Atiso là cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao. Toàn bộ cây như thân, rễ, lá, hoa đều được sử dụng để làm dược liệu. Hiện nay các sản phẩm chế biến từ cây atiso được bán nhiều trên thị trường. Với kỹ thuật trồng cây atiso đơn giản, bà con có thể dễ dàng áp dụng trồng cho năng suất, thu nhập cao.
Trước đây, cây atiso chỉ được trồng ở một số nơi nhất định. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng là nơi trồng nhiều cây atiso. Ngày nay, nhiều vùng ở Lâm Đồng bà con vẫn trồng loại cây này. Đáng chú ý, phụ nữ dân tộc thiểu số xã vùng sâu Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng “Tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị cây atisô”. Sau hơn 3 năm đến nay, bà con đã có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Sau khi được các chuyên gia nông nghiệp tư vấn, đến nay cây atiso đã được bà con ở nhiều địa phương phía Bắc trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang), cây dược liệu atisô cũng được chọn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân... Hay tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai), cây atiso đã được nhiều hộ dân trồng thay thế cho cây lúa, ngô. Cây atiso không chỉ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sa Pa mà còn mở hướng giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế và làm giàu.
Gia đình anh Má A Chu là một trong những hộ trồng cây atiso nhiều nhất ở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa. Loại cây này không chỉ cho gia đình anh thu hoạch lá, mà thân, củ và hoa cũng đem lại nguồn thu đáng kể. Từ 5.000 m2 trồng cây atiso, mỗi năm cho thu khoảng 3 -5 đợt cắt lá, mang lại khoảng 60 - 70 triệu đồng. Với số tiền đó, cộng với thu nhập từ trồng rau, gia đình anh có tiền trang trải cuộc sống và tích lũy.
Atiso thường được trồng mỗi năm 2 vụ. Vụ sớm: Trồng cây tháng 4-5, thu hoạch cuối kỳ tháng 2-3. Vụ muộn: Trồng từ tháng 7, tháng 8 dương lịch. Sau khi trồng 2, 3 tháng, bắt đầu tỉa lứa lá đầu tiên. Các lần tỉa lá tiếp theo được thực hiện cách nhau một tháng.
Đối với cây Atiso, nên chọn đất trồng có hàm lượng hữu cơ cao, độ ẩm và khả năng thoát nước tốt, độ ẩm trong đất phải đạt hơn 85%. Ngưỡng pH thích hợp để trồng cây là từ 5,5 - 6,5, đối với những vùng có nhiệt độ tương đối thấp như ở Đà Lạt hàng năm cần kiểm tra và cân bằng lại độ pH.
Khi trồng atiso bà con có thể tận dụng trồng luân canh với các cây họ đậu, cây hoa và rau, không nên trồng thâm canh hoặc trồng liên tiếp nhiều vụ sẽ làm cây không đạt năng suất cũng như tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Trước khi trồng cây, bà con nên dọn dẹp sạch cỏ, cày bừa sâu để làm thoáng đất cũng như tiêu diệt các mầm bệnh đang ẩn trong đất.
Bà con lưu ý một số bệnh thường gặp ở cây atiso:
- Bệnh đốm lá trên cây atiso. Để phòng trừ loại bệnh này, việc đầu tiên là phải thường xuyên kiểm tra tình hình sức khỏe của cây, tiến hành tiêu hủy những tàn dư, cây bị mắc bệnh để tránh lây lan. Chú trọng công tác thoát nước cho cây vào những mùa mưa, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây có sức đề kháng chống lại mầm bệnh.
- Bệnh do bọ phấn gây ra trên cây atiso. Cách phòng tránh bệnh bọ phấn cần thường xuyên dọn vệ sinh vườn trồng, thường xuyên tỉa bới những cành mọc vượt, để tạo độ thông thoáng cho cây. Có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun định kỳ cho vườn 2 tháng/lần. Khi phát hiện cây bị bệnh, cần tiến hành cắt bỏ những phần đã bị nhiễm bệnh để tránh lây lan cho các cây khác.