Việc một số nam nữ thanh niên đang có những hành vi “biểu diễn xiếc” trên đường phố như lái xe máy buông cả hai tay, hay bốc đầu xe... gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông trên đường khiến dư luận xã hội vô cùng lo ngại.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, đang tiến hành xác minh việc một cô gái đi xe máy tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, nguy hiểm hơn còn buông cả hai tay ra để... múa. Trước đó, sau khi video clip trên lan truyền đến chóng mặt trên mạng xã hội, dư luận vô cùng bức xúc đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.
Nếu cơ quan chức năng xác định được “diễn viên” trong video clip dài khoảng nửa phút đang lan truyền trên mạng xã hội, cô gái sẽ phải đối mặt với mức xử phạt rất nặng, bởi cùng một lúc có nhiều hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông. Nếu cộng tất cả các lỗi, từ phóng nhanh, không đội mũ bảo hiểm đến buông cả hai tay, cô gái trẻ sẽ phải nộp phạt vi phạm “một mớ”.
Song, có lẽ tiền nộp phạt cũng chẳng là gì với cô gái, bởi nếu sợ thì cô đã không làm xiếc trên đường, quay video clip tung lên mạng xã hội. Đáng nói, không phải riêng cô gái này, mà có rất nhiều “nam thanh, nữ tú” ở nhiều nơi cũng đã có hành vi tương tự, hoặc là bốc đầu xe máy, hoặc là buông hai tay, hay lại dùng chân để điều khiển xe máy, rồi quay video clip tung lên mạng facebook, YouTube để câu view, câu like.
Dư luận cho rằng, có lẽ chế tài của Nghị định 100/2019/NĐ-CP còn chưa đủ mạnh nên chưa đủ sức răn đe những người có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Song, thực tế thì mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Nghị định 100 đã khá nặng, cũng đã kiềm chế được hành vi vi phạm của nhiều người. Nhiều người có hành vi phạm pháp phải ngồi tù mà vẫn còn khối người không biết sợ đó thôi.
Vấn đề ở đây chính là ý thức của mỗi người tham gia giao thông, nhất là giới trẻ, chứ không còn liên quan đến việc xử phạt nặng hay nhẹ nữa. Nhiều người nói, những đứa “trẻ trâu” “ăn chưa no, lo chưa tới”, thích thể hiện ta đây mới có những hành vi dại dột như bốc đầu xe, hay buông cả hai tay khi lái xe máy... Nhận định này có vẻ đúng, bởi hầu hết những video clip thể hiện “dân chơi” tung lên mạng xã hội đều là của giới trẻ.
Song, các cụ xưa vẫn nói “nó lú còn có chú nó khôn”. Nghĩa là những đứa trẻ có thể xốc nổi, bồng bột, nhưng chúng còn có gia đình, anh chị em, bố mẹ..., lẽ nào không có ai dạy bảo chúng điều hay lẽ phải, rằng hành vi biểu diễn xiếc trên đường phố là vi phạm pháp luật. Không chỉ là phạm pháp, mà hành vi “diễn xiếc” khi điều khiển xe máy còn tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT, đe dọa tính mạng và tài sản người khác trên đường.
Nói dại mồm, nếu, chỉ là nếu thôi, từ việc “biểu diễn” của cô gái lại gây ra một vụ TNGT, cướp đi sinh mạng của ai đó thì quả là tai họa. Tai họa không chỉ riêng đối với nạn nhân bỗng dưng bị cướp đi cuộc sống trân quý, mà còn là tai họa đối với thủ phạm là cô gái trẻ, bởi lúc đó không còn là xử phạt hành chính nữa mà sẽ là xử lý hình sự. Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện gây chết người sẽ phải ngồi tù dài dài.
Rất may là điều giả sử nói trên không phải là hiện thực. Song, không chỉ cô gái trẻ trên, mà các bạn trẻ nói chung nên cân nhắc cái sự “nếu” đó, để có thể tiết chế được bản thân, không có những hành vi thể hiện bản thân mà vi phạm pháp luật. Đừng để đến lúc sự việc đáng tiếc xảy ra rồi mới “ớ á” thì đã quá muộn. Pháp luật sẽ không dung thứ cho bất cứ ai vi phạm, dù là cố ý hay vô tình.
Gia đình, nhà trường và toàn xã hội cũng có phần trách nhiệm trong việc những đứa trẻ có hành vi vi phạm pháp luật, dù chỉ là trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, ở lứa tuổi chập chững vào đời, những đứa trẻ thường có xu hướng thích thể hiện bản thân, tỏ ra người lớn. Vì thế thường có thái độ chống đối, thích làm những việc bị cấm... để khẳng định cái tôi của chúng.
Lúc này, vai trò giáo dục, định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển nhân cách của chúng là đúng đắn hay lệch lạc. Người lớn luôn phải là tấm gương mẫu mực để con trẻ noi theo. Nếu như bố mẹ, anh chị, người thân... dù không bốc đầu xe, không buông cả hai tay khi điều khiển xe máy, nhưng lại thường xuyên vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm thì làm sao dạy được con, em?
Đó là còn chưa kể ngay cả một số phụ huynh cũng ngổ ngáo, “diễn xiếc” trên đường thì bảo sao những đứa trẻ không “quậy tưng” khi tham gia giao thông trên đường. Vậy nên, ngoài việc xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, rất cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để mỗi người dân đều ý thức được sự nguy hiểm khi không tuân thủ quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ.