Một ngôi làng độc đáo làm từ đất sét, đất đỏ cao nguyên khiến du khách đến với xứ ngàn thông Đà Lạt ngỡ ngàng.
Du khách đến với ngôi làng đất sét ở Đà Lạt.
Làng nằm trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm, là công trình của anh Trịnh Bá Dũng. Theo anh Dũng, để hoàn thành ngôi làng đất sét “biết kể chuyện Đà Lạt” này, anh đã mất tới 4 năm mày mò nghiên cứu. Đến năm 2008, anh Dũng tìm ra công thức làm cứng đất thân thiện với môi trường (pha đất đỏ bazan với một số phụ gia) và cho ra đời ngôi làng này.
Ga xe lửa Đà Lạt.
Trong làng, nổi bật nhất chính là ngôi nhà rộng gần 100m², đã được Trung tâm sách kỷ lục VN xác nhận 2 kỷ lục: ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất; ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên và có phong cách độc đáo nhất.
Cảnh rừng núi hoang vu, cây cối, động vật rừng, hồ, thác... được tái hiện.
Bài hát “Ai lên xứ hoa đào” được khắc bằng đất.
Bên cạnh ngôi nhà, là đường hầm điêu khắc dài 1,2 km, sâu từ 1 - 9m và rộng từ 2-10 m kể lại câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển của Đà Lạt. Du khách được khám phá những biểu tượng của Đà Lạt, từ thưở ban sơ cho tới một Đà Lạt năng động và hiện đại ngày nay. Từ tượng Alexandre Yersin - người có công phát hiện ra cao nguyên Langbiang - cũng được anh Dũng làm tượng bằng đất sét cho tới nhà thờ Con Gà, như ga xe lửa, dinh Bảo Đại, trường Lycée Yersin, Viện Pasteur, Đại học Đà Lạt, Khách sạn Palace, Giáo hoàng học viện, chùa Linh Sơn, hồ Xuân Hương, cầu Ông Đạo, chợ Đà Lạt…
Tái hiện hình ảnh Nhà thờ Con Gà.
Có thể nói, nơi đây là một Đà Lạt thu nhỏ được kỳ công xây đắp. Công trình này đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải kiến trúc xanh, hiện thu hút khách du khách gần xa.