Lãi suất tăng và nguồn cung hạn chế khiến quyền sở hữu nhà ở nằm ngoài tầm với của nhiều người dân tại châu Âu. Do đó, các nhà đầu tư bất động sản toàn cầu và khu vực đang đặt cược vào lĩnh vực cho thuê nhà tư nhân non trẻ của châu lục.
Phát triển mạnh ở Đông Âu
Thị trường bất động sản nhà ở tại châu Âu đã phát triển đến mức các nhà đầu tư nhận thấy rằng, phân khúc nhà ở đang bắt đầu thách thức các tòa nhà văn phòng như một trọng tâm cho nguồn tiền của họ.
Ông Stanislav Kubacek - người đứng đầu bộ phận đầu tư tại Đông Âu của Công ty Heimstaden, có trụ sở tại Thụy Điển - cho biết: “Có nhiều thành phố lớn ở khu vực trung tâm châu Âu có động lực kinh tế và nhân khẩu học tích cực nhưng thị trường nhà ở không đáp ứng đủ. Đây lý do tốt để đầu tư vào lĩnh vực cho thuê nhà ở".
Theo báo cáo của CBRE - một công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ, trong nửa đầu năm 2022, đầu tư vào lĩnh vực này ở Ba Lan và Cộng hòa Séc đã tăng 38% lên 130 triệu Euro (138 triệu USD).
Những người tham gia thị trường cũng cho biết, lợi nhuận cao hơn và phạm vi tăng trưởng đang thúc đẩy các dự án mới. Tập đoàn NREP của Đan Mạch gia nhập thị trường Ba Lan vào năm 2021 và có kế hoạch đầu tư khoảng 500 triệu Euro vào lĩnh vực nhà ở và hậu cần trong 3 năm tới, với các dự án ở các thành phố lớn.
Ông Rune Kock, Giám đốc Điều hành bộ phận bất động sản của NREP cho biết: “Các nhà đầu tư có thể nhìn thấy cơ hội thị trường lớn khi thế hệ trẻ ngày càng cởi mở hơn với việc thuê nhà, trong khi nguồn cung nhà cho thuê hiện rất hạn chế”.
Ba Lan - nền kinh tế lớn nhất của khu vực Trung Âu - nổi bật với dân số ngày càng tăng ở nhiều thành phố lớn và ước tính thiếu 3 triệu ngôi nhà. Ông Radim Bajar - một đối tác của tập đoàn đầu tư Séc Mint Investments - cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên về tốc độ thay đổi và cách thị trường đang thay đổi. Trong 10 năm tới, 2/3 số căn hộ được xây dựng ở Ba Lan sẽ được bán cho các quỹ như quỹ của chúng tôi và chỉ 1/3 được bán cho các chủ sở hữu nhà".
Phần lớn nguồn cung nhà ở tại Đông Âu là các căn hộ cũ, thường được thiết kế sẵn, rất cần được hiện đại hóa. Đó là một lợi thế cho các nhà phát triển khi nhắm đến nhóm lao động nước ngoài ngày càng tăng với các yêu cầu tiện nghi như internet tốc độ cao, phòng tập thể dục...
Dữ liệu của Cushman & Wakefield cho thấy, lợi suất hiện tại đối với bất động sản nhà ở tại Đông Âu cao hơn 100 đến 200 điểm % so với ở Tây Âu. Cụ thể, tại thành phố Warsaw là 5% và Praha là 4,10% so với 2,70% ở Berlin, 3% ở Amsterdam và 3,25% ở London.
Thay đổi nhân khẩu học là một yếu tố khác. Bà Wysokińska-Kuzdra, một đối tác cấp cao của Collier's ở Warsaw, cho biết thêm: "Việc nhập cư vào Ba Lan cả trước và sau xung đột ở Ukraine, cũng như sự bùng nổ của các dịch vụ kinh doanh thu hút lao động nước ngoài, những người đòi hỏi căn hộ chất lượng cao hơn, đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở".
