Những ngày nắng nóng đỉnh điểm gần đây, gia tăng các bệnh nhân nhập viện liên quan đến thời tiết nắng nóng như say nắng, sốc nhiệt.
Tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày cao điểm nắng nóng, gia tăng các bệnh nhân liên quan đến các bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa qua, Khoa Cấp cứu tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam, trên 40 tuổi đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, đau đầu, buồn nôn, choáng váng. Bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu A9 đã rơi vào tình trạng hôn mê, không tiếp xúc được, sốt trên 41 độ C, mất nước nghiêm trọng.
Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, hạ sốt, truyền dịch. Kết quả chụp phim CT cho thấy, bệnh nhân có tổn thương phù não và các đánh giá xét nghiệm cho thấy rất nhiều rối loạn trong cơ thể. Bệnh nhân đã được cứu sống nhưng không tránh khỏi các di chứng về ý thức và vận động.
PGS Nguyễn Văn Chi cho biết, cơ thể chúng ta có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cân bằng, quanh 37 độ C. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động, vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường vào nên nguy cơ tăng thân nhiệt do ở lâu trong môi trường nắng nóng là rất cao.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ thể sẽ thực hiện các cơ chế để điều tiết để giữ thân nhiệt như thở nhanh, dãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt trong cơ thể,... Tuy nhiên, nếu ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế đó sẽ không còn hiệu quả.
“Khi nhiệt độ tăng lên trên 41 độ C kéo dài, nó sẽ làm ảnh hưởng đến các chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật”- BS Chi chia sẻ.
Cách sơ cứu người bệnh khi bị sốc nhiệt?
Theo các bác sĩ, bệnh nhân sốc nhiệt có các biểu hiện ban đầu như mặt đỏ bừng, da khô nóng, mệt lả, nôn mửa, đau đầu,.. Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng, việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu bệnh nhân. Cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân, nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống, nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc bố trí phương tiện phù hợp để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sỹ có thể khám, đánh giá toàn trạng bệnh nhân, hạ sốt, truyền dịch, có thể cho dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân.
ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hằng, Phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cũng cho biết, trong mùa hè, nhất là những ngày nắng nóng gay gắt dễ xảy ra tình trạng mất nước và sốc nhiệt.
Vì vậy, để tránh mất nước và rối loạn điện giải trong những ngày nắng nóng, người bệnh cần uống nhiều nước, trừ bệnh nhân suy tim. Uống nước nhiều lần trong ngày để giúp cơ thể không bị thiếu nước, không bị cô đặc máu. Người bệnh cũng không nên ăn quá no, ăn các thức ăn dễ tiêu, tăng cường ăn hoa quả và rau xanh, hạn chế muối, không sử dụng bia rượu. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm mồ hôi.
Khi nắng nóng, huyết áp thường tăng, nhịp tim tăng, tim phải gắng sức, sẽ tăng nhu cầu tiêu thụ ôxy của tế bào cơ tim nên dễ dẫn đến gây cơn đau thắt ngực, khó thở, nặng hơn là nhồi máu cơ tim và tử vong. Vì vậy tránh làm các việc nặng, gắng sức hay tập thể dục quá nhiều và cần uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ đã kê.
Nếu người bệnh có những dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, huyết áp cao thì phải nhanh chóng được đưa đến khám tại các cơ sở y tế, đề phòng những biến cố tim mạch như: cơn tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ ... sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
“Nắng nóng gay gắt là mối nguy hại cho người bệnh tim mạch, thường xuất hiện nhiều biến chứng phức tạp làm bệnh thêm nặng và xuất hiện nhiều biến chứng phức tạp. Vì vậy người có bệnh tim mạch cần thận trọng để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra”- BS Hạnh chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo, trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường.
Nếu phải ở lâu ở ngoài trời, thì cố gắng tránh thời điểm từ 11h trưa đến 15h chiều, vì đây là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng khi làm việc ngoài trời.
“Người lao động ngoài trời, ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng”- BS Chi chia sẻ.