Trong 5 nhiệm vụ của phong trào thi đua thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Các cấp uỷ đảng, chính quyền cần đánh giá, lựa chọn các điển hình tốt để nêu gương, học tập, tạo điều kiện để các điển hình phát huy được tác dụng và có sức lan toả rộng lớn trong xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo
tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX.
Sáng 7/12, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Những kết quả đạt được của phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua là rất to lớn, song vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm.
“Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục; nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; một số phong trào tác dụng lan toả chưa cao; công tác sơ kết, tổng kết ở một số địa phương, đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, chậm phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến. Đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều” - Tổng Bí thư thẳng thắn đánh giá.
Theo Tổng Bí thư, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần này là một sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng, được tổ chức đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010 - 2015, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
“Các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Có thể nói, 5 năm qua, ở ngành nào, cấp nào cũng có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành mình, đơn vị mình. Tiêu biểu là phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Dạy tốt, học tốt"; thi đua "Quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc", "Dân vận khéo"; "Ngày vì người nghèo"; phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia... Đặc biệt là phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Đây là phong trào được các cấp, các ngành, các địa phương hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng với nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Đến nay cả nước đã có hơn 1.200 xã và 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Quang cảnh Đại hội.
Nói về nhiệm vụ của công tác thi đua khen thưởng trong thời gian tới, Tổng Bí thư đưa ra 5 vấn đề:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy: "Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua".
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua.
Hai là, tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức, phương thức tổ chức, tránh sự nhàm chán, tẻ nhạt. Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi nhưng cũng phải làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua; bảo đảm hài hoà ba lợi ích: lợi ích của người lao động; lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị; lợi ích của xã hội.
Các đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX.
Ba là, trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua cần chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp.
Bốn là, thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Các cấp uỷ đảng, chính quyền cần đánh giá, lựa chọn các điển hình tốt để nêu gương, học tập, tạo điều kiện để các điển hình phát huy được tác dụng và có sức lan toả rộng lớn trong xã hội. “Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng khác cần làm thường xuyên và tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và các điển hình người tốt. Tôi mong rằng, sau Đại hội này, 1.800 đại biểu là điển hình tiên tiến, Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tiếp tục là những tấm gương sáng, sống động, có sức lan toả sâu rộng trong xã hội”.
Năm là, công tác thi đua, khen thưởng đòi hỏi phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng cũng cần phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên trách thi đua, khen thưởng là nòng cốt theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua - khen thưởng, có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua để tích cực tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền trong công tác thi đua, khen thưởng.