Làm mới du lịch Hà Nội

HOÀI DƯƠNG 09/10/2022 07:50

Là một trong những điểm đến hàng đầu Việt Nam, Hà Nội định vị hình ảnh trên bản đồ du lịch nội địa và quốc tế. Dù vậy, nhiều năm qua tiềm năng của trung tâm du lịch Việt Nam vẫn chưa được khai thác xứng tầm. Cùng với đó, ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục đặt ra nhiều thách thức với ngành công nghiệp không khói này. Nhiều ý kiến cho rằng, để du lịch Thủ đô lấy lại đà tăng trưởng, tiến tới mục tiêu 1,2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 đòi hỏi phải đổi mới tư duy trong phát triển du lịch.

Du khách tham quan khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nỗ lực quảng bá hình ảnh

Với kỳ vọng diện mạo Thủ đô được thế giới biết đến nhiều hơn nữa, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có cuộc gặp với ông Robert Bradley - Phó Chủ tịch cấp cao kênh truyền hình CNN để trao đổi về triển vọng hợp tác giữa Hà Nội và CNN trong thời gian tới. “Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Hà Nội và CNN đã có thời gian hợp tác rất hiệu quả. Vào năm 2019, các hoạt động kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung, đặc biệt là du lịch trong nước và quốc tế diễn ra rất tốt. Với sự hợp tác giữa CNN và Hà Nội, những chuyên đề giới thiệu du lịch Việt Nam và Thủ đô nói riêng đã được bạn bè quốc tế biết đến và quan tâm nhiều hơn”, ông Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ. Đồng thời với thực tế lượng khách du lịch trong nước đã gia tăng đáng kể, nhưng lượng khách quốc tế vẫn chưa phục hồi như trước, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn, ngoài giới thiệu tiềm năng du lịch và văn hóa thủ đô, CNN có sự liên kết với các địa phương khác để tạo ra chuỗi giá trị.

Trước đó, với quan điểm muốn thu hút khách quốc tế đến Hà Nội thì hoạt động quảng bá được xem là “chìa khóa” góp phần gia tăng sức hút với du khách, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với các đại sứ quán tổ chức chương trình xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Việt Nam đến những thị trường trọng điểm như: EU, ASEAN, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Canada…

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Từ đầu năm tới nay Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, tầm cỡ, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô và hướng đến hội nhập quốc tế. Trong đó, thành phố tập trung vào các hoạt động, sản phẩm, chương trình tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội trước, trong và sau thời gian diễn ra SEA Games 31. Cùng với đó, thành phố tổ chức các sự kiện lễ hội định kỳ hàng năm như: lễ hội Du lịch-Văn hóa ẩm thực, Lễ hội Quà tặng Du lịch, Festival Áo dài Hà Nội, chương trình hành trình hữu nghị, tổ chức tuyển chọn đại sứ du lịch Hà Nội và ca khúc dành cho du lịch Hà Nội…

Đặc biệt, để phát huy các giá trị văn hóa, xúc tiến du lịch, thu hút khách du lịch, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, TP Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dự thảo đề án xác định 6 không gian tạo động lực phát triển kinh tế đêm gồm: Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các không gian đi bộ trong khu phố cổ; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại, tổ chức quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên kinh doanh, phố nghề truyền thống. Bên cạnh đó, một loạt không gian đi bộ cũng đang hình thành. Đó là Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; không gian đi bộ hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng; tuyến phố đi bộ tại dự án Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 - Bitexco, quận Hoàng Mai. Thành phố có chủ trương phát triển không gian đi bộ Khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora, huyện Hoài Đức; không gian đi bộ xung quanh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Các không gian này đi vào hoạt động sẽ thu hút một lượng lớn du khách và góp phần phát triển thương mại, dịch vụ cho các khu vực quanh đó.

Phát huy thế mạnh

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 9 tháng năm 2022, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 13,87 triệu lượt khách, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, khách quốc tế đến với Hà Nội vẫn chưa như mong đợi khi mới chỉ đón được 766.000 lượt khách. Trong khi mục tiêu năm 2022 là đón khoảng 1-1,2 triệu lượt.

Một trong những nguyên nhân khiến du khách quốc tế không mấy mặn mà với du lịch Hà Nội là việc hạn chế “làm mới” các hoạt động du lịch, hay tạo sự hấp dẫn trong các sản phẩm du lịch. Trong khi đó tiềm năng du lịch lại quá nhiều.

Đánh giá cao tiềm năng của du lịch Hà Nội, TS Nguyễn Thu Thủy, khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, Hà Nội có 5.922 di tích danh thắng lịch sử, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể nên Thủ đô có thế mạnh lớn nhất là phát triển du lịch văn hóa. Thời gian qua một số điểm đến du lịch văn hóa chính của Thủ đô như Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Hương… đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch di sản. Nhưng khu vực ngoại thành Hà Nội nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo - hội nghị cần được phát huy. “Thủ đô ngàn năm văn hiến với nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử tại các địa phương có tiềm năng du lịch lớn. Những thế mạnh này cần được khai thác để thu hút du khách trong nước và quốc tế”, TS Thủy gợi mở.

