Đến hẹn, câu chuyện lạm thu đầu năm học lại xảy ra ở nhiều địa phương gây bức xúc cho nhiều người. Những hình thức lạm thu ngày càng tinh vi với các mức quỹ “khủng”, được hợp thức hóa thông qua các ban phụ huynh... Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, cần các biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó chấn chỉnh vai trò của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời, cần có các hình thức kỷ luật để răn đe.
Phụ phí gấp nhiều lần học phí
Năm học 2023 - 2024 chỉ mới bắt đầu được 1 tháng nhưng đã ghi nhận hàng loạt những vấn đề bức xúc liên quan đến lạm thu núp dưới danh nghĩa tự nguyện mang tên quỹ hội phụ huynh.
Cụ thể, mỗi phụ huynh lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) vừa qua đã đóng quỹ lớp 10 triệu đồng. Đây là một số tiền khá lớn nhưng theo các bậc phụ huynh, số tiền này được Ban đại diện cha mẹ học sinh ấn định thu và cho biết sẽ sử dụng trong suốt thời gian học sinh học tại trường (từ lớp 1 đến lớp 5). Song chỉ sau 2 tháng thu tiền, số tiền quỹ đó đã gần như "bốc hơi", từ 310 triệu đồng chỉ còn lại hơn 50 triệu đồng. Phụ huynh của lớp không được lấy ý kiến hay thông báo trước các khoản chi tiêu, cho đến khi được gửi bảng kê khai, trong đó phần lớn là tiền sửa chữa phòng học và một số khoản thu khác.
Hiện trường đã trả lại cho mỗi phụ huynh gần 9,6 triệu đồng dù một số phụ huynh ngỏ ý muốn tiếp tục đóng góp chứ không nhận tiền lại. Tuy nhiên, nhà trường đã từ chối, vì theo quy định, khi thu chi sai là phải hoàn trả phụ huynh.
Tại Hà Nội, những ngày cuối tháng 9 vừa qua, phụ huynh Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh về quỹ hội phụ huynh toàn trường có dấu hiệu lạm thu. Có tới hàng chục khoản thu khác lạ xuất hiện trong bản thu chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023 - 2024. Chẳng hạn: Đóng kinh phí cho học sinh học bồi dưỡng tại trường Chu Văn An; kinh phí họp trưởng ban các lớp, trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường sơ kết học kỳ 1, tổng kết năm học; hỗ trợ tổ chức trung thu cho học sinh toàn trường; chi bồi dưỡng học sinh tham gia thi thể dục thể thao; tri ân các thầy cô ngày 20/11, tri ân thầy cô Tết Nguyên đán… Tổng số tiền dự chi gần 500 triệu đồng, thu mỗi học sinh từ 560.000 - 600.000 đồng. Đây là tiền thu về quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường, chưa kể tiền quỹ lớp riêng mỗi lớp sẽ đóng các mức khác nhau.
Điều đáng nói, tổng chi dự kiến trong năm học lên đến hơn 500 triệu đồng nhưng với 1.500 học sinh, số tiền sẽ thu là khoảng 1 tỷ đồng. Vậy 500 triệu đồng còn lại sẽ đi đâu, về đâu?
Ngay sau khi có ý kiến phản ánh của phụ huynh, ngày 22/9 nhà trường đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh dừng triển khai và trả lại phụ huynh toàn bộ kinh phí đã vận động của 14/35 lớp với tổng số tiền khoảng 162 triệu đồng.
Trong khi có những nơi phụ huynh còn đang tranh cãi về mức tiền đóng góp 300.000 đồng hay 500.000 đồng thì ở một số trường, tiền quỹ lớp, quỹ trường lên tới con số hàng chục triệu đồng gây choáng với nhiều người. Nhất là trong thời điểm đầu năm học có rất nhiều các khoản thu chi cần thiết nên không ít phụ huynh phải chật vật xoay xở. Tuy nhiên, vì nhiều phụ huynh trong lớp đồng ý, những phụ huynh khác không muốn con trở thành khác lạ nên dù bức xúc nhưng cũng không lên tiếng mà chấp nhận nộp tiền. Còn những phụ huynh chọn lên tiếng mạnh mẽ như trong vụ việc ở trường Tiểu học Hồng Hà nói trên cũng đã xin chuyển lớp cho con.
Không thể chỉ trả lại tiền là xong
Đây là mong muốn của rất nhiều phụ huynh trước tình trạng lạm thu ngày càng diễn ra công khai thông qua Ban đại diện cha mẹ phụ huynh học sinh. Nhưng khi giải quyết những trường hợp nêu trên vẫn chỉ là những biện pháp “nhẹ nhàng”, chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề lạm thu phí đầu năm học.
Với vụ lùm xùm ở Trường Tiểu học Hồng Hà, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh đã chỉ đạo nhà trường thực hiện phê bình đối với giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 về các sai phạm. Đồng thời, Phòng đã có văn bản phê bình Hiệu trưởng nhà trường về việc chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà trường, chưa thực hiện đúng quy trình vận động, công tác thu chi quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh theo đúng quy định. Ngoài ra, đơn vị này cũng đã ban hành văn bản chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn quận Bình Thạnh. Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh.
