Nghề đan dây rút ở làng biển Phước Hải (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có từ lâu đời. Cho dù tới nay phần thân lưới được đan dệt bằng hệ thống máy móc hiện đại thì những dây rút, dây chì, phao kéo, phao chìm, phao tín hiệu… vẫn phải đan dệt thủ công, do hàng trăm người dân nơi đây đảm nhiệm, bền bỉ, lặng lẽ như chính cái làng biển này vậy.
Làng nghề trăm tuổi
Làng biển Phước Hải có tên hành chính từ thời vua Tự Đức trị vì. Kể từ lúc lập làng cho tới tận ngày nay, hầu hết người dân sinh sống trong ngôi làng nhỏ bé này đều mưu sinh bằng những nghề gắn với biển.
Theo đó, thanh niên trai tráng thì giong ghe thuyền đi đánh bắt hải sản; người già, phụ nữ thì làm công việc ở cảng cá, phơi cá hay buôn bán thủy hải sản cũng như đan dệt ngư cụ.
Đan lưới ở làng nghề Phước Hải.
Ngày nay, dù làng biển đã nhộn nhịp, có cả khách du lịch thường xuyên ghé tới thì dân làng vẫn gắn bó cùng biển khơi và vị mặn mòi của biển.
Dọc tuyến đường trải nhựa ven biển, cũng là tuyến đường xương sống của làng chài, người dân vẫn đan dây rút chì phục vụ nghề lưới vây.
Theo anh Nguyễn Văn Thân, 39 tuổi, một ngư dân trong làng thì đây là loại công cụ đánh bắt rất đặc trưng, ngoài khơi xa, những vùng biển sâu mà nhiều ngư dân vùng Phước Hải, Bình Châu, Long Điền… sử dụng.
Nguyên tắc đánh bắt của nghề này là quây mặt nước bằng hệ thống lưới ở trên và dưới. Tùy theo từng độ sâu, chiều dày lưới nhưng trung bình, đường kính lưới trên mặt nước khoảng 1.000 mét, sâu khoảng 20-30 mét.
Sau khi xác định vị trí đàn cá và vây lại, hệ thống dây rút chì ở phía dưới sẽ kéo lại, vây cá trong khoảng nước lưới chắn, tạo thành một chiếc túi lưới khổng lồ.
Sau đó hệ thống dây rút (không chì) ở trên mới thu lại và bắt cá. Đây là một trong những nghề có tính chọn lọc cao, không ảnh hưởng đến môi trường cũng như sự phát triển của nguồn tài nguyên biển.
Về công việc đan dây lưới, anh Thân kể thêm: “ Ở đây, công nhân chỉ đan hệ thống dây lưới, dây phao, dây chì… mà thôi; còn thân lưới thường được máy dệt sẵn rồi ghép lại. Mỗi dây lưới này dài chừng một cây số, phải bện khoảng 3 ngày, với 5 người tham gia từ những sợi dây thừng nhỏ.
Ngoài việc bện dây thừng tạo thành khung lưới thì phần khung chìm sâu dưới biển còn có hệ thống dây chì để kéo cho lưới thẳng đứng cũng như không bị sóng gió làm co cụm lại.
Ngoài ra, các dây chì còn có các dây màu, dùng để làm tín hiệu quan sát lưới được ghép đều nhau. Khác với hệ thống chì dưới nước, dây trên mặt có thêm hệ thống phao nổi và phao màu tín hiệu. Vì hệ thống dây cực kỳ phức tạp, nhiều công đoạn nên ngoài đan thủ công, không có cách gì khác”.
Những phận người
Trong thời gian tìm hiểu về nghề đan lưới ở Phước Hải, chúng tôi nhận ra một thực tế rằng, hầu hết những người đan lưới này đều có những số phận khó khăn, ít nhiều đau đớn .
Điều này trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về những người đan lưới, bởi vẻ ngoài khá nhàn nhã và ung dung của họ.
Anh Đặng Văn Chú, 36 tuổi ở xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) một thợ đan lưới cười: “Thực ra những người đàn ông đan lưới ở đây đều là ngư dân đi biển cả. Nhưng vì một lý do nào đó, thường là tai nạn nghề biển nên không thể lênh đênh trên biển nữa, họ mới buộc phải ở lại làng, tham gia vào việc đan lưới, như một sinh kế và cũng là để bớt nguôi ngoai nỗi nhớ biển”.
Dừng lại một chút, anh Chú tiếp: “Như bản thân mình cũng vậy, ngày trước đi biển từ lúc 14, 15 tuổi. Gần hai chục năm lênh đênh theo ghe, nếm trải đủ vị mặn mòi của biển khơi thì hồi cách đây ba năm, ghe của mình đang theo đàn ở ngoài khơi vùng Vịnh Thái Lan thì gặp bão.
Tuy không bị lật ghe nhưng vì cứu lưới, mình bị cuốn xuống nước. Tai nạn đó may mắn không phải bỏ mạng giữa đại dương nhưng cánh tay trái của mình bị gió vặn, cuốn vào lưới nên tay bị gãy đôi.
Sau này bác sỹ tuy chữa lành nhưng vì vết thương để nhiễm trùng hơn một tuần mới về tới đất liền nên cánh tay rất yếu. Ban đầu nhớ biển, mình cũng xin anh em cho đi theo ghe để làm phụ bếp, lấy nước đá, ướp cá, phơi mực trên biển thôi.
Thế nhưng trên ghe sóng gió, chỉ có một cánh tay hầu như không làm được việc gì. Cuối cùng đành chọn nghề đan lưới, cho nguôi ngoai nỗi biển mà thôi”.
Thực ra, không riêng gì anh Chú, hàng trăm những người đàn ông đang đan lưới ở làng biển Phước Hải này cũng có hoàn cảnh tương tự.
Nếu không phải vì tai nạn nghề biển, thì cũng là do đã già yếu, không còn đủ sức đương đầu với sóng gió nên họ quay về làng, lặng lẽ ngồi bên những dây lưới, dây chì để tiếp thêm sức lực cho những ngư dân khỏe mạnh khác trên biển khơi.
Tất nhiên, ngoài họ thì những người phụ nữ làng biển, trong thời gian rảnh rỗi cũng chính là những người thường xuyên gắn bó với công việc đan dây lưới này.
Với mức thu nhập tiền công khoảng trăm ngàn một ngày, những ngư dân đan lưới rút chì bao năm qua vẫn lặng lẽ, miệt mài với những sợi dây lưới, dây chì, dây phao… bên bờ biển Phước Hải nắng gió.
Dường như, những bàn tay chai sạn, nhỏ bé và cơ thể già yếu kia đang cố sức bện cho chặt hơn, để những mẻ lưới ngoài khơi xa của những ngư dân thêm phần chắc chắn, bội thu.