Làng nghề thay đổi để hội nhập

DUY KHANG 12/02/2023 14:00

Giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu... kinh tế làng nghề có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, phát triển kinh tế làng nghề cần có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề được xuất khẩu đến nhiều thị trường thế giới.

Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế

Các sản phẩm của làng nghề hiện nay không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Đơn cử, những sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng, lụa... đã đặt chân đến nhiều thị trường trên thế giới.

Những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề ở nông thôn đã thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn tại nhiều địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo... góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn tăng đáng kể. Ví dụ tại tỉnh Thanh Hóa, các sản phẩm làng nghề như đồ mộc xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa), đồ đồng xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), cói mỹ nghệ (Nga Sơn), tre nứa ghép (Như Xuân)... được xuất khẩu ra thị trường thế giới, tạo nên những thương hiệu riêng cho các sản phẩm làng nghề của địa phương.

Các sản phẩm làng nghề không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho địa phương, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) không chỉ được biết đến là nơi sản xuất ra những thước lụa mềm mại, bắt mắt... mà còn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiện nay, tại làng Vạn Phúc vẫn có gần 300 hộ dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Hầu hết các doanh nghiệp, hộ gia đình đều hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi năm, làng sản xuất khoảng 2,5 đến 3 triệu mét vuông vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề.

Với tỉnh Kiên Giang, kinh tế làng nghề cũng đang đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của tỉnh cũng như của cả nước. Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu giá trị khu vực ngành nghề nông thôn chiếm 20% trong giá trị công nghiệp chung; giải quyết việc làm cho trên 30 nghìn lao động. Đáng chú ý, Kiên Giang là một địa chỉ du lịch với điểm đến Phú Quốc hấp dẫn, vậy nên tỉnh đã và đang chú trọng phát triển một số mô hình du lịch trong làng nghề như: Nghề sản xuất rượu sim, nước mắm Phú Quốc; nghề làm vỏ ốc, vỏ sò mỹ nghệ, trang sức tại thành phố Phú Quốc, Hà Tiên và huyện Kiên Lương. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh sẽ phát triển và bảo tồn 10 làng nghề, nghề truyền thống gồm: Nghề đan lục bình (Gò Quao); đan lưới ghẹ (huyện Kiên Lương); đan đệm bàng (huyện Giang Thành); nghề dệt chiếu, đan đát (huyện Châu Thành) và công nhận ít nhất 20 nghề truyền thống...

Hướng đến phát triển bền vững

Có thể thấy, vai trò của kinh tế làng nghề đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế là không nhỏ. Bên cạnh mặt mạnh, những bất cập về ô nhiễm môi trường, phát triển manh mún, nhỏ lẻ... vẫn đang là nỗi trăn trở của nhà quản lý đối với việc phát triển bền vững kinh tế làng nghề.

Có thể thấy, tình trạng vô tư xả chất thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường, hoạt động tự phát, mạnh ai nấy làm ở nhiều làng nghề hiện nay đang đe dọa đến môi trường. Nhiều nơi đất đai, nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, sức khỏe của người dân xung quanh làng nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi vậy, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã có lần lên tiếng cảnh báo, các làng nghề chính là điểm nóng về môi trường hiện nay.

Và số lượng người mắc bệnh hiểm nghèo tăng lên tại các khu vực xung quanh làng nghề là một minh chứng cho thực trạng này. Theo một kết quả khảo sát, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả 3 dạng trên và có đến 27% số làng nghề bị ô nhiễm dạng vừa. Đây rõ ràng là những con số thách thức đối với mục tiêu phát triển kinh tế làng nghề bền vững.

Để giải quyết một cách hữu hiệu cho bài toán khó đối với thực trạng các làng nghề hiện nay, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có những giải pháp mạnh, nâng cao chế tài đối với tình trạng gây ô nhiễm tại các làng nghề. Trong đó, cần kiên quyết xử lý những hành vi đổ chất thải nguy hại từ một số làng nghề ra môi trường theo Nghị định 155/2016/NĐ- CP. Và để giảm thiểu tình trạng này, theo đề xuất của giới chuyên gia, cần chú trọng đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, đầu tư hệ thống xử lý chất thải nguy hại mà không chỉ đơn thuần là một thương vụ làm ăn ngắn hạn, thu lãi nhanh chóng, mà phải hướng đến mục tiêu dài hạn để đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ có tính bền vững. Về lâu dài, việc quy hoạch không gian làng nghề phải gắn được với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, quy hoạch xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp tập trung và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. “Đặc biệt, cần mạnh dạn quy hoạch theo hướng lồng ghép các hoạt động du lịch với sản xuất làng nghề sinh thái” – ông Long nhấn mạnh.

Trong “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030" của Chính phủ nhấn mạnh, việc bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới.

Quyết định nhấn mạnh: “Phát triển làng nghề gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề”.

Dư luận kỳ vọng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, môi trường kinh tế làng nghề sẽ có sự khởi sắc, hướng đến phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nghề thay đổi để hội nhập