Giá thuê cao vượt khả năng chi trả ở Australia
Giá thuê nhà tăng 8 lần liên tiếp, cộng chi phí sinh hoạt tăng cao và thảm họa thiên nhiên tàn khốc trong vài năm qua đã khiến Australia không còn là thị trường cho thuê nhà có giá cả phải chăng nhất thế giới.
Thêm vào đó, trận lũ lụt tồi tệ nhất ở Australia được ghi nhận ở miền Đông nước này hồi đầu năm nay đã phá hủy nhà cửa và buộc khoảng 40.000 người phải sơ tán, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhà ở.
Cô Belinda đã đăng ký hơn 100 căn nhà cho thuê trong năm qua và lần nào cũng bị từ chối. Bà mẹ đơn thân người Australia cùng 4 đứa con hiện đang sống trong một nơi trú ẩn tạm thời ở Campbelltown, phía Tây Nam thành phố Sydney đang tìm kiếm ngôi nhà cho thuê có giá dưới 500 AUD/tuần.
Theo báo cáo Chỉ số Giá cả phải chăng cho thuê hàng năm do SGS Economics and Planning công bố, mỗi thành phố thủ phủ của tiểu bang đều đang trải qua sự sụt giảm về khả năng chi trả tiền thuê nhà trong năm nay. Một báo cáo khác của tổ chức phúc lợi phi lợi nhuận Anglicare cho biết, trên khắp Australia, các cặp vợ chồng không có việc làm và cha mẹ đơn thân nhận trợ cấp của chính phủ phải đối mặt với một thị trường chỉ có 0,1% tiền thuê nhà là hợp túi tiền.
Nhưng ngay cả với một người có nguồn lương hàng tháng ổn định cũng hầu như không khấm khá hơn, vì tiền lương không theo kịp với giá thuê ngày càng tăng. Sydney được Savills liệt kê là 1 trong số 10 thị trường cho thuê đắt đỏ nhất thế giới, đứng trên các thành phố như Miami và Paris.
Nguồn cung nhà cho thuê ở mức thấp nhất trong 2 thập kỷ, khiến những người thuê nhà phải cạnh tranh với số lượng kỷ lục những người không còn đủ khả năng mua sau khi giá nhà tăng vọt. Bên cạnh đó, mức độ di cư gia tăng sau khi biên giới mở cửa trở lại trong năm nay đã làm tăng thêm nhu cầu nhà ở, sự cạnh tranh đã dẫn đến “cuộc chiến” đấu thầu cho thuê.
Các nhóm phúc lợi và người thuê nhà cho biết, họ đang bị đuổi ra khỏi nhà bởi các chủ sở hữu nhà buộc phải tìm cách tăng giá thuê để theo kịp lạm phát gia tăng, hiện đang ở mức cao nhất trong 32 năm qua. Lý giải cho việc liên tục tăng giá thuê nhà, các chủ sở hữu bất động sản cho rằng, chi phí gia tăng chính là nguyên nhân. “Áp lực chi phí bao gồm lãi suất tăng, chi phí bảo trì tăng và các chi phí liên quan khác như phí công dân và phí hội đồng” - ông Debra Beck-Mewing - Phó Chủ tịch Hiệp hội chủ sở hữu tài sản của New South Wales - cho biết.
Cũng theo ông Beck-Mewing, giá thuê đang tăng trở lại sau khi nhiều chủ sở hữu bất động sản giảm giá thuê trong thời kỳ Covid-19 và có khả năng sẽ tiếp tục tăng vào năm 2023.
Bà Suzanne Hopman - Giám đốc điều hành của Dignity cho biết họ đang hướng tới mùa Giáng sinh bận rộn nhất, khi ngày càng có nhiều người tìm kiếm một nơi để nghỉ ngơi và các hỗ trợ khác.
Truyền thống thích sở hữu hơn là thuê nhà của đa số người dân Đông Âu đã bị thách thức bởi giá nhà tăng vọt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, được thúc đẩy thêm bởi tăng trưởng kinh tế và một thập kỷ lãi suất thế chấp thấp nhất.