Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, những năm gần đây lương của DNNN đã vượt khu vực DN nước ngoài, do DNNN có quy mô lớn. Đồng thời, lao động làm trong khu vực DNNN chủ yếu lao động có bằng cấp, tay nghề cao...
Thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân/tháng (bao gồm tiền lương/tiền công,
các khoản có tính chất lương và phúc lợi khác) của người lao động
làm công hưởng lương là 4,46 triệu đồng.
Kết quả khảo sát trong Bản tin cập nhập thị trường lao động Việt Nam quý II được Bộ LĐTB&XH và Tổng cục Thống kê công bố sáng 30/10 tại Hà Nội cho thấy, thu nhập của lao động trong doanh nghiệp nhà nước ở mức cao.
Theo đó, nhóm lao động trong khối các DNNN với mức thu nhập 6,15 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó lao động làm việc ở khu vực hợp tác xã có mức thu nhập thấp nhất (chỉ 2,84 triệu đồng).
Theo Bộ LĐTB&XH, quý II-2015, thu nhập bình quân/tháng (bao gồm tiền lương/tiền công, các khoản có tính chất lương và phúc lợi khác) từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 4,46 triệu đồng.
Theo thống kê, thu nhập bình quân của lao động nam là 4,7 triệu đồng/tháng; lao động nữ có thu nhập thấp hơn, là 4,13 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của lao động thành thị là 5,25 triệu đồng/tháng; lao động nông thôn thấp hơn đáng kể so với thành thị, chỉ đạt 3,84 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, trong quý II-2015, thu nhập bình quân tháng của lao động giảm 435 nghìn đồng (-8,9%). Trong đó, thu nhập của lao động nữ giảm nhiều hơn nam, thành thị giảm nhiều hơn nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, lương quý II giảm do lương quý I tăng nhờ thưởng Tết. Ngoài ra, lao động dịch chuyển về nông thôn nhiều hơn (nhóm thu nhập thấp), khiến tổng bình quân lương cũng giảm theo.
Về lương của người lao động trong DNNN, bà Hương cho rằng, những năm gần đây lương của DNNN đã vượt khu vực DN nước ngoài, do DNNN có quy mô lớn. Đồng thời, lao động làm trong khu vực DNNN chủ yếu lao động có bằng cấp, tay nghề cao, DN đặt ở thành phố lớn nên lương cũng cao hơn. Ngoài ra, tổng sản phẩm tăng nhờ Nhà nước tăng đầu tư, tăng giá sản phẩm… kéo theo lương tăng lên, dù chưa chắc hiệu quả đã tăng.
Đánh giá tình hình lao động thị trường quý II, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, điểm sáng của thị trường lao động quý II là sự khởi sắc kinh tế, sức ép việc làm giảm. Lao động trong các ngành nghề chế biến tăng, lao động nông lâm ngư nghiệp giảm. Nhiều chương trình được triển khai có hiệu quả như: hơn 90.000 lao động đi xuất khẩu lao động, vượt chỉ tiêu năm 2015, chính sách hỗ trợ thất nghiệp đã đi vào thực tế...Nhờ đó tình hình thiếu việc làm được cải thiện.
Trong quý II-2105, cả nước có 832,3 nghìn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, giảm mạnh so với quý 1-2015 (giảm 296 nghìn người) và so với quý II-2014 (giảm 215 nghìn người), dẫn đến tỷ lệ thiếu việc làm quý II-2015 xuống 1,81%, thấp nhất trong vòng 12 tháng qua.
Tuy nhiên trong số lao động thất nghiệp, vẫn còn 199,4 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 17,4% số lao động thất nghiệp), tăng 22 nghìn người so với quý trước. Trên tổng số lao động đại học trở lên ra trường trong quý là 4,47 triệu người.
Về triển vọng thị trường lao động từ nay đến cuối năm, đại diện Bộ LĐTB&XH cho rằng, nếu như không có nhiều biến động về mô hình tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2015, hệ số co giãn việc làm theo tăng trưởng kinh tế vẫn giữ ở mức 0,3 - 0,36.
Dự báo lực lượng lao động có việc làm quý 3 đạt 52,9 triệu người (tăng 0,81% so với quý II), quý IV đạt 53,1 triệu người (tăng 0,34% so với quý III).
Riêng khối DN, dự báo nhu cầu tuyển dụng cả năm 2015 sẽ tăng thêm 360 nghìn người (tăng 3,27%) so với năm 2014, đưa tổng số lao động làm việc trong DN đạt 12,32 triệu người, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương trên tổng số có việc làm vào cuối năm 2015 sẽ đạt 40%.