Rác thải, túi nilon, chai nhựa, hộp xốp… là những thứ dễ nhìn thấy trên bờ biển và cũng là thứ gây tức mắt cho những người làm công tác bảo vệ môi trường ở cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) suốt thời gian dài. Tuy nhiên, nhờ triển khai nhiều giải pháp, điểm nóng ô nhiễm môi trường khu vực cảng cá Thọ Quang đã được cải thiện đáng kể.
Những năm trước đây, khu vực Cảng cá Thọ Quang bị ảnh hưởng ô nhiễm cả về rác thải, nước thải và mùi hôi, tình trạng này diễn ra nhiều năm, trở thành nỗi ám ảnh và bức xúc của người dân sống xung quanh. Về rác thải, chủ yếu là lượng rác từ các tàu cá neo đậu trong khu vực với các chất thải sinh hoạt, xác hải sản dư thừa và một phần khác do rác từ thượng nguồn trôi về, ứ đọng do chưa được nạo vét và thu gom kịp thời.
Trước tình trạng này, thành phố đã thực hiện một số biện pháp như thu gom và xử lý nước thải rác thải của các khu dân cư; kiểm tra xử lý đối với các đơn vị kinh doanh chế biến; xử phạt các tàu neo đậu gây mất vệ sinh; tổ chức phát động việc dọn dẹp thu gom rác khu vực âu thuyền… Tuy nhiên, những giải pháp này chưa thật triệt để, chưa đồng bộ và hiệu quả.
Bởi vậy, để giảm tải rác thải cho cảng, năm qua Ban Quản lý cảng cá Thọ Quang đã phối hợp với một số đơn vị triển khai biện pháp bắt buộc ngư dân thu gom, bỏ rác trên tàu vào bao hoặc thùng đựng rồi bàn giao rác cho Ban Quản lý để nhận phiếu thu gom rác thải. Đây chính là một trong những loại giấy tờ bắt buộc khi làm thủ tục xuất bến ra khơi.
Nhờ giải pháp này, cộng với công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nên suốt thời gian qua, khi đánh bắt trên biển, ngư dân hình thành thói quen để tất cả rác thải vào thùng hoặc bao tải và ngay khi cập bến đem nộp cho lực lượng thu gom. Người nọ nhìn người kia để cùng nâng cao ý thức, coi việc thải rác xuống biển như một hành vi phản cảm. Nhiều ngư dân giờ còn tích cực thu gom rác thải trên biển bỏ vào bao rồi giao lại cho Ban Quản lý âu thuyền.
Cùng với việc dọn dẹp rác khu vực vỉa hè, trên mặt nước, lắp đặt camera giám sát, làm nhà vệ sinh lưu động; tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân, ngư dân và các chủ tàu đánh cá... của các công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - Chi nhánh miền Trung thì việc “đổi” rác lấy “giấy xuất bến” đã giúp cho môi trường biển ở đây sạch lên từng ngày, từng giờ.
Kết quả quan trắc môi trường nước và môi trường không khí trong năm 2021 đều đạt quy chuẩn cho phép. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) chia sẻ kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ thuộc Hợp phần Ngăn ngừa ô nhiễm nước tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thuộc dự án Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Theo báo cáo, sau 2 năm thực hiện Quyết định số 2375/QĐ-UBND ngày 6/7/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng về ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đến năm 2025, các đơn vị đã hoàn thành 71/80 nhiệm vụ được giao năm 2021.
Cụ thể, đã triển khai thu gom rác trên tàu cá, mặt nước và khu vực xung quanh. Các Sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân vệ sinh môi trường, tuyên truyền vận động đông đảo bà con ngư dân, tiểu thương, doanh nghiệp tham gia công tác dọn vệ sinh môi trường. Đã lắp đặt 74 camera để giám sát, quản lý và xử lý các hành vi xả rác, nước thải vào khu vực Âu thuyền và Chợ cá Thọ Quang. Triển khai xoá bỏ được 829 lồng bè nuôi cá, nghêu và 43 chòi canh, nhà tạm nuôi trồng trái phép khu vực vịnh Mân Quang.
Cùng với các giải pháp quyết liệt, thành phố cũng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để triển khai các gói thầu xây dựng các hạng mục nâng cấp cảng các, nạo vét âu thuyền (99,7 tỷ đồng), xây dựng hệ thống xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 2 (1.447 tỷ đồng), nâng cấp, cải các hệ thống thu gom và một số hạng mục bảo vệ môi trường trong khu vực...
Qua đó, chất lượng môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã được cải thiện đáng kể, kết quả quan trắc môi trường nước và môi trường không khí trong năm 2021 đều đạt quy chuẩn cho phép.
Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa thời gian qua ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái, sinh vật và sức khỏe người dân. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).
Theo các chuyên gia, nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác). Đặc biệt, ngành du lịch biển phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch trong nước và nước ngoài kèm theo đó là hàng trăm ngàn tấn rác thải trút xuống biển, gây áp lực nặng nề cho môi trường.
Tuy nhiên, Âu thuyền là nơi thường xuyên tiếp nhận nước thải từ các khu dịch vụ công nghiệp thủy sản, nước thải sinh hoạt của dân cư trong lưu vực và chất thải sinh hoạt của các ngư dân trên thuyền. Trong thời gian vừa qua các khu vực âu thuyền và cảng cá trên cả nước đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập về quản lý và phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường như: Cảng cá Sa Huỳnh (Thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), Cảng cá Tịnh Kỳ (Thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), Cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam)...
Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm ô nhiễm cảng cá nói chung và cảng cá Thọ Quang nói riêng, Đà Nẵng, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng và ban hành thông tư riêng về quản môi trường đối với loại hình cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Trong đó, cần quy định chi tiết về trách nhiệm của từng Sở, ban, ngành; hạ tầng môi trường đối với cảng cá, quy định về thu gom, xử lý chất thải (nước thải, rác thải, nước la canh/dằn tàu, WC,…) trên tàu thuyền và của đơn vị dịch vụ cảng,… và chế tài đối với loại hình trên.