Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tham dự Hội nghị G20 mới đây tại Indonesia. Hội nghị kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng lãi suất trên thế giới sẽ tiếp tục tăng từ nay đến năm 2023, trước khi lạm phát có thể hạ nhiệt.
Phát biểu khi tham gia Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bà Georgieva nhận định giá hàng hóa cơ bản vẫn còn tiếp tục tăng, bất chấp giá dầu thô có thể giảm trong thời gian tới và những nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá lương thực toàn cầu đã lên mức cao nhất kể từ tháng 4 tới nay. Điều đó cho thấy lạm phát vẫn rất khó kiểm soát và bào mòn thu nhập của người lao động, cũng như tác động nghiêm trọng đến những khu vực nghèo trên thế giới.
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng G20 diễn ra tiếp sau Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao. Hội nghị này sẽ còn diễn ra một lần nữa vào tháng 10 tới cho thấy nỗ lực cũng như khó khăn tìm tiếng nói chung trong lạm phát như thế nào. Sau đó, dù muốn dù không thì Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2022 cũng vẫn sẽ phải diễn ra, vào tháng 11, tại Mỹ.
Việc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng không ra được thông cáo chung (thay vào đó là tuyên bố của chủ tịch G20) cho thấy việc giải quyết lạm phát còn ở rất xa, trong khi mối đe dọa thiếu lương thực toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng.
Tuy rằng Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati (nước chủ nhà đăng cai tổ chức hội nghị) cho rằng những cuộc đàm phán quốc tế đã đạt “tiến bộ”, nhưng dẫu thế thì cũng không tìm được tiếng nói chung.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, cùng các đồng cấp từ Australia và Canada thì cho rằng muốn chặn làn sóng lạm phát đang lan rộng, làm chấn động nền kinh tế toàn cầu thì còn phải cần rất nhiều sự quyết tâm của các chính phủ.
Còn ông Eric LeCompte - Giám đốc điều hành của Mạng lưới Jubilee USA (một tổ chức phi chính phủ chuyên vận động hành lang cho vấn đề nợ của các quốc gia đang phát triển) đưa ra nhận định, sự chia rẽ nội bộ đã cản trở khả năng G20 hành động quyết đoán cũng như khiến thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều bất định.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng Hội nghị lần này với sự tham dự của hơn 400 đại diện đến từ các nước thành viên G20 và các tổ chức quốc tế, với 17 Bộ trưởng Tài chính và 10 Thống đốc Ngân hàng trung ương tham dự trực tiếp “đáng lẽ phải là một cơ hội” cho việc kéo giảm lạm phát toàn cầu, “những tiếc thay cơ hội đó đã vuột mất. Vì thế, hội nghị kế tiếp dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới có lẽ cũng sẽ là quá muộn khi mà lạm phát đang lan rộng với tốc độ cháy rừng”.
Có lẽ vì thế mà trên Twitter, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva thay vì kêu gọi cùng nhau chống lạm phát đã kêu gọi hỗ trợ những người dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương.
Nói về việc các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng G20 không ra thông cáo chung, thay vào đó Indonesia ra “Tuyên bố của chủ tịch G20”, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati, cho biết quyết định này của nước chủ tịch G20 được đưa ra “trong một tình huống rất thách thức và khó khăn”.
Bà Indrawati cũng đã lên tiếng cảnh báo về việc các nước G20 không đạt được đồng thuận về các mối đe dọa kinh tế lớn như xung đột, giá cả hàng hóa và lạm phát toàn cầu tăng cao sẽ càng khiến tình hình thêm căng thẳng. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Indonesia Perry Warjiyo lên tiếng kêu gọi các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 đoàn kết.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên G20 không đạt được nhất trí. Hồi tháng 4 năm nay, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 cũng đã không thể ra tuyên bố chung tại cuộc họp ở Washington (Mỹ) sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và một số quan chức đồng cấp phương Tây bước ra khỏi cuộc họp khi các quan chức Nga bắt đầu phát biểu.
Tới thời điểm giữa tháng 7/2022, lạm phát ở Mỹ đã lên tới 9,1%; còn tại Liên minh châu Âu (EU) là 8,6%. Đây được coi là mức lạm phát kỷ lục trong vòng 40 năm qua.