Làm rõ đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

Anh Vũ 16/10/2015 07:28

Chiều 15/10, Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật - Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý kiến dự thảo văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha phát biểu tại Hội nghị.

Góp ý dự thảo văn kiện, các đại biểu cho rằng dự thảo báo cáo trình bày có nhiều điểm mới, đảm bảo trọng tâm, đánh giá tình hình, nhận định, phương hướng, giải pháp rõ ràng, có sức thuyết phục và thể hiện tính nghiêm túc, tự phê bình của Đảng trước tình hình đất nước và nhân dân. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn việc xây dựng chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân nhân, hoàn thiện pháp luật, chính sách để MTTQ và nhân dân thực hiện quyền làm chủ, giám sát và phản biện xã hội.

Về phương hướng nhiệm vụ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Phó chủ nhiệm HĐTV Dân chủ và pháp luật Đỗ Duy Thường đề nghị dự thảo cần làm rõ hơn nữa về đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Theo ông Thường dự thảo cần nhấn mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là động lực nguồn sức mạnh to lớn có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích của các giai tầng xã hội, mọi người dân phải được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới một cách công bằng.

Chính sách pháp luật phải vì quyền lợi, lợi ích chính đáng của nhân dân, cán bộ công chức nhà nước phải vì nhân dân phục vụ. Cùng với đó Nhà nước phải tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật nhất là về các quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp 2013 đã quy định như quyền lập hội, quyền trưng cầu dân ý, quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức.

Luật sư Đỗ Trọng Hải cho rằng thời gian qua chúng ta đã có nhiều chủ trương chính sách để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo ông Hải hiện chúng ta có hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, chính vì vậy dự thảo cần quan tâm đến vấn đề này để tập hợp đoàn kết, khuyến khích sự đóng góp của kiều bào với đất nước.

Các đại biểu góp ý dự thảo văn kiện.

Góp ý vào việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền, ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đề nghị dự thảo cần có những giải pháp cụ thể để hoàn thiện nhà nước pháp quyền như mô hình tổ chức chính quyền địa phương, việc phân cấp trong quản lý.

“Dự thảo cần bổ sung làm rõ quy định trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các địa phương các cơ quan có thẩm quyền trong nhà nước, xác định rõ chuế độ đãi ngộ. Cùng với đó cần định hướng và có giải pháp tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước đi đôi với việc sử dụng công nghệ thông tin và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý.”, ông Thảo đề nghị.

Cùng với đó ông Thảo cũng đề nghị cần đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội trong việc giám sát thực hiện chế chế kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền tự do, dân chủ trong hoạt động kinh tế của người dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Có như vậy mới thực sự tôn trọng và phát huy giám sát của MTTQ và dân chủ nhân dân.

Ông Cao Anh Đô - Viện nhà nước và pháp luật – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng phải tiến hành đồng bộ 4 nội dung đó là cải cách thể chế hành chính, cái cách bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách tài chính công. Cần chuyển từ mô hình hành chính công truyền thống sang mô hình hành chính công hiện đại. Có thực hiện được mục tiêu cải cách hành chính mới góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với bản chất của dân, do dân, vì dân.

Việc phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong năm tới cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo Phó chủ nhiệm HĐTV Đỗ Duy Thường, dự thảo cần bổ sung việc tiếp tục tăng cường, củng cố về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Cùng với đó đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, thực hiện nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên HĐTV dân chủ và pháp luật; đồng thời khẳng định, những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu sẽ được tổng hợp để gửi tới Ban thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam góp ý vào dự thảo văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm rõ đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới