Lan tỏa và đồng thuận

Dương Thanh Tùng 30/12/2016 13:50

Câu chuyện người đứng đầu Thành ủy và tập thể Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo 7 quận, huyện của TP này ký cam kết thực hiện chương trình “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội) với yêu cầu dứt khoát “phải làm tốt nếu không muốn bị thay thế, điều chuyển”, đang được dư luận xã hội quan tâm.

Lan tỏa và đồng thuận

Ảnh minh họa.

Ngay sau cuộc hội nghị của Thành ủy Đà Nẵng được tổ chức vào ngày 27/12 nhằm quyết liệt thực hiện chương trình xây dựng thành phố “4 an”. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cần có sự lan tỏa và đồng thuận của mọi người dân. “4 an” kế thừa nhiều chủ trương lớn của TP Đà Nẵng, đặc biệt là Chương trình xây dựng “thành phố 5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của) được HĐND TP ban hành từ cuối năm 2000.

Tiếp đó là chương trình “thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị). Kể từ năm 2000 cho đến nay với sự đồng lòng của lãnh đạo và nhân dân, Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng, hoàn thành cơ bản nhiều mục tiêu đặt ra của Chương trình “thành phố 5 không” và “thành phố 3 có”. Từ năm 2003 TP đã hoàn thành mục tiêu “không có hộ đói”.

Đến cuối năm 2015 - TP Đà Nẵng đã giảm được 55.996 hộ nghèo, xóa 850 hộ đói. Cho đến nay mục tiêu xóa mù chữ cho đến người cuối cùng đã hoàn thành trong độ tuổi từ 6 đến 35.

Cùng với nhiều nỗ lực thực hiện triệt để mục tiêu “không có người lang thang xin ăn”, mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” cũng được triển khai đồng bộ, đến nay không còn các tụ điểm hay “điểm nóng” về ma túy.

Có thể nói rằng, một thời gian rất dài sau 2 chương trình lớn “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” được lãnh đạo TP phát động và gặt hái thành công; bất cứ ai đặt chân đến Đà Nẵng đều cảm nhận đây là TP thực sự an bình, đáng sống.

Những gì mà TP Đà Nẵng đạt được qua 2 chương trình lớn nói trên được bậc lão thành Nguyễn Đình An (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nguyên Chủ tich Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng) đúc kết “do từng người dân Đà Nẵng đã có ý thức ngày một cao về trách nhiệm công dân, gắn liền với các giá trị văn hóa.

Còn có những điều chưa được vừa ý nhưng phải thấy rằng mọi người dân Đà Nẵng đều mong mỏi góp sức mình vào công cuộc xây dựng TP Đà Nẵng”.

Thành công của 2 chương trình lớn nói trên còn có sự góp sức của Mặt trận các cấp của Đà Nẵng trong công tác giáo dục pháp luật gắn với 5 nội dung thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, lồng ghép với các mục tiêu khác như phòng chống tệ nạn ma túy mãi dâm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống HIV/AIDS, phòng cháy chữa cháy, biến đổi khí hậu…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng: Các mục tiêu đặt ra trong chương trình “thành phố 4 an” là những vấn đề đang được người dân quan tâm, kỳ vọng hiện nay.

Đánh giá của ông Đặng Việt Dũng phần nào cho thấy những thách thức mà chính quyền và người dân thành phố này đang phải nỗ lực để đấu tranh, ngăn chặn.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị về chủ trương xây dựng “thành phố 4 an”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu 7 quận, huyện, đặt những người này trước sự lựa chọn “không làm tốt sẽ bị thay thế, điều chuyển”.

Sự thành công trong 2 chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” cùng với hạ tầng đô thị phát triển thông thoáng giúp người nơi khác đến thành phố này cảm nhận đây là thành phố đáng sống.

Tuy nhiên theo đánh giá của một lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng tại cuộc Hội nghị này thì Đà Nẵng đã và đang đối mặt với diễn biến đáng lo ngại về tệ nạn xã hội, tội phạm. Trong đó có những vụ án hình sự khiến dư luận hoang mang.

Ngoài những vấn nạn đe dọa sự thành công của Chương trình “4 an” nêu trên là các vấn đề phức tạp liên quan đến nhập cư buôn bán làm ăn ở các khu vực ven biển của 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Vấn đề phức tạp về nhập cư đã từng được bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà đề cập tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra giám sát Hội đồng TĐKT Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, kiểm tra công tác thi đua khen thưởng tại Đà Nẵng trong năm 2016 vào ngày 5/10 vừa qua.

Một trong những vấn đề được bà Trần Thị Thanh Tâm đề cập liên quan đến nhập cư là những xáo trộn về văn hóa, ứng xử trong buôn bán xa lạ với cung cách của người dân bản địa.

Chia sẻ của người đứng đầu một quận ven biển đang mọc lên rất nhiều khách sạn, nhà hàng ở Đà Nẵng cũng phần nào cho thấy sức ép nhập cư với mục tiêu buôn bán, làm ăn đã và đang chi phối, tác động đến người dân bản địa. Cùng với đó là sự phức tạp về an ninh, trật tự.

Đà Nẵng không thể “đóng cửa” với người nhập cư buôn bán, làm ăn và cũng không thể cưỡng lại những những diễn biến tất yếu của kinh tế thị trường.

Tuy nhiên để xây dựng Chương trình “Thành phố 4 an”, ngoài yếu tố đồng thuận cao với chính quyền, người Đà Nẵng cần bảo vệ những giá trị căn cơ, cốt lõi làm nên thương hiệu “Thành phố đáng sống” suốt môt thời gian dài.

Những giá trị tinh thần, trong đó có tình người, mến khách, và sự thân thiện cần được vun đắp, lan tỏa để sức ép nhập cư buôn bán làm ăn của người đến từ nơi khác không trở thành áp lực, gánh nặng đối với lãnh đạo các quận huyện trước đòi hỏi nghiêm khắc “làm tốt nếu không muốn bị thay thế!”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa và đồng thuận