Iran mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục ngừng các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân và sẽ sớm công bố chi tiết về kế hoạch này trong hôm nay (7/9), trong một động thái nhằm đáp trả các đòn trừng phạt của Mỹ và sự bất lực của các bên ký kết còn lại trong việc vãn hồi Thỏa thuận.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong một chuyến thăm cơ sở hạt nhân. Nguồn: AFP.
Lần thứ 3 liên tiếp
Phát ngôn viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử của Iran Behrouz Kamalvandi hôm 6/9 đã công bố về việc cắt giảm cam kết mới lần thứ ba tính từ tháng 5 đến nay - Hãng thông tấn ISNA của nước này cho hay.
Iran cùng 3 quốc gia châu Âu - Anh, Pháp và Đức - cũng tham gia vào các vòng đàm phán giảm thang căng thẳng và nhằm cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào, trong khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân.
“Cơ quan năng lượng nguyên tử đã được chỉ thị lập tức khởi động lại tiến trình nghiên cứu và phát triển, và từ bỏ tất cả các cam kết liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển (hạt nhân)”- ông Rouhani khẳng định, tuy không nêu rõ chi tiết.
Israel, bên kình địch của Iran, đã phản ứng trước tuyên bố trên bằng cách kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng các đòn trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này. “Đây không phải thời điểm để đối thoại với Iran, mà là thời điểm để tăng sức ép nhằm vào Iran”-Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố.
Liên minh châu Âu (EU) trong khi đó liên tục kêu gọi Iran đảo ngược các động thái trên và tuân thủ hoàn toàn các điều khoản trong Thỏa thuận hạt nhân Iran.
“Chúng tôi coi các hành động này là không tuân thủ JCPOA (tên chính thức của Thỏa thuận hạt nhân Iran)”- Phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu Carlos Martin Ruiz de Gordejuela nói - “Chúng tôi kêu gọi Iran đảo ngược các bước đi này và tránh đưa ra thêm các biện pháp gây xói mòn Thỏa thuận hạt nhân”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muehll cũng nêu rõ: “Iran cần phải tránh đưa ra bất kỳ hành động nào gây ảnh hưởng tới các cam kết của họ”.
Căng thẳng với EU
Trước đó, trong hôm thứ Tư vừa qua, một quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố rằng nước này sẽ không để cho Pháp cung cấp hạn mức tín dụng 15 tỷ USD cho Iran - một đề xuất mà Iran cho rằng sẽ giúp họ tuân thủ trở lại Thỏa thuận hạt nhân một cách hoàn toàn.
“Chúng tôi nêu rất rõ rằng chúng tôi cam kết với chiến lược gây sức ép cực đại nhằm vào Iran, và chúng tôi sẽ không bao giờ loại trừ đề xuất trên khỏi các đòn cấm vận”- Brian Hook, điều phối viên các vấn đề Iran của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói trước báo giới.
Ngoại trưởng Iran Irna Mohammad Javad Zarif đã phản ứng trên Twitter rằng Bộ Tài chính Mỹ hành động không khác gì một “người cai ngục”. Iran hiện nay cũng thể hiện rõ sự không hài lòng của họ trước thất bại của châu Âu trong việc chống lại các đòn cấm vận của Mỹ.
Ngược lại, EU cũng tỏ rõ sự quan ngại về các động thái của Tehran gần đây khi liên tục cắt giảm các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân. Anh mới đây cho rằng các động thái này là “hết sức đáng quan ngại”.
“Bước đi thứ ba trong việc cắt giảm bớt các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân là điều đáng thất vọng, trong bối cảnh mà chúng tôi và các đối tác châu Âu đang tích cực làm việc để giảm thang căng thẳng với Iran”- một phát ngôn viên Văn phòng Đối ngoại Anh nhận định.
Tehran đã từng 2 lần cắt giảm cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân nhằm phản ứng việc Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận này. Ngày 1/7, Iran tuyên bố đã tăng lượng dự trữ uranium đã làm giàu lên mức vượt ngưỡng được cho phép là 300 kg. Chỉ một tuần sau, họ tuyên bố đã làm giàu uranium vượt ngưỡng 3,67% được cho phép theo Thỏa thuận hạt nhân.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến ngày 30/8, lượng uranium mà Iran dự trữ vào khoảng 360 kg, và khoảng 10% trong số này được làm giàu ở mức độ 4,5%.