Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại đây, ĐB Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) đề nghị, Chính phủ chỉ đạo đánh giá kỹ hơn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp phù hợp đối với 5 chỉ tiêu ước cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội 3 năm liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, có giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Ông Thanh cũng đề nghị, sớm chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp đã bị cắt do điều chỉnh danh sách các xã thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. “Mặc dù Quốc hội đã có kết luận tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 và Nghị quyết 100 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV nhưng đến nay chưa được thực hiện hoàn thành”-ông Thanh nói.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) vượt qua nhiều thách thức, kinh tế xã hội năm 2023 tiếp tục có bước hồi phục tích cực. Về 12 nhóm giải pháp chủ yếu Chính phủ đưa ra trong năm 2024 và thời gian tới, ông Sơn bày tỏ quan điểm đồng tình song đề nghị Chính phủ cần có giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể hơn trên cơ sở phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến các khó khăn.
Đưa ra dẫn chứng tăng trưởng tín dụng đến 11/10/2023 đạt 6,29% so với năm 2022, chậm hơn so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên báo cáo lại chưa nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu?, ông Sơn đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ vấn đề này. Từ đó cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay, có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trong khi đó, ĐB Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) đánh giá trong năm 2023, kinh tế-xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, chúng ta phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những yếu kém, bất cập từ chính nội lực bên trong. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính chính, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành có hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, chúng ta đã vượt lên khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ông Thắng kiến nghị, Chính phủ chủ động có kịch bản ứng phó và những chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời với những vấn đề phát sinh; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là các điều kiện thủ tục hành chính cho vay để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận hơn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Quan tâm và có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam phát triển để hướng tới một nền kinh tế tự chủ, phát triển ổn định và bền vững.