Lắng nghe tiếng gọi của Tổ quốc

Lục Bình (Thực hiện) 31/01/2016 14:10

Đã là người Việt Nam dù sống ở bất cứ nơi đâu, dòng máu chảy trong tim chúng tôi là dòng máu Lạc Hồng. Khi Tổ quốc cần, Tổ quốc kêu gọi, chúng tôi đáp lời… Đó là những tâm sự từ đáy lòng của Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Hải Linh trước Tết cổ truyền dân tộc.

Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc phát động gây quỹ “Vì chủ quyền biển đảo”.

PV:Năm vừa qua, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đã làm được một việc rất đáng nể đó là đã thành lập quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” để kết nối những tấm lòng của người Việt xa xứ với biển đảo quê hương?

Ông TRẦN HẢI LINH: Trước đây, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc không có điều kiện về thăm Trường Sa, mảnh đất xa xôi của Tổ quốc. Nhưng tháng 4/2015, nhận lời mời của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài và Đảng ủy ngoài nước, chúng tôi có 2 đại diện Hàn Quốc gồm tôi - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc và một bạn là đại diện cho sinh viên về thăm Trường Sa. Khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên đảo Trường Sa, chúng tôi cảm nhận rõ nét hơn tất cả khó khăn, vất vả cũng như nỗ lực vượt qua gian khó để đi đến thành công của cán bộ, chiến sỹ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bản thân tôi là người nghiên cứu khoa học, tôi mong muốn kiến thức chuyên môn của mình để làm sao có những ứng dụng thiết thực, giúp làm vơi bớt những khó khăn của cán bộ chiến sỹ ngoài đảo. Nơi đảo xa có hai vấn đề nan giải nhất đó là rau xanh và nước ngọt, ai cũng nhận ra điều đó, vấn đề là tìm cách gì để khắc phục.

Về rau sạch với cương vị là người nghiên cứu công nghệ sinh học, tôi suy nghĩ rằng, ở Hàn Quốc có một số đảo cũng có điều kiện tương đối giống khu vực đảo của Việt Nam. Thế mà họ vẫn trồng được rau để đáp ứng yêu cầu tại chỗ. Chúng ta cũng có thể học tập những kinh nghiệm này từ họ. Sở dĩ họ trồng rau đủ cung cấp cho đảo vì họ biết tìm ra những loại rau có đặc tính chịu mặn tốt, nhờ sử dụng đất tổng hợp. Năm tới chúng tôi sẽ đặt trọng tâm nghiên cứu vấn đề này.

Về vấn đề nước ngọt, ở một số đảo lớn như Trường Sa, Song Tử Tây có nơi trữ nước mưa nhưng với các đảo nhỏ như Đá Lát, Len Đao không có nơi chứa nước ngọt nên rất khó khăn. Ở Hàn Quốc đã có sáng chế sử dụng công nghệ hút độ ẩm ngoài không khí tạo thành nước ngọt mà không phải lọc từ nước biển, đấy là công nghệ tương đối mới. Tôi nghĩ rằng, ở những đảo nhỏ, một máy lọc được từ 10-15 lít nước/ngày cũng đã là nguồn quý báu với cán bộ, chiến sỹ.

Được biết Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc còn có một món quà tinh thần đầy ý nghĩa dành tặng riêng cho cán bộ, chiến sỹ công tác tại Trường Sa?

- Đúng vậy, sau khi đi thăm cán bộ chiến sỹ ngoài đảo, trực tiếp trao đổi về tâm tư, nguyện vọng của cán bộ chiến sỹ, chúng tôi thấy rằng, mọi người cùng chung nỗi lo hậu phương. Nhiều cán bộ chia sẻ, họ có con em đang học ở TP. Hồ Chí Minh. Tuổi vị thành niên rất dễ sa ngã nếu không có người thân bên cạnh kèm cặp, quản lý. Bởi vậy chúng tôi có suy nghĩ, trước đây có kiều bào ở Đức đã làm mô hình nhà ở giúp cho một số sinh viên ở Hà Nội vậy tại sao chúng tôi không dựa trên mô hình đó để lo chỗ ở cho con em cán bộ, chiến sỹ. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Bộ Tư lệnh Hải quân vào tháng 11 vừa qua. Theo đó, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện một số chương trình thuê những căn hộ ở TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ cho con em cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa đang học tập ở thành phố này. Con em cán bộ, chiến sỹ ở đây sẽ được ở miễn phí, sẽ có người quản lý, đảm bảo có môi trường tốt nhất để học tập. Trong năm 2016 này chúng tôi sẽ triển khai dự án. Hy vọng, cán bộ, chiến sỹ công tác ngoài đảo cũng yên tâm phần nào với con em của mình.

Ông Trần Hải Linh (áo sẫm ở giữa) tặng quà cho chiến sỹ đảo Song Tử Tây.

Quả là những việc làm thiết thực đối với Trường Sa thân yêu, nhưng thưa ông, điều mà nhiều người băn khoăn đó là, chúng ta có rất nhiều công dân Việt là những “đại sứ” ở nước ngoài, chính họ sẽ là những người “tự giới thiệu” về đất nước mình nhiều nhất...

- Đó là điều chúng tôi canh cánh trong lòng. Chúng ta có ấn phẩm tuyên truyền bằng tiếng Việt, một số nhỏ bằng tiếng Anh, nhưng thực ra lượng truyền tải trên truyền thông quốc tế không nhiều. Vậy làm sao để bạn bè quốc tế hiểu hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, biết được Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta có lực lượng đông đảo Việt kiều là tri thức ở nước ngoài, trong đó rất nhiều người là tổng biên tập, phó tổng biên tập ở nhiều tạp chí có thể đăng tải được về vấn đề chủ quyền biển đảo, tại sao chúng ta không làm điều này.
Ở Hàn Quốc, năm qua, chúng tôi đã phối hợp với Đại sứ quán của Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như phối hợp với các tổ chức khác tại Hàn Quốc tổ chức mời dòng họ Lý Hoa Sơn, tổ chức các buổi triển lãm tranh, hay tổ chức các hoạt động của cộng đồng…để tuyên truyền đúng luật đến bạn bè Hàn Quốc về chủ quyền biển đảo. Thông qua đó, bạn bè quốc tế cũng như người Việt Nam ta sẽ hiểu rõ vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Thưa ông, nghe những ý tưởng của ông rất hay nhưng thực hiện không dễ, bởi ngoài sự nhiệt tình, tự nguyện cũng phải có kinh phí để thực hiện?

- Trong những hoạt động cộng đồng, chúng tôi có những phương pháp hoạt động khác nhau. Chẳng hạn qua lễ hội những ngày văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức vào cuối tháng 8 và 2/9, chúng tôi đã huy động được ngay tại chỗ 10 nghìn USD, đã có một số tiền nhỏ thực hiện những bước đi ban đầu cho quỹ “Vì chủ quyền biển đảo của Việt Nam” và thực hiện dự án thuê nhà ở miễn phí cho con em cán bộ, chiến sỹ.

Thưa ông, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc có ý tưởng kết nối các nước có người Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền về chủ quyền biển đảo không?

- Sau chuyến thăm Trường Sa, chúng tôi có thành lập một ban liên lạc giữa đại diện các nước bao gồm một số nước ở Úc, Mỹ, Pháp, Nga, một số các nước khác nữa. Hy vọng Hàn Quốc là hạt nhân đầu tiên, sau đó sẽ có những hoạt động tiếp. Theo đó, sẽ huy động được mạnh mẽ hơn đến cộng đồng người Việt Nam ở các nước khác. Ngoài những vị đại diện như vậy, các Ủy viên TƯ MTTQ Việt Nam ở nước ngoài sẽ là nhân tố đóng góp quan trọng để hỗ trợ mạnh mẽ thêm, liên kết chặt chẽ hơn nữa đối với vấn đề chủ quyền biển đảo.

Cảm xúc của ông sau một năm trở thành Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, điều này có giúp ích gì cho ông trong việc đưa chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tới kiều bào?

- Có thể nói, MTTQ Việt Nam đã đang và sẽ làm cầu nối truyền tải thông tin đến cộng đồng người Việt Nam trên thế giới cũng như tại Hàn Quốc. Tôi thực sự vinh dự trở thành Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. Chúng tôi hy vọng thông qua những cuộc trao đổi giữa MTTQ với cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, Mặt trận cũng hiểu hơn kiều bào, từ đó có đề nghị sự phối hợp của các cơ quan hữu quan khác để làm sao cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục có những đóng góp thiết thực, mạnh mẽ hơn đối với sự phát triển của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe tiếng gọi của Tổ quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO