Tiếng dân

Làm rõ việc người dân được thụ hưởng từ Đề án

Quốc Định 27/04/2024 16:23

Ủy ban MTTQ TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) vừa tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Đề án “Rà soát, điều chỉnh vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn”.

anh-bai-tren(4).jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.Định.

Hầu hết các ý kiến đều tán thành triển khai. Tuy nhiên, không ít người cho rằng cần phải làm rõ việc người dân sẽ được thụ hưởng như thế nào từ Đề án.

Theo ông Nguyễn Vinh Hùng (Phòng Kinh tế TP Thuận An), cây ăn trái ven sông Sài Gòn đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận An. Đến nay, nhiều vườn cây có tuổi đời hơn 100 năm và vẫn là nguồn thu nhập chính của không ít hộ dân trong vùng. Ngoài ra, trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, hệ thống vườn cây ăn trái này đang đóng vai trò là “lá phổi xanh” không chỉ cho Thuận An mà cho cả vùng ven TPHCM.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, đã xuất hiện không ít nguy cơ đe dọa đến vườn cây; mặc dù các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương và TP Thuận An đã có các biện pháp khắc phục, nhưng vườn cây ăn trái đặc sản ở Thuận An vẫn đang có xu thế giảm nhanh cả về quy mô và chất lượng, nguy cơ một vùng cây ăn trái truyền thống, nổi tiếng, “lá phổi xanh” bị mất đi đang dần hiện hữu.

Theo báo cáo về Đề án của Phòng Kinh tế TPThuận An, Đề án dự kiến thực hiện tại các phường, xã ven sông Sài Gòn thuộc TP Thuận An bao gồm: phường An Thạnh, Hưng Định và xã An Sơn; tổng diện tích tự nhiên trên 1.600 ha. Khu vực triển khai chỉ cách TPHCM khoảng 10km.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - nguyên Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương đề nghị, xem xét, điều chỉnh tên gọi Đề án từ “Rà soát, điều chỉnh…” thành “Bảo tồn, phát triển…” nhằm đảm bảo sự chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển vườn cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam tỉnh Bình Dương. Đồng thời, thể hiện được sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai cũng như cho thấy định hướng phát triển đúng đắn, phù hợp thực tế.

Đáng chú ý, theo ông Dũng, Đề án cũng chưa đề cập nhóm giải pháp nhằm nâng cao tư duy, nhận thức và kỹ năng của các chủ nhân và lực lượng lao động trong vùng. Cụ thể là các giải pháp tập huấn, quán triệt, hướng dẫn các đối tượng trong vùng Đề án về thay đổi tư duy, nhận thức, hành vi ứng xử, văn hóa, kỹ năng giao tiếp, nội dung của văn hóa miệt vườn, cách thức làm du lịch sinh thái nhằm thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

“Khi xây dựng và thực hiện cần quan tâm đến cuộc sống của người dân. Trong đó chú trọng đến việc người dân được thụ hưởng cái gì và sẽ phải làm những công đoạn cụ thể nào để giúp người dân điều đó” - ông Dũng đặt vấn đề.

Còn theo ông Lê Quang Vinh - Trưởng Ban Tư vấn Ủy ban MTTQ TP Thuận An, tên gọi đề án cần điều chỉnh theo hướng bảo tồn và phát triển vườn cây ăn trái, xuất phát từ thực trạng hiện nay diện tích vườn đang giảm đáng kể. Bên cạnh đó, Đề án cần phân chia theo kỳ, giai đoạn thực hiện để chắc từng bước, vừa làm vừa tổng hợp, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Dưới góc nhìn của người dân phường An Thạnh, ông Võ Văn Ri nêu ý kiến, vấn đề đặt ra là những hộ dân nằm trong Đề án thì bảo vệ, phát triển, còn những người ngoài Đề án có thể họ không tuân thủ. Ví dụ như xả nước sinh hoạt trực tiếp ra ngoài; sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy cách, gây ô nhiễm môi trường, hoặc không thực hiện đúng quy trình sản xuất gây tình trạng sâu bệnh diện rộng…. “Vì vậy, chính quyền cần có biện pháp quản lý các hộ dân trong vùng Đề án và vùng lân cận để không ảnh hưởng đến kết quả chung” - ông Ri mong muốn.

Giải đáp các thắc mắc, tại sao Đề án này không mở rộng ra các địa phương khác mà chỉ tập trung vào 2 phường và 1 xã nêu trên, ông Nguyễn Thành Úy - Phó Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, phạm vi đề án đã được thống nhất tại quyết định số 6348 ngày 12/9/2022 của UBND tỉnh, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch phân khu theo phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố đến năm 2040. Tuy nhiên, đối với những vườn cây ăn trái nằm ngoài vùng Đề án đã phê duyệt nếu đáp ứng các tiêu chí thì vẫn sẽ được bảo tồn, phát triển như những vườn cây trong vùng Đề án bằng các nguồn lực khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm rõ việc người dân được thụ hưởng từ Đề án

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO