Thời điểm này, làng khô ở các tỉnh Miền Tây tất bật, rộn ràng không khí sản xuất nhằm kịp phục vụ khách hàng vào dịp Tết cổ truyền.
Tất bật làng nghề
Tết Nguyên đán cận kề cũng là lúc không khí của những làng nghề làm khô ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu nhộn nhịp hẳn lên. Những cơ sở sản xuất khô ở đây đang tất bật chuẩn bị các mặt hàng khô truyền thống phục vụ Tết. Mỗi người một công việc, xẻ khô ướp muối, mang khô phơi nắng… ai cũng tranh thủ, hy vọng sẽ làm ra nhiều sản phẩm chất lượng như: khô cá lù đù, khô cá rúng, cá đuối, cá kèo, cá ngác, cá bông lau,... Ngoài các loại khô cá, người dân nơi đây còn làm các loại tôm khô, mực khô. Trong vùng đang có nắng to là thời điểm thuận lợi đối với nghề làm khô nức tiếng nơi đây.
Chúng tôi đến một trong những cơ sở sản xuất khô của bà Trần Xuân Mai (ở ấp 3, thị trấn Gành Hào). Đảo mẻ cá dưới cái nắng chói chang, bà Mai cho biết, năm nào cũng vậy, từ cuối tháng 11 âm lịch, các thành viên trong gia đình lại tất bật vào mùa phục vụ Tết.
Nghề làm khô của gia đình bà Mai cũng như những hộ dân ở đây diễn ra quanh năm, nhưng Tết là thời điểm sôi động nhất, làm nhiều sản phẩm nhất và cho doanh thu tốt nhất. Để sản phẩm đạt chất lượng, những công đoạn làm khô từ thu mua nguyên liệu, đến xẻ, ướp, phơi nắng, đóng gói sản phẩm đều phải đảm bảo đúng quy trình.
Làng khô ở thị trấn Gành Hào, chia thành nhiều tầng nấc, từ những gia đình làm khô nhỏ lẻ kiểu truyền thống đến các cơ sở sản xuất quy mô. Nhưng dù sản xuất theo hình thức nào thì đồ khô ở đây cũng nổi tiếng ngon, là mặt hàng nhiều người ưa chuộng. Đông Hải cũng là địa phương có nhiều vựa khô nhất tỉnh Bạc Liêu. Người dân làng nghề sau khi sản xuất, một phần bán ra các tỉnh lân cận khác như Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ hay TP Hồ Chí Minh…
Theo bà Trần Thị Bé - chủ cửa hàng khô ở thị trấn Gành Hào, giá nguyên liệu tăng cao khiến tình hình khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn, sản lượng sụt giảm, nguồn nguyên liệu làm khô khan hiếm, giá khô tăng hơn những năm trước. “Mặc dù hiện nay tình hình dịch đã lắng dịu nhưng người dân làng khô cũng khá dè dặt không dám sản xuất nhiều vì sợ đầu ra không có. Giá các loại khô có tăng nhưng không nhiều” - bà Bé cho hay.
Ông Nguyễn Trọng Hán - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, địa phương có trên 30 cơ sở sản xuất, chế biến khô (chủ yếu tập trung ở thị trấn Gành Hào), mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 700 tấn khô. “Nhằm nâng cao giá trị con khô Gành Hào, những năm qua huyện Đông Hải phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường các hoạt động kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người làm khô yên tâm gắn bó với nghề, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Đến nay huyện đã có trên 18 sản phẩm OCOP, trong đó có đến 10 sản phẩm khô của các chủ thể trong huyện được đánh giá, phân hạng OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao như tôm khô, chả tôm, chả cá, chà bông, khô mực, khô mực một nắng, khô cá thu một nắng, khô cá kèo…
Đa dạng các sản phẩm phục vụ Tết
Tại các làng nghề khô biển ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, Đầm Dơi tỉnh Cà Mau vào thời điểm này nhà nhà đều tranh thủ thời gian, làm không kể ngày đêm để kịp cung ứng sản phẩm cho thị trường Tết và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Vừa chế biến cá khoai - món đặc sản trứ danh miền biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, chị Hồng Yến chia sẻ: “Hiện nay, các làng nghề trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã vào chính vụ sản xuất nên bà con tất bật làm việc. Công việc của tôi là chế biến cá, rửa sạch đem phơi. Do số lượng đơn hàng gia tăng từng ngày, nên chủ cơ sở thuê rất nhiều lao động để làm việc. Bình quân mỗi ngày tôi cũng kiếm được từ 250.000 - 400.000 đồng, tùy vào nguồn nguyên liệu ngày đó nhiều hay ít. Công việc này duy trì xuyên suốt từ nay cho đến cuối năm”.
Bà con cho biết, nghề sản xuất cá khô, bánh phồng tôm hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, cao điểm là dịp cuối năm, lúc này trùng với thời điểm hoạt động đánh bắt biển nên nguồn nguyên liệu cá tôm rất dồi dào, kịp thời cung ứng cho các cơ sở sản xuất. Các mặt hàng được khách hàng ưa thích, nhất là dịp Tết Nguyên đán hàng năm như: khô cá kèo, khô cá khoai, khô cá ngát, tôm khô, bánh phồng tôm…
Những ngày này, các cơ sở sản xuất các mặt hàng khô ở khu vực cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) cũng rất tất bật. Không khí lao động hăng say, tiếng cười nói rôm rả. Mỗi người đều được phân khu vực, chia việc cụ thể nên họ làm rất chuyên tâm, trách nhiệm. Nguyên liệu thì được cân rồi chia ra cho từng lao động để họ chế biến sạch sẽ. Sau đó có người đến thu gom đem rửa rồi tẩm ướp trước khi phơi khô.
Chị Liên, trú thị trấn Sông Đốc cho biết, thời điểm cuối tháng 11 dương lịch là các cơ sở sản xuất hàng khô đều tất bật cho dịp cuối năm. Hiện nay, nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến chưa có nhiều, nhưng từ nay đến Tết là thời điểm hoạt động trên biển vào mùa, sản lượng nguyên liệu cung ứng cho các vựa cũng có nhiều hơn.
Theo ông Huỳnh Thanh Đảm - Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), hiện các cơ sở sản xuất mặt hàng cá khô, mắm, tôm khô ở địa phương đang vào chính vụ. Hàng năm, các cơ sở này cung ứng cho thị trường hàng chục tấn hàng các loại. Trong đó, nhiều nhất là các mặt hàng khô. Mùa này, không khí làm việc ở các cơ sở sản xuất rất nhộn nhịp.
Khô biển từ các làng nghề ở các tỉnh Miền Tây lâu nay đã có mặt trong bữa ăn của nhiều gia đình, không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán. Tự hào về nghề làm khô của quê hương mình, người dân làng cá khô biển luôn chú trọng làm ra những mặt hàng khô ngon, chất lượng. Chính từ cái nắng, cái gió của miền biển và sự mặn mòi của muối biển quê nhà đã làm nên thương hiệu khô biển Miền Tây nổi tiếng gần xa.
Các làng nghề sản xuất cá khô hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, cao điểm là dịp cuối năm, lúc này trùng với thời điểm hoạt động đánh bắt biển nên nguồn nguyên liệu cá, tôm rất dồi dào, kịp thời cung ứng cho các cơ sở sản xuất. Các mặt hàng được khách hàng ưa thích, nhất là dịp Tết Nguyên đán hàng năm như, khô cá kèo, khô cá khoai, khô cá ngát, tôm khô, bánh phồng tôm…