Cụ thể, chỉ tính riêng huyện Mỹ Đức đã có quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) nổi tiếng. Trung bình mỗi năm, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Ngoài ra, huyện còn có nhiều di tích, danh thắng như hồ Quan Sơn, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” với diện tích khoảng 1.465ha, trong đó, có hơn 500ha mặt hồ với nhiều núi đá, đảo nổi trên mặt nước; Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai có quy mô 1.120ha, có núi đồi và hệ thống hồ nước, khí hậu trong lành, phù hợp với mô hình nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe… Mỹ Đức còn có không ít làng nghề như: Nghề thêu ở xã Tuy Lai; nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá; nghề mây, tre, giang đan Đông Mỹ; nghề múa rối ở Tế Tiêu... và nhiều di tích độc đáo khác. Hay thị xã Sơn Tây được coi là có “mỏ vàng” di sản. Ngoài làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây còn sở hữu tòa thành đá ong độc nhất vô nhị Việt Nam ở ngay trung tâm thị xã; đền Và - nơi thờ đệ nhất Tứ Bất tử Tản Viên Sơn Thánh hay Văn Miếu Sơn Tây. Nơi đây, hoàn toàn có thể hình thành một “con đường di sản”, chưa kể có thể xây dựng những tour liên thông với các khu nghỉ dưỡng, sinh thái khác trên địa bàn Sơn Tây và Ba Vì…

Nói về hạn chế của du lịch Hà Nội, không thể không nhắc tới một số bất cập trong thực trạng hoạt động tại các khu du lịch và điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Ông Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) nêu: Hạ tầng cơ sở vật chật kỹ thuật phục vụ du lịch (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, điểm dừng chân, điểm cung cấp dịch vụ…) còn thiếu về số lượng và chất lượng, dịch vụ gia tăng phục vụ khách còn hạn chế, một số điểm đến còn tồn tại tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quảng bá trực tuyến, hỗ trợ khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều. Tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch chưa cao, thiếu các điểm đến du lịch chất lượng cao.

Cùng với đó, sản phẩm du lịch Hà Nội chưa thực sự đổi mới, còn đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm. Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao...

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cũng thừa nhận, hiện quy hoạch, đầu tư cho lĩnh vực du lịch chưa được triển khai đồng bộ; kết cấu hạ tầng chung của Thủ đô và vùng phụ cận chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao. Ngoài ra ngành du lịch còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư lớn, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư dự án lớn phát triển du lịch trên địa bàn.

Làm gì để hấp dẫn du khách?

Hà Nội có thị trường du lịch ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bốn năm gần đây, lượng khách nước ngoài luôn tăng cao, từ 16 đến 20%/năm. Vì vậy giới chuyên gia cho rằng, điều này đòi hỏi ngành du lịch cùng với cơ quan chức năng phải có tư duy đổi mới trong chiến lược thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững. Nêu nguyên nhân dẫn tới du khách nước ngoài chưa mặn mà với điểm đến Hà Nội sau dịch bệnh Covid-19. Trong đó có ý kiến gây chú ý của PGS.TS Phạm Trung Lương (Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam - VITEA): Du lịch Hà Nội đã phát triển đến cuối giai đoạn “hưng thịnh” đầu giai đoạn “trì trệ” với hệ thống các sản phẩm du lịch và dịch vụ đã trở nên “nhàm chán” với du khách và cần thiết phải đầu tư “làm mới” lại.

PGS.TS Phạm Trung Lương nêu rõ: Hà Nội đang có sự phát triển mất cân đối giữa các trọng điểm du lịch trên địa bàn, đặc biệt giữa địa bàn trung tâm và khu vực phía Tây Thủ đô. Trong một thời gian dài, Hà Nội chủ yếu tập trung khai thác tiềm năng du lịch trung tâm đô thị, vì vậy đã không chỉ tạo ra sự mất cân đối trong phát triển du lịch theo lãnh thổ mà còn tạo ra sự mất cân đối trong phát triển hệ thống sản phẩm du lịch và các dịch vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch.

TS Nguyễn Văn Lưu - chuyên gia du lịch cũng bày tỏ, một trong những giải pháp quan trọng là Hà Nội cần quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch bằng cách kiểm kê lại lực lượng lao động, từ đó có chương trình đào tạo phù hợp.

Nhấn mạnh chất lượng sản phẩm du lịch là yếu tố cốt lõi thu hút du khách, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng kiến nghị, các đơn vị lữ hành, điểm đến của Hà Nội cần tăng trải nghiệm cho khách hàng, kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách bằng cách “làm mới” các sản phẩm, quà tặng chất lượng.

Ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội: Du lịch Thủ đô cần thay đổi để phù hợp với tình hình mới

Giai đoạn từ nay đến 2025 và tiếp theo, ngành du lịch Hà Nội cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đã có với lợi thế là du lịch di sản văn hóa. Bên cạnh đó chọn một số làng nghề tiêu biểu để nâng cấp, chọn những làng nghề tiêu biểu, phù hợp đón khách du lịch chứ không nên phát triển du lịch làng nghề ồ ạt. Bên cạnh đó nâng cấp chất lượng các tuyến phố đi bộ; nâng cấp hạ tầng du lịch, chỉnh trang cảnh quan chung của thành phố, đặc biệt các quận nội thành và tuyến phố cổ. Cần có chỉ dẫn về điểm dừng xe cho các tour, tuyến; quy hoạch hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các khu du lịch… Hiện xu hướng du lịch của du khách thay đổi đặt ra yêu cầu ngành du lịch Thủ đô cần vận động, thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng khoa Kế hoạch và Phát triển (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội): Khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế đêm

Để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế đêm của Hà Nội, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế đêm. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế đêm. Xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm mới du lịch Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO