Tròn 40 năm kể từ ngày nhà văn Nguyên Hồng đi xa, nay tôi mới có dịp được tới “thăm” ông. Một lối mòn nhỏ dẫn lên ngõ nhà ông trên “Đồi văn hóa kháng chiến”.
Qua cánh cổng đơn sơ, chúng tôi được đi dưới bóng mát của cây, đều là những cây có từ thời gia đình ông “định cư” ở đây. Ngay trước sân nhà, một cây khế tỏa bóng sum suê, lá xanh chợt hanh vàng trong nắng, xen lẫn giữa màu xanh lá là màu tím của hoa và chỉ khẽ với tay thôi là đã chạm trĩu trịt quả với quả.
Bà Trần Thị Loan, người con dâu thứ hai của nhà văn Nguyên Hồng từ trong nhà bước ra tươi cười chào khách. Được biết sáng sớm nay bà mới từ thành phố Bắc Giang trở lại nhà. Bà cho biết: “Tôi mới xuống Bắc Giang ở với các con một năm nay. Các cháu cứ bảo: Mẹ không được khỏe nên ở một mình chúng con không yên tâm”. Bà Loan nói xong thì cúi xuống, nét mặt hơi buồn, gọng bà chậm rãi: “Tôi về làm dâu và ở nhà này từ cuối năm 1975. Bốn mươi sáu năm gắn bó nên vắng nhà là thấy hẫng”.
Ngôi nhà ba gian khiêm nhường được dựng trên mảnh đất mà từ đầu năm 1947 gia đình nhà văn Nguyên Hồng cùng gia đình một số nhà văn khác tản cư lên đây. Chả là hồi đó, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc nên Hội Văn hóa cứu quốc sơ tán lên vùng An toàn khu Nhã Nam-Yên Thế. Khu vực Đồi Cháy xóm Cầu Đen (sau này được đặt tên là Đồi Văn hóa kháng chiến) thuộc xã Quang Tiến được chọn làm địa điểm của Hội và gia đình các thành viên của Hội. Bởi nơi đây thưa thớt dân cư, tiện lợi cho việc di chuyển, liên lạc với chiến khu Việt Bắc nếu như giặc Pháp phát hiện, tấn công.
Lên xóm Cầu Đen - đồi Cháy đầu tiên là gia đình nhà văn Nguyên Hồng và Kim Lân, tiếp đó là các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn, rồi đến gia đình nhà văn Ngô Tất Tố. Sau này còn có sự hiện diện của những cây bút nổi tiếng như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Tú Mỡ, Vân Đài, Anh Thơ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà viết kịch Đình Bảng… Có lúc đội ngũ văn nghệ sĩ tản cư lên tới hàng chục người. Họ được cấp 15 mẫu đất để dựng nhà cửa, sản xuất, quần tụ đoàn kết, bao bọc lẫn nhau cùng vượt khó sinh sống trên mảnh đất mới. Và điều đặc biệt là trong thời kỳ này các văn nghệ sĩ đã cho ra đời không ít những tác phẩm bất hủ để đời.
Xóm Cầu Đen chợt trở nên đông vui, đầm ấm. Gia đình nhà văn Nguyên Hồng ban đầu ở tạm trong một căn nhà lá đơn sơ. Rồi dần dần qua thời gian là một ngôi nhà lợp tranh vách trát đất rồi mới tới ngôi nhà xây ba gian lợp ngói như hiện nay.
Bà Trần Thị Loan sau khi thắp xong nén hương thì nói tiếp: “Cho mãi đến cuối năm 1954 thì các gia đình mới chuyển về Hà Nội và ổn định ở Thủ đô. Chỉ có riêng thầy tôi là thấy nhớ rừng nhớ núi quá, nên đến năm 1957 đã quyết định đưa vợ con quay trở lại xóm Cầu Đen ở cho tới nay”.
Nghe bà Loan nói vậy tôi thấy nhà văn Nguyên Hồng đúng là “kỳ cục” như mọi người hay nói về ông. Sinh năm 1918 ở thành phố Nam Định. Theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống năm 16 tuổi. Vậy mà 17 tuổi đã cầm bút viết văn khi mới học xong tiểu học. Và năm 20 tuổi được nhận giải thưởng Tự lực văn đoàn (một giải thưởng văn học uy tín thời đó) với tiểu thuyết “Bỉ vỏ”. Và như sau này nhà văn Nguyên Hồng đã tâm sự: “Tôi sẽ viết về những cảnh đói khổ, về những áp lực, về những nỗi trái ngược bất công. Tôi sẽ đứng về phía những con người lầm than bị đày đọa, bị lăng nhục. Tôi sẽ vạch trần ra những vết thương xã hội, những việc làm bạo ngược lộng hành của xã hội thời bấy giờ. Tôi sẽ gánh lấy mọi trách nhiệm, chống đối cũng như bào chữa, bảo vệ. Tôi sẽ chỉ có tiến bước, chỉ có đi thẳng. Tôi sẽ chỉ biết có ánh sáng. Và chính tôi là ánh sáng”.
