Làng quê bay bổng điệu chèo

Trần Duy Hưng 30/01/2021 14:00

Tại lễ kỷ niệm, thay bằng việc lãnh đạo nhà trường lên đọc bài diễn văn dài, ôn lại lịch sử, truyền thống của trường như thường thấy, ban tổ chức lại “nhường” việc này cho các nghệ sỹ chèo ở địa phương.

Mới đây, tôi được tham dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đại học Thái Bình. Lễ kỷ niệm ngày thành lập một trường đại học về kinh tế-kỹ thuật thì có gì liên quan đến nghệ thuật chèo? Đúng là chẳng có gì liên quan. Chỉ là, hôm ấy, tại lễ kỷ niệm, thay bằng việc lãnh đạo nhà trường lên đọc bài diễn văn dài, ôn lại lịch sử, truyền thống của trường như thường thấy, ban tổ chức lại “nhường” việc này cho các nghệ sỹ chèo ở địa phương. Nghĩa là toàn bộ lịch sử, truyền thống, thành tích, định hướng phát triển của nhà trường được các nghệ sỹ giới thiệu, chuyển tải tới khách mời bằng…các làn điệu chèo. Thật ấn tượng!

Không chỉ có lần đó, nhiều năm qua, mỗi lần tham dự một hội nghị hay một sự kiện nào do các cơ quan, địa phương ở tỉnh Thái Bình tổ chức, trong phần văn nghệ chúng tôi cũng thường được nghe hát chèo. Nhớ lần dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở thôn Thượng Phúc (xã Quang Trung, huyện Kiến Xương), tôi “ngây ngất” khi hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình không phải ở trong phim ảnh, sách báo mà hiện diện ngay trước mắt. Ở đó, dân làng “trải” một chiếu chèo, rồi người trống, người đàn, người nhị, người sáo, người hát… nhịp nhàng, nhuần nhị, thiết tha, bay bổng. Một người ở Thái Bình vì tự hào về nghệ thuật hát chèo quê mình đã nói với tôi rằng: “Ở Thái Bình, hay ở chỗ, nghe nghệ sỹ Huyền Phin và một chị nông dân ở mạn biển Thái Thụy, Tiền Hải hát chèo thì hay cũng như nhau”. Hôm ở làng Thượng Phúc tôi có cảm giác đúng là như vậy!

Lần khác, nhóm đồng nghiệp chúng tôi ngồi ăn cơm ở hàng ăn tại TP Thái Bình. Bữa cơm ấy sẽ giống như nhiều bữa cơm khác nếu như không một anh trung niên người Thái Bình xuất hiện. Chuyện trò loanh quanh thế nào lại nhắc đến chèo. Như chỉ chờ có vậy, anh buông đũa, rút điện thoại ra, bấm bấm, vuốt vuốt, nhạc đệm bài hát chèo “Thái Bình quê lúa” theo điệu “Luyện năm cung” của soạn giả Bùi Văn Nhân cất lên. Và, anh cất giọng: “Đường về quê lúa hôm nay/Nghe lòng xao xuyến xốn xang bồi hồi/Thái Bình đã tự bao đời/Quê hương em đó là nôi hát chèo…”. Nghe hết bài, cả bàn xốn xang, ngây ngất! Rồi nữa, cách nay mấy năm, theo đoàn công tác của mấy tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh Thái Bình ra công tác ngoài Quần đảo Trường Sa, tôi thấy thành phần đoàn tỉnh Thái Bình có cả các nghệ sỹ chèo địa phương. Đến đảo nào ở Trường Sa, đoàn tỉnh Thái Bình cũng mời cán bộ, chiến sỹ con em quê hương đang công tác tại đảo ra riêng một chỗ. Rồi, dưới tán cây phong ba, giữa biển trời Trường Sa, những người Thái Bình cùng…hát chèo cho nhau nghe.

