Làm tốt y tế dự phòng: Giảm đi gánh nặng bệnh tật

Trần Ngọc Kha 08/10/2016 11:10

Y tế dự phòng từ trước đến nay vẫn chỉ là những công việc như vệ sinh hố xí, nhà tiêu, rửa sạch tay chân, răng, miệng, ăn chín, uống sôi, diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột… Đến nay nó được nâng lên một bước bằng các giải pháp hỗ trợ người dân.

Lò đốt rác trong hộ gia đình ở xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.
(Ảnh:
Trần Ngọc Kha).

Ông Nguyễn Đăng Ngoạn, một trong những lão thành của ngành y tế tỉnh Thanh Hoá hồi tưởng: Vào giữa những năm 80, tại xã Pù Nhi, huyện Quan Hoá (nay là huyện Mường Lát) xảy ra dịch lỵ trực trùng. Nghe tin, ông cùng với các cán bộ của Đội phòng chống dịch của huyện, phải đi bộ 4 ngày rưỡi vượt được chặng đường hơn 100 km từ trung tâm huyện tới nơi. Lên đến nơi đã thấy 7 đứa trẻ phải lìa đời vì lỵ, các ông bắt tay ngay vào chống dịch. 10 ngày sau, tình hình tạm ổn, các ông lại lội bộ chừng ấy thời gian qua chừng ấy chặng đường ra về. Những chuyện gian nan chống dịch như vậy ở đây rất nhiều, không thể kể hết.

“Ngày xưa, thời chúng tôi, xét nghiệm tìm được con “phẩy khuẩn tả” hay con “thương hàn” là ghê gớm lắm. Nay, kể cả đối với những “ca” siêu hơn rất nhiều, các anh ấy cũng làm được. Nhờ có trang bị những máy móc hiện đại”, ông Ngoạn không giấu được niềm tự hào khi nó về ngành mình, về đội ngũ của mình như vậy. Họ đang lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Nơi làm việc của họ nay cũng khang trang hơn trước rất nhiều. Từ trung tâm tỉnh Thanh Hóa về huyện Mường Lát, nơi xa nhất hơn 300 km nay đã có đường ô tô đi lại rất thuận tiện, không còn phải đi bộ mấy ngày đường nữa. Chính vì vậy, thế hệ hôm nay kế tiếp có thể làm được nhiều việc kỳ diệu hơn nhiều.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hoá Hà Đình Ngư dẫn chúng tôi mục sở thị một mô hình lò đốt rác gia đình ở xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, được khởi đầu từ năm 2011. Cứ xây mỗi lò đốt là được huyện hỗ trợ 200 nghìn đồng tiền mua vật liệu, dân chỉ việc bỏ công xây dựng. Kết quả, định kỳ hàng tuần, hàng tháng, cứ đến chiều thứ bảy, cả làng kêu nhau, gọi nhau ra đường tổng vệ sinh, đốt rác. Cùng với nhiều giải pháp dự phòng khác, nhờ đó, 5 năm nay, cả tỉnh Thanh Hoá không xảy ra trận dịch nào lớn. Nhớ hồi năm 2013, dịch sởi bùng nổ, khởi nguồn từ mấy xã miền núi tỉnh Sơn La “chảy” xuống đến “rốn” Hà Nội, cả ngành y tế sôi lên sùng sục, riêng Thanh Hoá “vô tư”. Bởi lẽ, trước đó, tỉnh này đã triển khai rất mạnh, thường quy công tác tiêm chủng mở rộng.

Năm 2015, tại Khu Công nghiệp Nghi Sơn có một vị khách người nước ngoài đột tử trong nhà vệ sinh. Ông đến từ Hàn Quốc, nơi đang có dịch Ebola. Vì vậy, trước sự kiện này, tất cả các cán bộ chức năng từ công an đến chính quyền đều “ngại” không dám tự ý thăm khám hiện trường mà nhất định phải chờ bằng được sự xuất hiện của ông Ngư và đội y tế dự phòng mới “dám” can thiệp. Không ai khác, những người làm công tác y tế dự phòng lúc này đã phải “đấu nối” với Đại sứ quán Hàn Quốc, với gia đình nạn nhân để lấy được mẫu bệnh phẩm rồi phối hợp với BV đa khoa Thanh Hoá chuyển ra Hà Nội xét nghiệm. Họ đã phải thức cả đêm canh xác người bệnh. Và cuối cùng, sự việc đã được xác minh: Vị khách đến từ Hàn Quốc tử vong do nguyên nhân khác. Ebola chưa vào đến đây.

Chuyện khác: Huyện Tĩnh Gia trong những năm cuối 90 của thế kỷ trước, có trường hợp cả cặp vợ chồng cùng bị nhiễm HIV. Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh này của tỉnh Thanh Hoá Lê Trường Sơn kể lại: Do hồi ấy dân ta còn ít hiểu biết về căn bệnh này nên rất sợ bị lây. Cặp vợ chồng này bị cả chính bố mẹ đẻ kỳ thị không cho ở cùng, không cho dùng chung nước giếng. Nuôi được con gà, con lợn đem ra chợ bán, chẳng ai dám mua. Con cái không trường nào cho học. Còn bây giờ, không những người có H không bị kỳ thị nữa mà còn được điều trị bằng thuốc ARV và chăm sóc sức khoẻ theo chế độ BHYT tại nhiều nơi trong hệ thống y tế trên toàn tỉnh. Người nghiện ma tuý được uống Methadone. Số người mắc mới HIV hàng năm cũng được kiểm soát chặt chẽ, ngày một giảm. Ma tuý và HIV không còn là nỗi kinh hoàng trong mắt mọi người. Tuổi thọ của họ được kéo dài hơn nhiều so với những số phận cùng cảnh ngộ nhưng không may mắn trước đây. Không những vậy, từng ngày họ còn có thể đóng góp cho xã hội bằng những việc làm hữu ích từ sức lực còn sót lại của mình.

Bây giờ, nói đến y tế dự phòng, không chỉ những người làm trong ngành y tế mà trong nhân dân, nhiều người đã hiểu mối nguy hại từ những căn bệnh mãn tính đem lại. Tuy nhiên, nói như ông Trương Đình Bắc- Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, mọi sự dường như mới chỉ bắt đầu. Chúng ta chưa cố gắng đến mức được thế giới ghi nhận trong việc đối phó với những căn bệnh này, theo ông Bắc. Biết rằng chỉ cần đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, chỉ cần ăn ít nhất 400g rau mỗi ngày là ta có thể tránh được nhiều bệnh mãn tính như: Tiểu đường, tim mạch, béo phì…, nhưng vẫn chưa có nhiều người hưởng ứng thực hiện. Việt Nam đang trở thành quốc gia “say xỉn” với tỷ lệ dân uống rượu và hút thuốc lá nhất nhì thế giới. Những căn bệnh mãn tính đã và đang ngày một khó kiểm soát và tăng lên không ngừng do nhiều yếu tố mang lại, nhưng, tự mỗi người, mỗi nhà chúng ta vẫn có thể góp phần giảm thiểu chúng, theo ông Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm tốt y tế dự phòng: Giảm đi gánh nặng bệnh tật