi đánh giặc, tôi xin theo giúp”. Trang 43 sách cũng trích dẫn Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng 3: phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề…”.
Dù vậy nhưng các soạn giả vẫn hiểu lầm thành đền thờ “thần Trống Đồng”. Thậm chí, điều kỳ lạ hơn, dường như các soạn giả không phân biệt được đền thờ thần núi Đồng Cổ, và đền thờ thần Trống Đồng khác nhau thế nào. Bởi vậy, đầu sách viết “đền Đồng Cổ thờ vị thần Trống Đồng”, nhưng đến giữa và cuối sách lại thành thờ “thần núi Đồng Cổ”.
Cụ thể, trang 10 phần đầu sách, các soạn giả viết: “…đền Đồng Cổ thờ vị thần Trống Đồng”. Trang 11 viết: “...xứ Thanh (…) là địa phương tìm thấy trống đồng nhiều nhất nước cũng chính là nơi có đền thờ Trống Đồng đầu tiên biểu trưng cho quốc hồn dân tộc. Tục thờ trống đồng đã trở thành tín ngưỡng của người Việt cổ còn lưu lại bên cạnh các tôn giáo Phật giáo, Đạo giáo ngoại lai.”. Thậm chí, trong cùng một trang 99 (phần “Thay lời kết”), đầu trang viết là thờ “thần núi Đồng Cổ”, nhưng đến giữa và cuối trang, lại thành thờ “thần Trống Đồng”.
Cần nói ngay rằng, kết luận “Tục thờ trống đồng đã trở thành tín ngưỡng của người Việt cổ” là hoàn toàn suy diễn, bịa đặt.
Nếu lần giở lại tất cả các thư tịch cổ ghi chép về đền Đồng Cổ, chúng ta sẽ thấy không hề có bất cứ tài liệu nào nói đền này thờ “thần Trống Đồng”. Cuốn sách cổ nhất ghi về việc này là “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên, biên soạn năm 1329, ghi chép về đền Đồng Cổ với cái tên được sắc phong và gia phong “Minh chủ linh ứng bảo hựu Đại vương”. Sách này viết: “Theo truyện Báo cực chép: Vương là thần núi Đồng Cổ (ở Thanh Hoá tục gọi là núi Khả Phong-HTC). Khi xưa, Lý Thái Tông còn là thái tử, phụng mạng vua cha là Thái tổ, đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu, đóng quân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, trong cõi mông lung, nhà vua chợt thấy một dị nhân, thân cao 8 thước, mày râu cứng nhọn, mặc chiến bào, tay cầm binh khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc, lập chút công nhỏ”.
Các sách sau đó như “Lĩnh Nam chích quái” - tập sách ghi chép những truyền thuyết và truyện cổ tích của Vũ Quỳnh - Kiều Phú, biên soạn từ thời Trần, mục “Truyện thần núi Đồng Cổ” chép: “Thần núi Đồng Cổ là linh thần thượng đẳng ở nước ta”.
Có thể vì trong đền Đồng Cổ có trống đồng nên dẫn tới việc nhóm nghiên cứu hiểu lầm chăng? Tại sao trong đền có trống đồng?
Trong “Đồng Cổ miếu bi ký” (Bia miếu Đồng Cổ, dựng ở đền Đồng Cổ) viết: “Trong thung lũng núi có miếu cổ, thờ thần núi”. Nội dung tấm bia này còn cho biết “Năm Canh Thân (1800) bỗng ở phía sông Nam Ngạn được một chiếc trống đồng (…) quan đặc sai Đốc trấn Thanh Hoa bèn đem trống đồng mới được tặng lại miếu thần để xuân thu tế tự, để giúp thêm nhạc khí cho miếu thần” (trích “Địa chí huyện Thiệu Hoá”).
Vì có công lớn trong việc giúp vua Lý chiến thắng giặc, nên thần núi Đồng Cổ còn được rước về Thăng Long để thờ. Sau này thần báo mộng cho vua Lý tránh được loạn “tam vương” và được phong là “Thiên Hạ Minh Chủ”.
Sử sách và các thư tịch cổ cho thấy, núi Đồng Cổ vốn có tên là Tam Thai, hoặc núi Khả Lao. Sau khi Thần núi Tam Thai dùng binh khí là trống đồng phù trợ vua Hùng chiến thắng, vua đã đổi tên núi thành núi Đồng Cổ (núi Trống Đồng) và lập miếu thờ “Đồng Cổ sơn thần”. “Đồng Cổ từ” (đền Đồng Cổ) chỉ là cách gọi tắt của “Đồng Cổ Sơn từ”. Tuy nhiên, do không tìm hiểu thần tích, lại thấy bên trong miếu có chiếc trống đồng (vốn được cung tiến để tưởng nhớ năm xưa vị thần núi đã dùng trống đồng để làm vũ khí phù trợ vua chiến thắng), nên nhóm nghiên cứu và nhiều người nhầm tưởng đền này “thờ thần Trống Đồng”, rồi gán cho “tín ngưỡng thờ thần Trống Đồng”, gắn đền thờ này với văn hoá Đông Sơn.
Nguy hại hơn, thay vì tưởng nhớ công lao phù trợ, đánh đuổi giặc ngoại xâm của thần núi Đồng Cổ - Tinh khí chung đúc của núi sông, người ta lại cúi đầu khấn vái và tụng ca cái trống đồng - nguyên là thứ binh khí lúc xung trận của Ngài. Từ đó mới xảy ra việc là Hội Cổ vật Thanh Hoa đã từng làm lễ rước 100 cái trống đồng mới đúc lên đền thờ này để xin “thần Trống Đồng” nhập linh, trước khi đem ra Thăng Long cung tiến!