Kể lại mấy kỷ niệm trên là muốn nói, ngày nay trong thời đại hội nhập, công nghệ, kết nối, người Việt có rất nhiều lựa chọn để giải trí, để thưởng thức văn hóa, nghệ thuật, đông tây kim cổ nhưng chỉ nhìn từ tỉnh Thái Bình cũng thấy nghệ thuật chèo truyền thống của chúng ta vẫn có chỗ đứng riêng, vững chắc, đầy sức sống, lan tỏa. Cũng phải thôi, nói đến chèo là nói đến nghệ thuật của quần chúng, loại hình sân khấu của hội hè, làng quê; là tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật văn thơ, hát múa, vừa trữ tình, lãng mạn vừa anh hùng, đậm chất sử thi. Qua đó, chèo chứa đựng, phản ánh đầy đủ tâm hồn người Việt: lạc quan, nhân ái, bình dị, tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc. Trung Quốc tự hào có Kinh kịch, Nhật Bản tự hào có kịch nô, Việt Nam tự hào có nghệ thuật chèo. Dù thăng trầm, có lúc mai một nhưng nghệ thuật chèo vẫn như suối nguồn chảy mãi. Không chỉ gói gọn trong không gian lễ hội, cây đa, bến nước, sân đình, như đã thấy, chèo giờ đây còn bay bổng ở các hội nghị, sự kiện, ở đảo xa hay đơn giản là trong một cuộc gặp mặt. Nhờ công nghệ, nhờ mạng xã hội, giờ đây con em Thái Bình ở năm châu, bốn bể cũng có thể nghe được tiếng trống chèo quê mình văng vẳng, nghe, xem được người quê mình đang Luyện năm cung, Đường trường duyên phận, Lới lơ với Vãn cầm, Vãn theo…

Có dịp về làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo mới hay người dân ở đây yêu chèo đến thế nào và đang quyết tâm gìn giữ nghệ thuật cha ông trao chuyền ra sao? Theo đó, trẻ em trong làng rảnh rỗi lại ra đình làng, cũng là nhà thờ Tổ chèo của làng để được các nghệ nhân của làng dạy hát chèo. Vào những ngày Tết, cả làng rộn ràng trống chèo, cung đàn, nhịp phách. Nhiều dự án bảo tồn, phát huy nghệ thuật chèo như như án phát triển “Sân khấu học đường”, xây dựng quỹ “Hỗ trợ xây dựng điểm du lịch chiếu chèo làng Khuốc”…cũng đã và đang được tỉnh Thái Bình triển khai tại đây, với tinh thần như chính câu nói cửa miệng của người dân địa phương: “Bao giờ Thái Bình hết lúa thì người Thái Bình mới thôi hát chèo”.

Nhớ năm 2015, báo chí hồ hởi loan tin: 20 nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam, do NSƯT Thanh Ngoan dẫn đầu, mang theo vở chèo kinh điển “Quan âm Thị Kính”, vượt nửa vòng trái đất để đến Mỹ, trình diễn ở những nơi tập trung trí tuệ, tinh hoa của nhân loại như Đại học Harvard, Đại học MIT. Theo báo chí khi ấy, người kết nối, đưa nghệ thuật chèo truyền thống của Việt Nam sang Mỹ giới thiệu, trình diễn là ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng biên tập báo Vietnamnet, thời điểm đó là Giám đốc Diễn đàn toàn cầu Boston. Và, trong khoảng thời gian 2 tuần, ngoài biểu diễn, đoàn còn có buổi nói chuyện tại Harvard Faculty Club với chủ đề “Chèo-Hòa bình và nhân ái”, người nghe là các giáo sư danh tiếng của Đại học Harvard, các chuyên gia về âm nhạc của Nhạc viện New England Conservatory, giới nghệ sỹ sở tại, nhận được sự tán thưởng, đánh giá cao của giới tinh hoa nghệ thuật thế giới, trong đó, Giáo sư, nhạc sỹ Larry Bell của Nhạc viện New England Conservatory bày tỏ mong muốn được thử nghiệm đưa chèo vào tác phẩm của mình…

Chợt nghĩ, trong thời hội nhập toàn cầu ngày nay, người Việt Nam sẽ đi ra thế giới ngày một nhiều. Ngoài sự tin tưởng, tinh thần hợp tác, khát vọng hội nhập, học hỏi, chúng ta có gì thêm để mang theo? Thật tự hào là chúng ta có chiều dài lịch sử, bề dày văn hóa hàng nghìn năm. Chỉ riêng nghệ thuật chúng ta đã có chèo, có tuồng, có quan họ, có rối nước, có hát xoan, có ví dặm, có nhã nhạc cung đình Huế, có đờn ca tài tử, có áo dài và còn nhiều hơn thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng quê bay bổng điệu chèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO