Trước những tác động của Covid-19, các hoạt động văn hoá của Thủ đô gần như bị “đóng băng”. Tuy nhiên, bằng sáng tạo không ngừng nghỉ, cùng tình yêu Hà Nội, nhiều sản phẩm văn hoá thiết thực đã được ra đời.
Khó khăn nhưng không “đóng băng”
Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 vừa chính thức thông qua 11 đề cử cho 4 hạng mục giải thưởng bao gồm: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm.
Ở đó, với đề cử “Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội” là những góc nhìn đa dạng về Hà Nội, theo những “thước đo” khác nhau về thời gian, khoảng cách và cả số phận riêng của người viết. Đó là nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt với những bức ảnh về Hà Nội trong giai đoạn 1967 - 1975. Hay bộ sách “Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ” là cách tiếp cận Hà Nội trên một chiều dài gần 350 năm kể từ giữa thế kỷ 16. Đặc biệt, tác phẩm “Tay chơi” của tác giả Mai Lâm là góc nhìn của một người xa Hà Nội trên dưới 30 năm.
Còn với đề cử “Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội” thì đây là đóng góp cho Thủ đô bằng những việc làm cụ thể, mỗi cá nhân hay tổ chức có vô vàn lựa chọn theo hoàn cảnh và đặc thù công việc của mình. Đó là cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội khi tìm được 25 đồ án xuất sắc nhằm kiến tạo những không gian sáng tạo của Hà Nội trong tương lai. Trong đó, rất nhiều đồ án gắn với việc cải tạo và tái cấu trúc những không gian cũ đang bị “bỏ quên” hoặc xuống cấp tại Hà Nội. Hay cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là...” thuộc dự án Hà Nội Rethink đã đem đến những ý tưởng bất ngờ, mới mẻ, lồng ghép nhiều câu chuyện và cảm xúc riêng, khắc họa Hà Nội với muôn màu độc đáo. Và, không thể bỏ qua chiến dịch “thần tốc” tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân Hà Nội đủ điều kiện tiêm chủng. Chiến dịch ấy đã kết thúc tốt đẹp, để rồi từ ngày 21/9, Hà Nội bắt đầu nới lỏng giãn cách và bước sang một giai đoạn mới trong cuộc chiến với Covid - 19.
Không chỉ là ý tưởng
Với những đề cử ở hạng mục “Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội” lại cho thấy sự “lên ngôi” của các sản phẩm công nghệ và những điều mà Hà Nội cần phải triển khai để tạo nên những cảnh quan cho Thủ đô.
Đơn cử như dự án “Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo” của SEN Heritage. Đây là một dự án “dài hơi” được thực hiện trong 10 năm dùng công nghệ thực tế ảo giúp công chúng được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đặc sắc, biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội. Theo PGS.TS Trần Trọng Dương - thành viên sáng lập SEN Heritage cho biết, hành trình 10 năm thực hiện dự án đó là hành trình của giấc mơ, hành trình của những người yêu di sản, yêu văn hóa Thăng Long, văn hóa Đại Việt. 10 năm đó là tuổi thanh xuân của mấy chục con người, hàng ngày vẫn phải mưu sinh thường nhật, để nuôi những giấc mơ “tái lập quá khứ, xây đắp tương lai”.
Còn với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng lại là một câu chuyện vô cùng đặc biệt. Thực tế việc quy hoạch khu đô thị sông Hồng đã được triển khai nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chỉ ở trên giấy. Điểm nổi bật ở đồ án này là ý tưởng làm trong sạch môi trường đô thị, dám dành tới 70% diện tích tại khu vực này chỉ để phục vụ cho các công trình trồng cây xanh và tạo không gian công cộng - điều rất khác so với những ý tưởng từng được nhắc tới trước đây. Đây là bản quy hoạch thực sự hướng tới cộng đồng người dân Hà Nội, thay vì quá chạy theo mục đích kinh tế với những khu đô thị có thể “mọc lên như nấm” ở quỹ đất trống bây giờ…
Còn với ý tưởng xây dựng cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh là một cách làm hết sức thiết thực. Ở đó, khi triển khai lòng sông và 2 bên bờ Tô Lịch sẽ được xử lý ô nhiễm, xây dựng thành đại công viên, bao hàm các yếu tố lịch sử, văn hóa và tâm linh liên quan đến Thăng Long - Hà Nội xưa để mỗi người dân Hà Nội đều có thể trải nghiệm dịch vụ du lịch tâm linh hoặc tham quan, vãn cảnh.
Đặc biệt, ý tưởng biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” lại như “đánh động” dư luận quanh đề xuất khai thác quỹ đất của hàng chục nhà máy sắp được di dời khỏi nội thành Hà Nội. Ông Lê Quang Bình - điều phối viên của mạng lưới cho biết, không gian công cộng của thành phố đóng vai trò quan trọng trong chất lượng sống của người dân. Nhưng thật đáng buồn, không gian công cộng ở Hà Nội rất ít và nhỏ lẻ. Khi tìm hiểu, chúng tôi thấy cơ hội duy nhất để có thêm không gian công cộng cho Hà Nội, đặc biệt ở các quận nội đô, là các nhà máy cũ. Hà Nội có chính sách đúng đắn là di dời các nhà máy ra khỏi nội đô và ưu tiên phát triển không gian công cộng, không gian xanh. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết thêm, một khó khăn lớn nhất đó là chưa có nhiều người biết về mô hình chuyển nhà máy cũ thành không gian sáng tạo. Còn những người biết thì mặc dù rất thích ý tưởng nhưng họ lại bi quan cho rằng đất của các nhà máy đã bị các đại gia bất động sản “nhòm ngó”.
Có thể nói, dù trải qua một thời gian dài chịu tác động của Covid-19 nhưng không vì thế mà các sáng tạo về nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội bị “đóng băng”. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc - thành viên Hội đồng giải thưởng bày tỏ, nhìn vào những đề cử, thành viên trong Hội đồng chúng tôi đều có một suy nghĩ chúng ta đang được khích lệ để tạm quên sự u ám trong mùa dịch này để hướng tới tương lai. Có thể, những mục tiêu trước mắt vẫn còn rộng mở. Có thể, những kết chúng ta nhận về vẫn chưa tương xứng so với công sức bỏ ra của những người yêu Hà Nội. Nhưng chắc chắn, cần khẳng định đây là một mùa giải có chất lượng, xứng đáng để công chúng cùng nhìn vào và chia sẻ những thành tựu của những tấm lòng hướng về Hà Nội trong năm vừa qua.