Gần đây, những cuộc họp bàn về xây dựng nông thôn mới ở bản Hum bao giờ cũng rất sôi nổi với đủ thành phần bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, trưởng bản, chi hội trưởng nông dân, phụ nữ, đoàn thành niên…Đặc biệt là cuộc họp nào rất dài, thậm chí qua cả bữa trưa mà mọi người vẫn hăng say bàn luận. Ai cũng muốn những công trình nông thôn mới như con đường bê tông, đập nước, nhà văn hóa sớm hiện diện ở cái bản nghèo này.
Những con đường Nhà nước và nhân dân cùng làm
Và trong những buổi họp đó, vấn đề kinh phí xây dựng nông thôn mới luôn được đặt lên hàng đầu, cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Bởi sự hỗ trợ của Nhà nước có hạn, nên khi triển khai bắt buộc phải huy động sự tham gia của cả cộng đồng, cả về của cải vật chất và ngày công lao động của người dân. Làm thế nào để đồng thuận lòng dân là việc không đơn giản.
Rút kinh nghiệm từ nhiều đợt triển khai tại các bản, làng khác, lần này tại bản Hum, từ cán bộ xã tới già làng, trưởng bản đều thống nhất phương án là tiết kiệm tối đa chi phí tuyên truyền, mà tập trung thẳng mọi nguồn lực vào việc xây dựng. Đi đầu cho sáng kiến này chính là ông trưởng ban công tác Mặt trận thôn - Lù Văn Kế. Tại buổi họp nào ông cũng là người có nhiều ý kiến nhất, thế nhưng ý kiến nào cũng nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của mọi người bởi tất cả đều xuất phát từ ý nguyện, lợi ích của người dân:
- Chúng ta sẽ cắt gọn khâu băng rôn, khẩu hiệu, loa đài. Công việc sẽ trao đổi cùng bà con trong các buổi họp của bản, ngoài ra tôi sẽ trực tiếp đi vận động thêm một số gia đình. Số tiền dành cho công tác tuyên truyền sẽ dồn hết vào chất lượng những công trình sắp triển khai. Mọi khoản đóng góp sẽ công bằng với cả lãnh đạo thôn bản và người dân. Xưa nay bà con mình vốn làm nhiều chứ không nói nhiều. Bởi vậy con đường tốt, vững chãi để bà con không còn phải khổ sở trong những ngày mưa gió sẽ là cách tuyên truyền mạnh nhất, trúng nhất - giọng ông Kế mạnh mẽ.
Và cái bản chất nói ít, làm nhiều đó của ông đã ngấm vào từng công việc, từng con người được ông tuyên truyền vận động. Quan điểm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ cả chi phí” của ông cán bộ Mặt trận được người dân rất ủng hộ. Rằng, “tiền Nhà nước hỗ trợ có từng đấy, người dân đóng thêm từng này, mỗi nhà sẽ phải cử người tham gia ngày công lao động, đường qua nhà nào nhà đó sẽ tự nguyện hiến đất để cho con đường to hơn, rộng hơn…”.
Rồi bắt đầu từ con đường liên bản đó, cái lý, cái tình và sự hăng hái đi đầu của ông trưởng ban công tác Mặt trận thôn đã đem đến những hiệu quả rõ rệt trong công tác xây dựng nông thôn mới. Bà con thôn bản ai cũng nghèo, nhưng ai cũng hăng hái, nhiệt tình đóng góp. Bởi họ thấy mỗi đồng họ góp là mỗi công trình cứ dần hình thành lên ở cái bản Hum nghèo khó này.
Dân đóng một đồng, cán bộ thôn bản cũng đóng một đồng, con đường xây xong vững chãi, thẳng tắp từ bản ra tới xã. Công bằng như thế bảo sao dân bản chúng tôi không làm theo – Sùng Mí, chàng thanh niên luôn hăng hái trong công việc của bản, của làng phấn khởi nói.