Làm rõ chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất

Việt Thắng 03/11/2023 18:14

Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho biết, trong dự thảo Luật lần này cũng đã có quy định hỗ trợ ở Điều 108 và Điều 109. Dự thảo cũng có những quy định mới, rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo hơn nữa quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên số liệu khảo sát cũng cho thấy trong số những nông dân có thay đổi việc làm, số người chuyển sang làm thuê là nhiều nhất và số người chuyển sang học nghề mới là ít nhất.

Theo ông Bình, tiền bồi thường, bảo trợ từ đất cũng chưa được nông dân sử dụng đúng cách vì vậy sau một thời gian họ sử dụng hết tiền, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, không có thu nhập. Từ đó, ông Bình đề nghị, Ban soạn thảo xem xét làm rõ phạm vi, đối tượng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi bị thu hồi đất để tránh tình trạng bỏ sót. dự thảo Luật cũng cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề. Đồng thời có những hướng dẫn chặt chẽ và chi tiết hơn Nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo lớp học nghề được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả, đặc biệt cần được quy định rõ trong Luật về vấn đề quy hoạch và phát triển các làng nghề truyền thống. Đây có thể xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất

ĐB Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) nêu quan điểm rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này với nhiều chính sách quan trọng tác động đến đời sống kinh tế xã hội nhận được nhiều sự quan tâm của Nhân dân để hoàn thiện các chính sách này.

Về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Điều 45, bà Trinh cho biết, hiện nay nhiều hộ gia đình có đất trồng nông nghiệp là đất lúa dù không trực tiếp sản xuất nhưng vẫn thuê mướn người để canh tác, sản xuất.

“Việc bắt buộc trong mọi trường hợp, bất kể quy mô đất trồng lúa, nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đều phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa là chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay”-bà Trinh lo ngại.

Từ đó bà Trinh đề nghị, xem xét điều chỉnh quy định theo hướng người nông dân có đất nông nghiệp được góp vốn bằng chính mảnh đất của mình để khuyến khích, tích tụ đất đai phục vụ các dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Về cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi tại Điều 86, bà Trinh đề nghị, cần cụ thể hóa quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi theo hướng làm rõ tổ chức được thực hiện các chức năng vừa nêu là tổ chức công lập hay tổ chức tư nhân.

Cùng với đó, làm rõ nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi tại Điều 91 để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quy định rõ hơn các tiêu chí cơ bản bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thu hồi và tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây cản trở quá trình triển khai các công trình, dự án lớn.

Về đất sử dụng ổn định lâu dài tại Điều 172 khoản 1, bà Trinh đề nghị dự thảo Luật lần này nên quy định định việc giao đất cho chủ đầu tư dự án là có thời hạn nhưng cho phép người mua nhà ở trong dự án bất động sản được sử dụng đất ổn định lâu dài để tạo cơ sở pháp lý cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn với thời hạn sử dụng ổn định lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm rõ chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO