Những ngày qua, không riêng gì người dân đang sinh sống và làm việc ở thành phố Đà Nẵng mà có thể nói là người dân cả nước lẫn kiều bào ở nước ngoài đang thực sự “nóng” lên trước thông tin người Trung Quốc giấu mặt núp bóng đằng sau người địa phương để thâu tóm hàng trăm lô đất nằm dọc bãi biển và chung quanh sân bay quân sự Nước Mặn nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).
Khách sạn do người Trung Quốc làm chủ cao gấp nhiều lần so với
nhà để tàu bay trong sân bay Nước Mặn. (Ảnh: Đ.Nguyên).
Thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh quận Ngũ Hành Sơn cho biết: Khu biệt thự ven sân bay quân sự Nước Mặn có tổng số 246 lô đất, với diện tích từng lô khoảng 150m² và một số ít lô có diện tích hơn 310m². Trong đó, có 77 lô do 7 công ty, bao gồm các công ty có liên quan đến người Trung Quốc đăng ký sở hữu; 169 lô đứng tên sở hữu cá nhân.
Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cho biết: Mặc dù chưa có cơ sở để khẳng định người Trung Quốc giấu mặt để mua đất xung quanh sân bay quân sự Nước Mặn. Nhưng có một sự thật rất đáng phải chú ý là có những hộ dân ở địa phương có hoàn cảnh kinh tế thuộc dạng hộ nghèo nhưng đùng một cái lại đứng tên mua đến hàng chục lô đất. Có trường hợp, thanh niên còn rất trẻ, kinh tế gia đình thuộc dạng khó khăn mà lại đứng tên mua đến 12 lô đất với giá trị lên đến hơn 50 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư chi bộ thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng (nơi thanh niên sở hữu 12 lô đất cư trú) khẳng định với chúng tôi rằng: Người thanh niên sở hữu 12 lô đất có tên đầy đủ là Lý Phước Cang. Tại địa phương, anh Cang nằm trong diện hộ nghèo, nếu mang bán tất cả tài sản của gia đình anh ta thì cũng không thể mua nổi vài chục mét đất chứ nói chi đến chuyện 12 lô đất mặt tiền.
Ông Lê Tấn Nghĩa cho chúng tôi biết thêm rằng: Cho đến thời điểm này, phường Khuê Mỹ chưa hề xác nhận hồ sơ, giấy tờ gì liên quan đến việc chuyển nhượng, đứng tên, ghép thửa giữa người Việt với người Trung Quốc. Xét về lý thì chúng ta chưa thấy người Trung Quốc nào đứng ra mua đất, nhưng rõ ràng là trong chuyện này có điều gì đó khiến chúng ta phải hết sức cảnh giác.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố Đà Nẵng nói: Rất có thể đứng đằng sau những người Việt mua đất này là những đại gia người Trung Quốc. Một số lô đất nằm trong khu vực nhạy cảm này đã được xây dựng làm nhà hàng, khách sạn mang tên Trung Quốc. Ông Điểu cũng nói thêm rằng, khu vực này tuy là không quá lớn, nhưng về lâu dài, khi đã xây dựng lên hệ thống khách sạn, biệt thự thì có thể sinh sống cả trăm nghìn người, ông cũng bày tỏ sự quan ngại của cá nhân mình khi biết được hiện nay khu vực này có rất nhiều người Trung Quốc sinh sống…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu biệt thự sân bay Nước Mặn được quy hoạch đất ở đô thị. Như vậy, muốn xây dựng khách sạn, nhà hàng, chủ đầu tư phải làm thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP. Đà Nẵng. Việc chuyển mục đích chỉ được chấp thuận nếu phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND TP phê duyệt. Tiếp đó, chủ đầu tư phải làm thủ tục xin cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng, xin phép đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch & Đầu tư…
Vì vậy, các cơ quan quản lý ở Đà Nẵng hoàn toàn có thể phát hiện, xử lý và sớm ngăn chặn được việc các cá nhân đứng tên mua đất hộ, sau đó “bàn giao” lại cho người Trung Quốc qua hình thức “góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất”, không để có thêm hàng loạt vụ mua bán đất trái quy định được thực hiện êm xuôi, trót lọt.
