Chúng ta không thể để hiện trạng sách tham khảo ở chương trình giáo dục cũ tiếp tục tái diễn, quay trở lại, làm xói mòn đạo đức văn hóa nhà trường, làm quá tải thêm cho dạy và học, vốn đã quá khổ, vì chỉ là học để thi và học vì sự thúc ép của gia đình và xã hội.
Ở các nước giáo dục phát triển, sách tham khảo cũng được xuất bản nhưng giá mua rất đắt, không phải cho học sinh trong các trường học mà giúp giáo viên đọc thêm, hoàn thiện, phong phú hơn bài giảng. Có mặt đầy đủ các đầu sách tham khảo trong các thư viện công, hỗ trợ tích cực cho người đọc tự học và nghiên cứu.
Ở Việt Nam làm sách tham khảo lại có mục đích khác, đó là vì siêu lợi nhuận, họ bất chấp tất cả. Khi các trường đang lựa chọn sách giáo khoa dùng làm học liệu chính để giảng dạy, sách tham khảo đã tràn vào, nhập nhèm, kiểu “bia kèm lạc” bán theo bó, kèm bộ cho học sinh. Không loại trừ có tác giả sách giáo khoa đã phối hợp với những tác giả khác (loại 2) chuẩn bị bản thảo sách tham khảo ngay từ khi xây dựng bản thảo sách giáo khoa mới. Như vậy, rõ ràng sách tham khảo không phải mục đích chính là cho học sinh. Thật khôi hài, hiện nay đã xuất hiện rất nhiều sách tham khảo cho học sinh lớp 1, thử hỏi mục tiêu dạy học lớp 1 là gì? Phải chăng chỉ là biết đọc, biết viết, thành thạo các phép tính số học, làm quen những kỹ năng đầu đời làm học sinh phổ thông. Học sinh chưa biết đọc, bé như cái “kẹo”, sao có thể đọc hiểu “Phát triển năng lực”, hay “Học nâng cao”, “Giúp em giỏi Toán” hay “Rèn kỹ năng Tiếng Việt” là thế nào…
Trước tình trạng sách tham khảo xuất bản và phát hành tràn lan, cuộc họp chiều 23/9 vừa qua tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu gay gắt, coi tình trạng này là rất tiêu cực, có lợi ích nhóm và yêu cầu Bộ GDĐT có quy định cấm mọi hình thức khuyến khích đưa sách tham khảo vào các nhà trường phổ thông.
Cả nước có 63 nhà xuất bản ở Trung ương và địa phương, như thế các nhà xuất bản này được quyền in sách tham khảo. Bên cạnh đấy là hàng trăm nhà in khác trên khắp cả nước có khả năng in, nối bản sách. Thiết nghĩ Bộ Thông tin và Truyền thông phải vào cuộc để quản lý việc xuất bản và in sách tham khảo ngay từ gốc, không thể để “thả gà ra đuổi”.
Bộ GDĐT cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc đưa sách tham khảo vào nhà trường. Có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những cán bộ, giáo viên hay nhà trường đã tiếp tay, môi giới hay cùng chung tay phát hành sách tham khảo trong trường; có những chế tài để kiểm soát được nội dung sách tham khảo, không thể để sách tham khảo làm ảnh hướng tới sự chỉ đạo, quá trình quản lý và đổi mới dạy học hiện nay. Tuyên truyền trong các nhà trường đạo đức nghề nghiệp, văn hóa trong cách làm kinh tế, “đói cho sạch, rách cho thơm”, không vì lợi nhuận mà đi bán sách cho trò. Đối với cha me học sinh, không nên mua cả đống sách tham khảo cho con mà không biết nó tác dụng gì hay lại có hại, gây áp lực đáng kể cho con.