Có tới 7/8 bến xe của tỉnh Hà Tĩnh đầu tư bạc tỷ để rồi hoạt động thưa thớt cầm chừng, “đắp chiếu”, hoặc để làm... sân phơi thóc. Chỉ cần một nửa số bến xe hoạt động không hiệu quả đã là sự lãng phí lớn, đằng này lại là con số gần như “tuyệt đối” khiến dư luận không thể hiểu nổi. Trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị nào?
Chỉ có duy nhất một bến xe trung tâm TP Hà Tĩnh thuộc quyền quản lý trực tiếp của Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh có vẻ làm ăn “khấm khá” hơn cả. Còn lại 7 bến xe tuyến huyện đặt dưới sự quản lý của BQL bến xe khách Hà Tĩnh đều hoạt động kém hiệu quả, cầm chừng, có bến xe để cỏ mọc um tùm...
Đáng nói, trong khi hàng loạt bến xe đang khai thác không hiệu quả, năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh lại tiếp tục cho xây dựng bến xe huyện Cẩm Xuyên với tổng mức đầu tư tới gần 30 tỷ đồng. Sau khi xây dựng xong, thay vì đấu nối với quốc lộ để khai thác, dự án này bị dừng lại và để hoang hóa, nhiều hạng mục phơi mưa nắng xuống cấp nghiêm trọng.
Vì sao có câu chuyện lãng phí nguồn lực như vậy và ai là người phải chịu trách nhiệm? Cho đến nay, chưa có bất cứ cơ quan nào thực sự vào cuộc để làm rõ trắng đen.
Câu chuyện ở đây không phải người ta không biết có tới 7/8 bến xe của tỉnh Hà Tĩnh đang hoạt động cầm chừng, hoặc đóng cửa không hoạt động. Vấn đề ở chỗ không ai muốn là người đầu tiên nói ra một cách rõ ràng rằng, đây là sự lãng phí nguồn lực vô cùng lớn đối với một tỉnh và sẽ quy trách nhiệm cho ai.
Tất nhiên, khi có ai đó chỉ ra rằng, việc có rất nhiều bến xe đầu tư bạc tỷ xong đắp chiếu, hoạt động không hiệu quả, để cỏ mọc xanh um, làm nơi tập kết rác thải, làm sân phơi thóc của bà con... thì sẽ phải mổ xẻ câu chuyện vì sao lại để xảy ra sự lãng phí lớn như vậy. Theo đó sẽ phải làm rõ vai trò từng cá nhân, đơn vị có liên quan.
Và dĩ nhiên tới lúc này sẽ phải động chạm, sẽ phải “mất anh, mất em” vì sự thật, vì chân lý. Thử hỏi có ai lại muốn tự nhiên, bỗng dưng mất đi những mối quan hệ tốt, thân tình, thậm chí là chỗ dựa, nâng đỡ cho sự thăng tiến của họ hay không? Chắc chắn là chẳng ai muốn điều đó xảy ra rồi, chưa kể không khéo nói nhiều còn mang vạ.
Đó chính là lý do mà người ta cứ vô tư coi như không nhìn thấy, không nghe thấy để không biết là có cả “núi tiền” đã bỏ ra đầu tư xây dựng các bến xe để rồi... chẳng làm gì cả. Họ không biết xót ruột, không biết tiếc của, bởi tiền bạc vung qua cửa sổ đó đâu phải từ túi của họ, họ đâu có thiệt hại gì mà phải đấu tranh?
Chỉ có người dân là đau lòng, bởi mỗi đồng ngân sách bị phung phí thì trong đó cũng có mồ hôi, nước mắt do họ một nắng hai sương góp nhặt mà thành. Trong khi đó, Hà Tĩnh dẫu đã vượt qua khó khăn nhưng cũng chưa phải là tình giàu; nhiều công trình phúc lợi công cộng, an sinh xã hội còn đang chờ được rót vốn.
Trở lại câu chuyện bến xe, nếu bến xe nào có thể duy trì và đảm bảo khai thác hiệu quả thì đầu tư, nâng cấp để tự nó có thể “trở mình”. Còn bến xe nào không cần thiết thì cũng nên biết dứt bỏ, thu hồi những gì còn sót lại, thu hồi quỹ đất để phục vụ mục đích khác có ích hơn. Đừng để lãng phí thêm nguồn lực như vậy.
Khi chỉ ra sự lãng phí ngân sách, các cá nhân và tập thể có liên quan chắc chắn ai đó sẽ đổ lỗi cho khách quan, rằng bối cảnh lúc đó như vậy, rằng là thế A, là thế B... Đổ lỗi cho khách quan thì quá dễ, dám nhận trách nhiệm, dám sửa chữa thì khó gấp vạn lần.
Song, dư luận cho rằng, cần phải có ai đó, đơn vị nào đó chịu trách nhiệm cho sự lãng phí nguồn lực trong câu chuyện 7/8 bến xe đầu tư hàng chục tỷ đồng để rồi bỏ không lãng phí, hoặc thưa thớt vài đầu xe. Có vậy mới không còn tái diễn việc sử dụng ngân sách một cách… vô tư.