Kể từ thời điểm lập đỉnh lên 74 triệu đồng/lượng vào hồi đầu tháng 3/2022, đến thời điểm này giá vàng vẫn luôn bám trụ quanh mức 69 - 70 triệu đồng/ lượng. Điều đáng nói ở chỗ, dù neo ở mức giá nào, giá vàng trong nước vẫn luôn bỏ xa giá vàng thế giới. Do đó cần thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới để ngăn chặn tình trạng giới đầu cơ làm giá, gây nhũng nhiễu thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Giá vàng không chịu hạ nhiệt
Từ đầu năm 2009 đến nay, giá vàng đã trải qua nhiều biến động, và liên tục có những “pha” lập đỉnh. Và từ đầu năm 2022 trở lại đây, giá vàng dường như đã quyết “bám trụ” ở mốc 69 -70 triệu đồng/ lượng sau khi đã lập đỉnh kỷ lục 74 triệu đồng hồi đầu tháng 3/2022.
Chỉ ra nguyên nhân của việc giá vàng theo đà tăng, không có dấu hiệu hạ nhiệt, giới chuyên gia cho rằng, giá vàng trong nước bị ảnh hưởng của nhiều nhân tố, nhưng ảnh hưởng mạnh nhất là từ giá vàng thế giới với mức tương quan lên đến 98,84%. Theo Th.S Nguyễn Ngọc Hân, Đại học Kinh tế TPHCM, chuyên gia trong lĩnh vực kim loại quý này, nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tác động nhiều nhất đến giá vàng Việt Nam là do tại Việt Nam, trung bình mỗi năm số lượng vàng khai thác rất ít, không đủ đáp ứng được nhu cầu trong nước nên buộc chúng ta phải nhập khẩu vàng thế giới. Nhu cầu nhập khẩu khá lớn nhưng nguồn cung lại hạn hẹp, do đó giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá vàng thế giới.
Mặc dù giá vàng trong nước đang neo ở mức 69-70 triệu đồng/ lượng, song giá vàng thế giới chỉ dao động quang mức 54-55 triệu đồng/ lượng (khoảng 1.850 -1.900 USD/lượng). Rõ ràng, mức giá này cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa giá vàng trong nước và giá thế giới. Vàng trong nước ở thời điểm hiện tại bỏ rất xa giá thế giới.
Giới chuyên gia đã không ít lần đưa ra khuyến cáo, giá vàng thế giới và Việt Nam chênh lệch cao sẽ tạo nguy cơ buôn lậu vàng vì giới buôn lậu mua rẻ trên thị trường nước ngoài và bán trong nước với giá cao.
Trước đây, khi chênh lệch này ở mức 4 triệu đồng/lượng thì tình trạng thẩm lậu vàng đã khá phức tạp. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều người tỏ ra sốt ruột khi tình trạng vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều. Đáng nói, đến thời điểm này, nhà quản lý vẫn chưa có một động thái mạnh mẽ nào nhằm kiểm soát tình trạng này. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, mức chênh hiện tại giữa giá vàng trong nước và thế giới là quá cao. “Sở dĩ có sự chênh lệch lớn này là do thị trường vàng Việt Nam không liên thông với thị trường quốc tế” – ông Hiếu phân tích nguyên nhân đồng thời chỉ rõ, ở Việt Nam chỉ Ngân hàng Nhà nước được quyền nhập khẩu vàng, từ đó phân phối ra thị trường. Do đó, nguồn cung không dồi dào và đẩy giá mặt hàng này lên cao. “Giá vàng sẽ lên xuống bất ổn trong thời gian này, vì vậy người dân không nên đầu cơ, “lướt sóng” đối với kim loại này trong thời gian ngắn bởi thị trường vàng rất bất định, không thể biết được giá vàng lên xuống như thế nào”, ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.
Thu hẹp khoảng cách với thế giới
Thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới để ngăn chặn tình trạng giới đầu cơ làm giá, gây nhũng nhiễu thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quản lý thị trường vàng trong nước của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Theo Th.S Nguyễn Ngọc Hân, để có thể thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nghiêm túc và quyết liệt Nghị định 24/2012/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. “Bởi theo Nghị định này, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất có quyền nhập khẩu vàng thế giới để sản xuất vàng miếng. Việc nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn được miễn thuế nhập khẩu nên giá vàng miếng trong nước nhờ đó không phải gánh thêm chi phí này như trước đây. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc sản xuất vàng không vì mục tiêu lợi nhuận, do đó giá thành cũng sẽ thấp hơn trước đây khi tư nhân con được quyền sản xuất” – vị chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, theo ThS Nguyễn Ngọc Hân, cần tận dụng tối đa nguồn lực của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong việc sản xuất vàng miếng để tối thiểu hóa chi phí sản xuất. Hiện nay, theo Quyết định 1623/QÐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước thì chỉ có Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được Ngân hàng Nhà nước giao cho sản xuất vàng miếng.
Do đó, câu hỏi đặt ra là đối với những doanh nghiệp và tổ chức tín dụng không được sản xuất vàng miếng theo đơn đặt hàng của Ngân hàng Nhà nước thì họ phải xử lý như thế nào với hệ thống dây chuyền máy móc sản xuất vàng miếng trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đang có hiện nay mà không lãng phí? Vì thế, theo ông Hân, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có văn bản quy định rõ về các điều kiện mà doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần có để có thể được gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, sẽ vừa làm giảm áp lực lên lượng cung vàng miếng trong nước, vừa tận dụng được tối đa nguồn lực sản xuất vàng miếng trong nước để tối thiểu hóa chi phí sản xuất vàng.
Đặc biệt, theo ông Hân, Nhà nước có thể xem xét dùng công cụ thuế để điều tiết sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới theo hướng làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hạn chế đầu cơ vàng. Với việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 24/2012/NÐ-CP thì về lâu về dài, giá vàng miếng Việt Nam sẽ dần đi vào ổn định và không còn chênh lệch nhiều so với giá vàng thế giới.
Vị chuyên gia phân tích, hiện nay, theo Nghị định 24/2012/NÐ-CP thì vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu không bị đánh thuế nhập khẩu. Ðồng thời, theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 thì vàng miếng cũng không nằm trong danh mục hàng hóa chịu thuế. Vì vậy, giá vàng miếng thế giới khi nhập khẩu về đã tránh được hai chi phí này. Sau đó, khi vàng thế giới nhập khẩu được sản xuất thành vàng miếng trong nước và được kinh doanh mua bán qua kênh các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép để tới tay người dân thì chưa bị đánh thuế. Hiện nay, theo Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 thì chỉ có hoạt động kinh doanh vàng nữ trang mới chịu thuế giá trị gia tăng. Do đó, để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo nguồn bù lỗ cho những chi phí khi thực hiện điều tiết, bình ổn giá vàng trong nước, đồng thời tác động hạn chế đầu cơ vàng, hoặc giảm tâm lý mua vàng tích trữ của người dân trong ngắn hạn, Nhà nước có thể xem xét đánh thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động mua bán vàng miếng trong nước.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, đối với những hành vi nhập lậu vàng, đầu cơ, lợi dụng chênh lệch giá để kinh doanh vàng miếng trái phép, nhà quản lý cần phải xử lý nghiêm, có như vậy thị trường vàng mới dần đi vào ổn định.