Cùng cả nước, Hà Nội đã và đang trải qua những ngày nỗ lực chống đợt bùng phát thứ 4 dịch Covid-19. Nói về công tác phòng, chống dịch, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, trong lúc khó khăn, những phẩm cách tốt đẹp của người Hà Nội đã được phát huy, lan tỏa thông điệp nhân văn giàu ý nghĩa.
PV:Thưa bà, nhiều người nói rằng, ấn tượng lớn nhất để lại trong mùa giãn cách là một Hà Nội nghĩa tình. Đó là sự vào cuộc tích cực của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể. Bà có thể lý giải nguyên nhân này?
Bà Nguyễn Lan Hương: Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, quán triệt phương châm “Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu”, thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành phải đảm bảo lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương. Bên cạnh quy định chung tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết), HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng đặc thù của thành phố.
Để không bỏ sót đối tượng, Mặt trận các cấp thành phố đã tiếp tục phối hợp rà soát kĩ, nghiên cứu, triển khai phương án tiếp tục hỗ trợ các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch như: lao động tự do, người nước ngoài trên địa bàn có nguyện vọng được hỗ trợ, sinh viên mắc kẹt tại nhà trọ, ký túc xá…; cố gắng cao nhất để đảm bảo “không có ai trên địa bàn thành phố khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mà không được hỗ trợ”.
Bên cạnh đó, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể cũng đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, mô hình để sẻ chia với tinh thần đoàn kết, đồng lòng chung sức, sự tử tế và nhân ái của người dân Thủ đô, Hà Nội sẽ sớm trở lại, Việt Nam sẽ sớm khỏe lại.
Trong giãn cách, Mặt trận đã là chỗ dựa của người có hoàn cảnh khó khăn. Bà có thể cho biết một số kết quả nổi bật từ những hoạt động này?
- Được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã triển khai Đề án “Đoàn kết chống dịch”, thành lập fanpage và công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận cuộc gọi đề nghị trợ giúp từ người dân. Đến nay, chương trình đã tiếp nhận 3.185 cuộc gọi đề nghị giúp đỡ, tư vấn các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố..., trao hỗ trợ cho 2.248 trường hợp với trị giá trên 766 triệu đồng.
Sau khi có Nghị quyết, Mặt trận thành phố đã tham mưu hỗ trợ 3.431 hộ nghèo không được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết với tổng kinh phí 3,431 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp thành phố đã tập trung triển khai rà soát người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố để hỗ trợ với tổng số tiền hỗ trợ đợt này trị giá 85,978 tỷ đồng. Những món quà tuy nhỏ nhưng đủ lan tỏa những thông điệp đầy nhân văn của Thủ đô; là minh chứng cụ thể, sinh động của một Hà Nội hoà bình, hữu nghị và trọn nghĩa tình.
Kinh nghiệm hỗ trợ cộng đồng của Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 vừa qua là gì, thưa bà?
- Bài học đầu tiên là phải tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tập thể, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Ngoài ra, Mặt trận đã chủ động nắm bắt tư tưởng, tình hình, dư luận nhân dân, kịp thời báo cáo, tham mưu với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, giải quyết mâu thuẫn phát sinh ngay tại địa phương, cơ sở, không để phát sinh các điểm nóng.
Trân trọng cảm ơn bà!