Trong khi đó, vụ việc tại Trường THCS Tứ Hiệp, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành Văn bản chỉ đạo phê bình Hiệu trưởng Trường THCS Tứ Hiệp; chấn chỉnh, nhắc nhở Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc tổ chức vận động quỹ Hội cha mẹ học sinh. Đồng thời yêu cầu nhà trường cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh dự kiến lại các nội dung được chi theo đúng quy định, tổ chức họp Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp để công khai, thống nhất, tạo sự đồng thuận với cha mẹ học sinh trước khi triển khai thực hiện. Đồng thời thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra và sẽ có hình thức xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị nếu để xảy ra vi phạm.
Như vậy, có thể thấy hình thức xử lý sau khi phát hiện lạm thu là trả lại tiền, phê bình người đứng đầu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và các văn bản chấn chỉnh tình trạng này sau đó. Tuy nhiên, rõ ràng hàng năm tình trạng này vẫn liên tục tái diễn.
Công tác thanh tra, kiểm tra năm nào cũng được thực hiện nhưng rất ít phát hiện ra sai phạm mà chủ yếu là do phụ huynh bức xúc lên tiếng. Các văn bản chỉ đạo chống lạm thu được ngành giáo dục các cấp liên tục ban hành mỗi đầu năm học cũng như các quy định rõ ràng đã có sẵn liên quan như Thông tư 55... nhưng vì sao tình trạng lạm thu năm nào cũng xảy ra? Số tiền sau đó đã được trả lại cho phụ huynh nhưng rõ ràng, cách làm này không thể chấm dứt triệt để tình trạng lạm thu cứ đến hẹn lại lên.
Cần xử lý nghiêm người đứng đầu
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo tương đối đầy đủ. Song để xảy ra tình trạng này cho thấy vẫn còn những khoảng trống trong việc kiểm tra, giám sát việc xử lý nghiêm các vi phạm ở địa phương. Khi để xảy ra tình trạng thu chi sai quy định chủ yếu bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm, hoặc nghiêm khắc phê bình nên không đủ sức răn đe, cảnh báo.
GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, cần phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật về thu hộ, chi hộ trong nhà trường. Đồng thời phải ra những văn bản theo hướng: Quỹ phụ huynh phải đưa ra mức phí thu trần, mang tính tự nguyện. Đối với các khoản tài trợ, cho tặng phải là nhà trường đứng ra nhận. Mức phí trần này dựa trên thu, chi của địa phương để đưa ra mức trần. Riêng các khoản tài trợ, cho tặng theo hình thức xã hội hóa phải có cơ chế hoạt động riêng.
“Xử lý nghiêm người đứng đầu là một trong những biện pháp cần thiết để ngăn chặn lạm thu. Nếu chỉ nhắc nhở, phê bình như nhiều năm qua vẫn làm thì tình trạng này sẽ khó để giải quyết triệt để”- ông Dong nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, cơ sở giáo dục phải công khai thu chi tài chính trên trang điện tử. Bao gồm, công khai các khoản thu và mức thu đối với người học (bao gồm học phí, lệ phí, tất cả các khoản thu và mức thu ngoài học phí, lệ phí) trong năm học và dự kiến cho từng năm học tiếp theo của cấp học hoặc khóa học của cơ sở giáo dục. Công khai tổng thu và cơ cấu các khoản thu trong năm tài chính trước liền kề thời điểm báo cáo gồm: Ngân sách nhà nước; học phí, lệ phí từ người học; hợp tác, tài trợ từ bên ngoài; nguồn thu khác; hỗ trợ vốn đầu tư; kinh doanh và dịch vụ; hoạt động khác.
Tổng chi và cơ cấu các khoản chi trong năm tài chính trước liền kề thời điểm báo cáo gồm: Chi cho nhân lực (các khoản chi cho thu nhập, phúc lợi, bảo hiểm); chi cho người học (học bổng, các khoản hỗ trợ người học); chi hoạt động chuyên môn; chi đầu tư cơ sở vật chất (đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản).
“Mục đích của công khai nhằm minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu, chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục” - Dự thảo nêu rõ.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu
Để chấn chỉnh tình trạng này, về phía phụ huynh cần mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.“Các khoản thu chi cần được nêu rõ ngay trong cuộc họp đầu năm trước khi thực hiện thu tiền quỹ lớp, quỹ trường với các khoản đã được quy định rõ theo Thông tư 55 cũng như các văn bản có liên quan. Như TPHCM đã ban hành danh mục các khoản được phép thu, phụ huynh căn cứ vào đó để đối chiếu cũng như so sánh với các năm trước, các lớp học khác, nếu thấy bất hợp lý thì lên tiếng ngay.
Tuy nhiên, cũng nhìn nhận thực tế có những khoản thu dù “trên trời” nhưng lại được phần lớn phụ huynh khá giả trong lớp đồng ý. Như vậy sẽ rất khó cho những phụ huynh còn lại khi lên tiếng vì lo bị trù dập. Vì vậy, về mặt quản lý cần có những quy định rõ ràng đi kèm với đó là các hình thức xử lý kiên quyết đủ sức răn đe với những trường hợp vi phạm, nếu bị phát hiện sẽ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng lạm thu hiện nay.