Được biết, ngoài vệt biệt thự sân bay Nước Mặn, một công ty có liên quan đến người Trung Quốc cũng được cho là đã nhận chuyển nhượng thêm 3 lô đất khác trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận quan tâm nhất là việc người Trung Quốc sở hữu đất ở các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.
Chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng nhìn nhận khu vực bên ngoài tường rào sân bay quân sự Nước Mặn được đánh giá là nhạy cảm về an ninh quốc phòng; từ tầng 6, tầng 7 của các khách sạn bên ngoài có thể quan sát mọi động tĩnh trong sân bay. Nhiều năm trước, Đà Nẵng cũng cấp phép cho một đơn vị do người Trung Quốc làm chủ là Silver Shores Hoàng Đạt xây khu du lịch và giải trí quốc tế với quy mô cả chục tầng án ngữ trên bãi biển và cũng cách sân bay Nước Mặn chỉ một con đường. Mới đây, doanh nghiệp này tiếp tục được phép xây dựng khách sạn JW Marriott cao hàng chục mét ở gần khu vực này. Đó là chưa kể dự án khu ký túc xá dành cho nhân viên Silver Shore cũng chấp thuận xây dựng với chiều cao 64,3m, sau khi có ý kiến của Sư đoàn 375 được điều chỉnh xuống 43,6m.
Mới đây, trong buổi gặp mặt cán bộ quân đội nghỉ hưu cấp tướng và chỉ huy qua các thời kỳ trên địa bàn Đà Nẵng nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, các vị tướng rất bức xúc và chất vấn lãnh đạo đương nhiệm của thành phố về vấn đề lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng làm việc, các dự án của người Trung Quốc được cấp phép ở khu vực gần sân bay Nước Mặn và vấn đề nổi cộm gần đây là chuyện người Trung Quốc giấu mặt nhờ người Việt mua đất ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.
Ông Huỳnh Đức Thơ đã thay mặt cho lãnh đạo thành phố trả lời rằng: Cấp ủy Đảng và chính quyền nhận thức rất sâu sắc tình hình gay cấn trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên đất liền và biển đảo, trong tình thế chúng ta phải duy trì mối ngoại giao với tinh thần quan hệ hữu nghị. Về vấn đề người Trung Quốc ở Đà Nẵng, ông Thơ khẳng định: Đúng là có hiện tượng như người dân Đà Nẵng đang lo lắng. Lượng người Trung Quốc đến Đà Nẵng ngày càng nhiều và họ cũng tìm cách phát triển công việc làm ăn của họ. Đà Nẵng ngoài chuyện là địa bàn du lịch thì đây còn là địa bàn rất quan trọng về an ninh quốc phòng…Ông Thơ nói thêm rằng: Người Trung Quốc đến Đà Nẵng hiện nay chủ yếu vẫn hoạt động trên lĩnh vực du lịch chứ chưa hề làm gì liên quan đến công nghiệp, chưa có nhà máy, xí nghiệp nào liên quan đến người Trung Quốc.
Ở lĩnh vực du lịch, hiện nay trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (khu vực đối diện với sân bay Nước Mặn) có một cơ sở rất lớn là khu khách sạn 5 sao Silver Shores (do người Trung Quốc làm chủ), hoạt động dịch vụ đánh bạc dành cho người nước ngoài, chủ yếu là khách người Trung Quốc. Cơ sở này đã được cấp phép từ lâu, tại cơ sở này có rất nhiều người Trung Quốc đến đánh bài và lưu trú. Do tính chất hoạt động nên xung quanh đó kéo theo rất nhiều dịch vụ như nhà hàng, nhà nghỉ mini, masage, bán hàng lưu niệm…Và chắc là có người Trung Quốc đứng đằng sau việc kinh doanh những dịch vụ này.
Là người từng nhiều năm chiến đấu và hoạt động ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn và Thành phố Đà Nẵng, Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5 nói: “Tôi đánh giá đây là một khu vực nhạy cảm, quan trọng về an ninh quốc phòng. Theo quan điểm của tôi, tất cả các khu vực nhạy cảm thì không nên để người nước ngoài có các dự án. Nếu người Trung Quốc đứng đằng sau mua đất ven biển thì rất cần thẩm tra, xác minh thấu đáo. Đặc biệt là những khu nhạy cảm như sân bay Nước Mặn”.
Đại tá Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng, Sư đoàn Phòng không 375, là đơn vị đã tiếp quản sân bay Nước Mặn nói về chuyện có người Trung Quốc núp bóng để mua đất ở khu vực này: “Nghe thấy có 246 lô đất đã bán dọc sân bay Nước Mặn, mà nghi là có người Trung Quốc đứng đằng sau mua thì cảm giác đầu tiên của tôi là thấy quá shock. Đây là một khu vực quan trọng và nhạy cảm.
Năm 1975, sau giải phóng thì Sư đoàn 375 bố trí ở đó 2 Đại đội pháo cao xạ và 1 Tiểu đoàn tên lửa phòng không. Việc bố trí trận địa phòng không ở đây là để giữ phía mặt biển, điều này rất quan trọng. Sư đoàn 375 bàn giao sân bay Nước Mặn cho bên Hải quân từ 1995, khi ấy thì phía ngoài biển chỉ toàn trồng cây chắn sóng và không cho làm nhà ở khu vực xung quanh.
Năm 1993, Thượng tướng Đào Đình Luyện, Tổng Tham mưu trưởng QĐND có gặp tôi và nói: “Anh Lành, khu đất này không được giao cho ai làm kinh tế nhé”. Hồi đó, có ý kiến định xây khách sạn của quân chủng nhưng rồi không tiến hành vì không được xây nhà cao tầng ở quanh sân bay. Kể câu chuyện đó để biết, việc bán đất ở khu vực này cho người nước ngoài là không thể…
Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng: Việc mua đất sát với vành đai của một sân bay mà đang sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng, tác động đến vấn đề an nguy của quốc phòng an ninh thì với bất cứ đối tượng trong nước hay ngoài nước đều phải cân nhắc, xem xét thật kỹ càng. Chúng ta không vì kinh tế với bất cứ giá nào mà gây ảnh hưởng, đe dọa đến quốc phòng. Vì thế, tôi cho rằng, từ lãnh đạo cấp cơ sở đến thành phố cần phải xem xét lại vấn đề này và theo tôi nên dừng lại việc bán đất ở vệt cạnh sân bay Nước Mặn này".
Việc người Trung Quốc núp bóng để gom mua đất xung quanh sân bay Nước Mặn đã được ông Nguyễn Xuân Anh- Bí thư Thành ủy và ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lý giải như sau: Quan điểm của TP nói chung là đối với người nước ngoài đến làm ăn thì chúng ta tôn trọng, giúp đỡ, hỗ trợ họ. “Bất cứ công dân nào vi phạm pháp luật Việt Nam sẽ bị xử lý như nhau, không phải chỉ là người Trung Quốc. Chúng ta không bài xích bất cứ một công dân nào cả. Ngày xưa Việt kiều chúng ta về nước đâu có mua được đất phải nhờ bà con mua. Những cái gì pháp luật không cấm thì chúng ta ủng hộ, còn vi phạm thì xử lý”.
Về thông tin người Trung Quốc mua bán "chui" đất đai, ông Thơ cho hay: “Chúng tôi thường xuyên cập nhật báo cáo đầy đủ thông tin từ các cơ quan chức năng nhưng chưa có trường hợp nào vi phạm cả. Luật không cấm người Việt mua bán đất đai còn người Trung Quốc đứng sau chỉ mới là thông tin thôi. TP chỉ có thể khuyến cáo người dân tránh tranh chấp khi có người đứng sau. Còn nếu có các trường hợp nghi ngờ khi đến làm thì chính quyền có thể khuyến nghị ngăn chặn”.