Bà Loan chỉ tay vào chiếc giá sách làm bằng tre được xếp gọn gàng ngay trước những tủ đầy chặt sách mà nhà văn Nguyên Hồng để lại. Bà nói: “Thầy tôi quý chiếc giá sách tre này lắm. Cụ thường đặt ở đó những cuốn sách mà cụ thích. Tôi nhớ mỗi khi muốn đọc sách thì cụ lại gọi: “Loan ơi. Con lấy cuốn sách “Những người khốn khổ” ở trên xích đông mang cho thầy. Giá sách này chúng tôi vẫn giữ, nó là báu vật ghi dấu một thời khó khăn nhưng đầy trăn trở của thầy tôi”.
Qua câu chuyện chúng tôi được bà Trần Thị Loan giới thiệu mình quê ở xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh (nay là TP Chí Linh) của tỉnh Hải Dương. Nghe thế tôi vội hỏi “Thế làm thế nào mà chị trở thành con dâu của cụ được?”. Bà Loan cười, vẻ e thẹn thoáng thấy trên gương mặt. Được biết hồi năm 1970, người con trai thứ hai của nhà văn Nguyên Hồng là Nguyễn Vũ Giang khi ấy đang học năm thứ tư Trường Đại học Dược Hà Nội có về quê bà để thực tập và tìm các cây thuốc dân gian. Ông Giang bất ngờ gặp cô giáo sinh Trần Thị Loan đang nghỉ hè. Bốn mắt nhìn nhau và “có tiếng sét vang lên”, lúc đó hai người chỉ kịp trao nhau dòng địa chỉ để thư đi thư lại. Rồi anh sinh viên tên Giang quay về nhà ở xóm Cầu Đen và nói chuyện với cha mình.
Chỉ mới nghe người con trai nói sơ sơ vậy mà nhà văn Nguyên Hồng đã thấy cảm mến người con gái xa xôi ấy. Anh Giang học xong đại học thì nhập ngũ lần thứ 2 (lần trước anh đi bộ đội 2 năm thì về học đại học). Anh Giang đi một mạch vào tận Đồng bằng sông Cửu Long. Trước khi đi anh còn nhờ cha mình “trông nom” người con gái mà anh yêu. Nhà văn Nguyên Hồng đã tìm về tận nhà cô Loan, ông chủ động “kết thông gia” với gia đình cô và thế là lâu lâu nhà văn Nguyên Hồng mỗi khi có dịp đi công tác lại về Chí Linh để “chơi với thông gia” và “trông nom” cô con dâu tương lai cho con trai mình. Cuối năm 1975, anh bộ đội giải phóng Nguyễn Vũ Giang trở về, một đám cưới giản dị đã diễn ra sau nhiều năm trông đợi. Bà Loan cũng từ đó về nhà chồng và sống cùng bố mẹ chồng.
Bà Loan kể: “Cuối tháng 4 năm 1982, thầy tôi đi công tác ở Hải Phòng. Về tới nhà gặp đúng trời đổ mưa to suốt mấy ngày. Không đành lòng thấy vợ con ở trong ngôi nhà dột mái, tường lở nên ông liền trèo lên mái nhà dọi lại những chỗ bị dột. Hồi đó nhà còn lợp mái rạ”.
Rồi ông ra bờ suối Cầu Đen lấy bùn đất về trát lại tường. Bị ngấm nước mưa nên nhà văn Nguyên Hồng bị cảm nặng. Được vợ con chăm sóc tận tình nhưng ông đã lặng lẽ qua đời ngày mùng 2 tháng 5 năm 1982, thọ 64 tuổi, bỏ lại cuốn tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế” mà nhà văn ấp ủ viết nhưng chưa kịp hoàn thành (ông mới viết xong phần 1 và 2 của bộ tiểu thuyết lịch sử lớn này). Sáu năm sau bà Vũ Thị Mùi, vợ nhà văn Nguyên Hồng qua đời. Hiện mộ của vợ chồng nhà văn Nguyên Hồng được mai táng tại chân đồi Cháy ngay bên con suối Cầu Đen và nhìn ra cánh đồng lúa rộng mở.
Từ khoảng sân trước nhà, gió thổi từ chân đồi lên man mác, nắng thu hanh vàng dường như làm đỏ thẫm thêm bức tượng nhà văn Nguyên Hồng được dựng trong vườn cây trước nhà. Đó là một người đàn ông giản dị như một bác nông dân với bộ râu dài đang ngồi thư thái, ánh mắt nhìn xa.
Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982), quê quán Nam Định. Năm 1943, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... Ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957. Tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng gồm tiểu thuyết: Bỉ vỏ (1938), Qua những màn tối (1942), Đàn chim non (1943), Hơi thở tàn (1942), Quán Nải (1943), Cửa biển (4 tập); Sóng gầm (1961), Cơn bão đã đến (1967), Thời kỳ đen tối (1973), Khi đứa con ra đời (1976), Thù nhà nợ nước (1981), Núi rừng Yên Thế.
Truyện ngắn, hồi ký, bút ký: Bảy Hựu (1940), Những ngày thơ ấu (1940), Cuộc sống (1942), Hai dòng sữa (1944), Vực thẳm (1944), Miếng bánh (1945), Ngọn lửa (1945), Địa ngục và lò lửa (1946), Đất nước yêu dấu (1955), Đêm giải phóng (1951), Giữ thóc (1955), Sức sống của ngòi bút (1964), Bước đường viết văn (1971), Một tuổi thơ văn (1973), Những nhân vật ấy đã sống với tôi (1978).
Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.