Ngày 2/7, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, Quảng Ngãi vẫn là tỉnh khó khăn, tỉnh nghèo, thu nhập của người dân còn thấp. Do đó, cần phải trân trọng từng đồng vốn đầu tư, bởi giá trị những đồng vốn này mang lại cho người dân của một địa phương còn khó khăn là rất đáng quý. Ý kiến của Thủ tướng không chỉ riêng đối với tỉnh Quảng Ngãi hoặc một địa phương nào, mà đó chính là quan điểm của Đảng, Nhà nước về đầu tư phát triển, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trân trọng từng đồng vốn đầu tư trong hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đó chính là quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với nhiều chỉ thị, quyết định, ngày 13/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 217/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018. Trong đó nêu rõ phải thực hành tiết kiệm trong tất cả các lĩnh vực, tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước, rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả, cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả…
Ngày 21/2/2019, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ra Quyết định số 213/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019. Mục tiêu là tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa công tác này vào thực chất với những kết quả cụ thể; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần tăng cường nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Quyết định nêu rõ, phải xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và phải được thực hiện đồng bộ, toàn diện, gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực. Đáng chú ý, Quyết định nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với các hoạt động phòng chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Công việc này phải phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi với sự tham gia của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Cũng cần nhắc lại, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, nhưng lãng phí vẫn được coi là một căn bệnh khó chữa. Trước không ít vụ lãng phí ngân sách, lãng phí của công, dư luận cho rằng cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt với vi phạm. Cùng với tham nhũng, lãng phí gây hậu họa rất lớn, làm thất thoát tiền của Nhà nước, thâm thủng ngân sách, xói mòn niềm tin của nhân dân. Lãng phí biểu hiện trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên thấy rất rõ ở những công trình, dự án tiêu tốn ngân sách hơn giá trị thực vốn có. Việc đội vốn các công trình từ ngân sách không chỉ đến từ tham nhũng, đục khoét mà còn từ lãng phí. Lãng phí ngân sách đầu tư, lãng phí sức người, lãng phí thời gian… tổng hợp lại đó sẽ là sự lãng phí rất lớn. Khi Thủ tướng lưu ý, phải biết trân trọng từng đồng vốn đầu tư cũng là một lần nữa cảnh báo để các đơn vị, địa phương soi lại mình.
Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 2/2019) thì phải xem lại những “góc khuất” của một số dự án đầu tư công kém hiệu quả. Bà Nga đã từng băn khoăn về đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi tuyến này thông xe ngày 2/9/2018, với mức vốn đầu tư tới 34.500 tỷ đồng nhưng xuống cấp rất nhanh. Vì sao chất lượng các dự án đầu tư của tư nhân, của các tập đoàn lớn chất lượng khá tốt nhưng chất lượng các dự án đầu tư công “rất có vấn đề”, nhất là các đường giao thông- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi.
Nhìn chung, các dự án đội vốn, “đắp chiếu” ở khía cạnh nào đó chính là sự lãng phí. Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn thì việc chống lãng phí, triệt để tiết kiệm càng phải được đề cao, phải “bắt tận tay, day tận trán” những vụ lãng phí để xử lý thật nghiêm. Cùng với việc nêu cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí của từng cá nhân, đơn vị thì trách nhiệm pháp lý phải được gắn với từng chủ thể từ khâu thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án. Chỉ có như vậy mới hạn chế được sự đầu tư dàn trải, lãng phí để từng đồng vốn chắt chiu thực sự hữu ích, thực sự vì nước, vì dân.