Lạng Sơn: Hỗ trợ sai hơn 40 tỷ đồng, ai chịu trách nhiệm?

Đức Sơn 14/04/2017 08:00

Ưu ái hỗ trợ vượt quy định số tiền hơn 47 tỷ đồng cho doanh nghiệp xây dựng, vận hành nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao, nhưng khi sự việc bị phát hiện, truy trách nhiệm thì không thấy ngành chức năng có thẩm quyền nào của tỉnh Lạng Sơn đứng ra chịu trách nhiệm.

Ảnh minh họa.

Hỗ trợ vượt quy định số tiền “khủng”

Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Bộ, trong đó diện tích đất nông nghiệp có rừng là hơn 277 nghìn ha và trữ lượng gỗ rất lớn.

Để góp phần phát triển kinh tế rừng và tiêu thụ các sản phẩm gỗ rừng, năm 2014, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sao Bắc Việt (Công ty Sao Bắc Việt) đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao tại thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng.

Theo đó, mục tiêu của Dự án là sản xuất ván MDF phủ phim kết hợp sản xuất ván dán cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Quy mô Dự án nhà máy chế biến gỗ công suất 140.000m3/năm với tổng số vốn đầu tư lên tới 564 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 9/7/2015, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1165/QĐ-UBND hỗ trợ cho Công ty Sao Bắc Việt thực hiện Dự án nhà máy chế biến gỗ từ nguồn ngân sách trung ương số tiền 86 tỷ 543 triệu đồng.

Từ tháng 11/2015, nhà máy chế biến gỗ bắt đầu chạy thử với công suất 60.000m3/năm và chính thức có hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 3/2016 đến nay công suất đạt 130.000 m3/năm.

Theo thống kê, đến nay, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ cho Công ty Sao Bắc Việt số tiền là 60 tỷ 623 triệu đồng (hỗ trợ đầu tư 20 tỷ đồng, hỗ trợ vận chuyển 40 tỷ 623 triệu đồng).

Phát hiện sự bất thường, Bộ Tài chính đã vào cuộc kiểm tra và xác định việc tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ tiền cho Công ty Sao Bắc Việt chưa đúng quy định và vượt mức so với quy định.

Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, Bộ Tài chính kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh xem xét điều chỉnh quyết định hỗ trợ cho Công ty Sao Bắc Việt cho đúng quy định.

Có giải pháp quyết liệt đảm bảo công suất hoạt động của nhà máy chế biến gỗ theo đúng giấy chứng nhận đầu tư và mức hỗ trợ được UBND tỉnh được phê duyệt.

Đồng thời, thu hồi ngân sách nhà nước kinh phí đã hỗ trợ trong trường hợp sản phẩm tiêu thụ thực tế hàng năm không đạt công suất thiết kế và mức hỗ trợ đã được UBND tỉnh quyết định theo đúng quy định.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị, Sở NN&PTNT Lạng Sơn chủ trì nghiệm thu và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định đối với việc hỗ trợ kinh phí đầu tư, chi phí vận chuyển tiêu thụ sản phẩm cho Công ty Sao Bắc Việt đối với nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, tổng số tiền ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ vượt quy định cho Công ty Sao Bắc Việt là hơn 47 tỷ đồng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo báo cáo của Sở Tài chính Lạng Sơn, việc hỗ trợ đầu tư cho Công ty Sao Bắc Việt được thực hiện theo quy định. Đối với hỗ trợ vận chuyển, theo Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 7/5/2015 của UBND tỉnh Lạng Sơn, doanh nghiệp được hỗ trợ vận chuyển sản phẩm là 60.000m3.

Tuy nhiên, năm 2016, doanh nghiệp đã tự nâng công suất sản xuất là 130.000 m3 nhưng chưa được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh mức hỗ trợ theo công suất nghiệm thu thực tế.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở NN&PTNT tạm xác định mức hỗ trợ vận chuyển sản phẩm theo công thức nghiệm thu thực tế là 40 tỷ 623 triệu đồng.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Phúc Đạt- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết, đến thời điểm kiểm tra, tổng kinh phí Công ty Sao Bắc Việt đã được nhà nước hỗ trợ 73 tỷ 623 triệu đồng trên tổng số kinh phí được phê duyệt tại Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 9/7/2015 của UBND tỉnh Lạng Sơn là 86 tỷ 543 triệu đồng.

“Qua kiểm tra thực tế tại nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao Lạng Sơn, nhận thấy nhà máy này chỉ sản xuất một loại thành phẩm là ván dán, chưa bổ sung dây truyền sản xuất gỗ MDF theo giấy chứng nhận đầu tư.

Vì vậy, theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ thì nhà máy hiện chưa đủ điều kiện để hỗ trợ đầu tư...” - ông Đạt khẳng định.

Cũng theo ông Đạt, tuy nhiên theo quy định tại Điều 14 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì sản phẩm ván dán của nhà máy đủ điều kiện để nhận hỗ trợ đầu tư, mức hỗ trợ đầu tư là 10 tỷ đồng/nhà máy sẽ thấp hơn giá trị đã được phê duyệt tại Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 9/7/2015 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, Công ty Sao Bắc Việt đã được hỗ trợ 20 tỷ đồng, vượt 10 tỷ đồng.

Nói về thực trạng hỗ trợ vận chuyển sản phẩm của Công ty Sao Bắc Việt, ông Đạt cho biết, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ thì nhà máy hiện chưa đủ điều kiện để hỗ trợ đầu tư do đó cũng chưa đủ điều kiện để hỗ trợ vận chuyển.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 14 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì sản phẩm ván dán của nhà máy đủ điều kiện để nhận hỗ trợ đầu tư nên đủ điều kiện để hỗ trợ vận chuyển.

Hiện Công ty Sao Bắc Việt đã được hỗ trợ 43 tỷ 623 triệu đồng (chưa kể đã cấp phát 10 tỷ đồng năm 2017 nhưng chưa giải ngân).

“Mức hỗ trợ theo thực tế hợp đồng vận chuyển (60.000m3) thì Công ty Sao Bắc Việt chỉ được nhận hỗ trợ là 6 tỷ 143 triệu đồng. Công ty đã nhận hỗ trợ vượt quy định theo Thông tư số 30/2015/TT-BTC ngày 9/3/2015 của Bộ Tài chính là 37 tỷ 480 triệu đồng...” - ông Đạt xác nhận.

Nói về trách nhiệm của các bên liên quan đến việc hỗ trợ sai quy định cho Công ty Sao Bắc Việt, ông Nguyễn Phúc Đạt- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho hay, hỗ trợ tiền cho Công ty Sao Bắc Việt quy trình nhiều, chủ trì về tiền thì Sở Tài chính, Sở NN&PTNT chỉ đi thẩm định điều kiện đầu vào, Sở lập biên bản nghiệm thu. “Lỗi do văn bản không quy định rõ ràng, cụ thể…” - ông Đạt nhấn mạnh.

Sai phạm đã rõ, còn ngành chức năng thì lại đổ lỗi cho các văn bản quy định không rõ ràng và cũng chưa rõ cơ quan, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về sai phạm nêu trên.

Dư luận địa phương cũng đặt dấu hỏi, nếu việc hỗ trợ sai cho doanh nghiệp với số tiền khủng như vậy mà không bị “phát lộ” thì hậu quả sẽ ra sao…?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạng Sơn: Hỗ trợ sai hơn 40 tỷ đồng, ai chịu trách nhiệm?