Lễ khai giảng vừa diễn ra được ít ngày, hàng loạt các trường bị tố lạm thu với số tiền từ vài triệu tới cả chục triệu đồng. Bên cạnh những khoản thu bắt buộc, có nhiều khoản thu là tự nguyện nhưng trong thông báo gửi phụ huynh đầu năm của nhà trường lại luôn mập mờ giữa hai phần này?
Vì sao năm nào cũng có quy định, có đường dây nóng nhưng các trường vẫn lạm thu?
Ảnh minh họa.
Tại Hướng dẫn số 2244/SGD&ĐT-KHTC ngày 12/7/2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường khi triển khai công tác thu chi phải làm rõ nội dung, mục đích và vị trí của từng khoản thu, tuyệt đối không được thu các khoản trái quy định. Quy định là vậy nhưng rất nhiều trường không thực hiện nghiêm.
Cụ thể, như sự việc một phụ huynh có con học ở một trường tiểu học tại quận Ba Đình, Hà Nội đã phản ứng về việc thu tiền bảo hiểm của nhà trường khi cho rằng “nhà trường là nơi truyền chữ cho học sinh, không phải công ty kinh doanh bảo hiểm. Nếu có nhu cầu mua bảo hiểm thì tôi sẽ chủ động liên hệ với công ty bảo hiểm nào mà tôi tín nhiệm để mua trực tiếp…”.
Về phía nhà trường đã thừa nhận sơ suất khi chưa truyền đạt được lợi ích của bảo hiểm đến với phụ huynh học sinh và cho rằng những khoản thu này rất quen thuộc từ xưa, áp dụng cho cả hệ thống trường công lập và dân lập, do cơ quan bảo hiểm xã hội quy định.
Một lãnh đạo ngành giáo dục quận Ba Đình, Hà Nội cũng cho rằng các nhà trường phải thông báo rõ danh mục các khoản thu, trong đó phân định rõ đâu là khoản thu theo quy định, đâu là khoản thu hộ, đâu là khoản thu tự nguyện. Tránh hiện tượng mập mờ, khiến phụ huynh hiểu lầm.
Trong thông báo gửi phụ huynh Trường THCS Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) mới đây, có tới 15 khoản thu được nhà trường liệt kê (chưa kể tiền đồng phục, sách vở) gồm học phí, bảo hiểm thân thể, quỹ đội, nước uống, sổ liên lạc điện tử, ghế sắt, tiếng Anh có yếu tố nước ngoài, bảo hiểm y tế, học mô hình buổi chiều, xã hội hóa giáo dục,…
Chưa nói đến việc một số khoản thu nhìn vào không hiểu dùng vào mục đích gì, thì có những khoản hoàn toàn là tự nguyện như bảo hiểm thân thể, tiếng Anh có yếu tố nước ngoài… Tại sao lại không liệt kê riêng ra để phụ huynh nào có nhu cầu thì đóng, không thì thôi?
Theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập Hà Nội quy định các trường được phép thu 9 nội dung, gồm: Bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm, nước uống, bảo hiểm y tế, dạy thêm học thêm trong nhà trường, đồng phục, tài trợ, tự nguyện.
Riêng với khoản thu tự nguyện, các trường phải tuân thủ 4 bước: Thống nhất chủ trương trong ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh; lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí, niêm yết công khai ít nhất 1 tuần; báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp; đưa vào sổ sách kế toán theo quy định và công khai báo cáo quyết toán kinh phí đã huy động.
Nhìn vào yêu cầu của các khoản tự nguyện có thể thấy việc thống nhất chủ trường trong ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh là bước đầu tiên, quan trọng nhưng cũng là bước đang gây nhiều bức xúc nhất bởi hiện nay vì ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều trường, nhiều nơi đang đưa ra những quyết định chưa thuận lòng đại đa số các bậc phụ huynh trong trường.
Thậm chí, ngay trong ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của từng lớp cũng có những bất đồng về số tiền đóng góp vì hoàn cảnh gia đình, quan niệm mỗi người mỗi khác.
Bức xúc nhưng không phải phụ huynh nào cũng lên tiếng hoặc lên tiếng trực tiếp chủ yếu lo lắng cho việc học của con là hiện tượng có thật khiến cho cái mác “tự nguyện phí” được nhiều trường ngang nhiên gán cho nhiều khoản thu sai quy định.