Mới đây, ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) đòi trả lại tất cả giấy khen, vì vợ là bà Nguyễn Phương Hằng bị Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính, do phát ngôn không đúng về Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Dư luận xã hội cho rằng, động thái phản ứng của ông Dũng “lò vôi” là không nên.
Trước tiên phải phân biệt cho rõ, hành động trả lại bằng khen, giấy khen rất khác với việc từ chối nhận bằng khen, giấy khen. Nhận rồi trả lại là cách phản ứng tiêu cực, không có tính xây dựng, muốn mặc cả về một chuyện nào đó, hoặc tỏ thái độ không hài lòng vì không được như ý. Hành động của ông Dũng “lò vôi” là như vậy.
Cũng đã từng có người từ chối nhận bằng khen, giấy khen, thậm chí là các danh hiệu cao quý trong những năm qua. Không phải vì họ kiêu căng, tự phụ, cũng không phải họ làm mình làm mẩy để mặc cả mặc lẽ, chỉ đơn giản là họ cảm thấy còn cần phải phấn đấu hơn nữa trong công việc, vậy thôi. Đó mới là những tấm gương đáng quý, đáng trân trọng.
Có thể đơn cử như trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Dù đạt huy chương vàng môn bắn súng tại Olympic Rio, anh vẫn khảng khái từ chối nhận danh hiệu Anh hùng lao động, Công dân ưu tú Thủ đô. Hoàng Xuân Vinh cho rằng, ở những môn thể thao thành tích cao khác, còn rất nhiều người xứng đáng được vinh danh chứ không chỉ có mình anh.
Hành động khiêm tốn từ chối nhận những danh hiệu cao quý của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khiến mọi người trong xã hội nể phục, càng thêm yêu quý anh. Tất nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng anh kiêu căng, tự phụ khi mang về được tấm huy chương vàng thế giới đầu tiên cho Việt Nam. Xin thưa, đó chỉ là những lời nhận xét cảm tính.
Đó, từ câu chuyện của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, chúng ta cùng soi chiếu lại hành động trả lại giấy khen cho chính quyền tỉnh Bình Thuận của ông Dũng “lò vôi”. Thử hỏi, nếu bà Nguyễn Phương Hằng không bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì xúc phạm uy tín người khác, liệu ông Dũng có trả lại giấy khen không? Chắc chắn là không rồi!
Đơn giản là bởi nếu vợ chồng ông Dũng “lò vôi” thật sự khiêm tốn, không ham hư danh thì ngay từ đầu đã từ chối không nhận giấy khen của chính quyền tỉnh Bình Thuận. Vào thời điểm nhận giấy khen, chẳng phải vợ chồng ông Dũng “lò vôi” cảm thấy hân hoan, tự hào lắm đó sao? Giờ bị phạt mới đòi trả lại, há chẳng phải thiếu chín chắn lắm sao?
Ông Dũng “lò vôi” và những ai đã, đang và sẽ có ý định làm mình làm mẩy với cơ quan quản lý nhà nước cần phải hiểu rõ, sống trong một xã hội pháp quyền XHCN, mọi sự thưởng phạt đều phân minh, rạch ròi. Những người có công lao xứng đáng sẽ được thưởng, có thể là tiền, hiện vật, có thể là bằng khen, giấy khen, hoặc các danh hiệu khác.
Ở chiều ngược lại, nếu phạm lỗi đương nhiên sẽ bị phạt, còn nếu phạm pháp, gây hại cho xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì thế, khi vợ chồng ông Dũng “lò vôi” làm việc tốt thì được tặng giấy khen, khi xúc phạm uy tín lãnh đạo tỉnh bị phạt là chuyện hết sức bình thường. Đó là hai chuyện khác nhau không nên đánh đồng làm một.
Như ông Dũng “lò vôi” nói rằng, người bị phạt không xứng đáng được nhận giấy khen là cách giải thích cưỡng từ đoạt lý. Công ra công, tội ra tội, có công được thưởng, có tội phải phạt, đó luôn là chân lý muôn đời nay. Thử hỏi, khi mà vợ chồng ông Dũng “lò vôi” làm được một vài việc tốt, nếu không nhận được giấy khen, liệu ông có “tâm tư” không? Và khi bà Hằng phỉ báng lãnh đạo mà không bị phạt, liệu có còn kỷ cương phép nước?
Nếu lý luận như ông Dũng “lò vôi”, những người vi phạm hình sự bị điều tra, truy tố, xét xử, họ cũng đùng đùng trả lại bằng khen, giấy khen, thậm chí là huân chương này, huy chương nọ hay sao? Không đâu, đó là những “lá bùa” để giúp các bị cáo được xem xét khi lượng hình, bởi HĐXX sẽ căn cứ vào đó để đánh giá, cân nhắc khi tuyên án.
Đưa ra các phân tích ở trên để thấy rằng, việc đòi trả lại tất cả giấy khen cho chính quyền tỉnh Bình Thuận của ông Dũng “lò vôi” thể sự thiếu chín chắn trong suy nghĩ, cách hành xử của ông này. Hành động này của ông Dũng “lò vôi” hết sức phản cảm, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Nhiều người còn cho rằng, đó như một hành vi phỉ báng chính quyền.
Vậy nên, thay vì làm mình làm mấy một cách trẻ con, ông Dũng “lò vôi” nên thu lại ý định trả lại giấy khen, công khai xin lỗi các cơ quan quản lý nhà nước, để thể hiện một người có văn hóa, lịch lãm. Là một doanh nhân, ông Dũng “lò vôi” cần xây dựng hình ảnh đẹp đẽ, đừng để bị hoen ố vì những hành vi, cử chỉ thiếu suy nghĩ. Vì vậy không nên tiếp tục cách hành xử như vừa qua.