Một phụ huynh chủ trang facebook Hoàng Minh Huyền trìu mến đặt cho bác sĩ Trần Văn Bàn, BS CK I, Đơn nguyên cấp cứu nội nhi, Khoa Cấp cứu nội nhi, BV Xanh Pôn, Hà Nội là: “Soái Ca của các nhi đồng ký truyện”.
BS Trần Văn Bàn trong một ca trực tại BV Xanh Pôn.
“…Ôi thật bất ngờ. Bác sĩ nhi hôm nay cũng ốm. Dũng sĩ diệt mầm bệnh cũng ốm. Bác sĩ “đáng sợ” trong mắt trẻ con, trong truyền thuyết cũng ốm! Một tay truyền nước một tay khám cho bệnh nhi. Vẫn chuyên nghiệp, vẫn nghiêm túc cũng không quên phần hóm hỉnh. Con em đang há mồm to thấy bác sĩ cái là gào thét rồi nước mắt lã chã. Ấy vậy dù ốm đến thế bác vẫn nhẹ nhàng dỗ con em để khám. Các chị ạ, bình thường có nhiều người nói toàn gặp cảnh bác sĩ mắng xơi xơi, mặt nặng như chì với bệnh nhân... Đấy là lúc khỏe mạnh nhé, còn đây… Em được thực nghiệm luôn. Hoàn toàn trái ngược…” - Những dòng tâm sự của chị Huyền đã đưa tôi đến gặp anh.
Mải khám cho các bé, chỉ đến khi thấy ánh đèn flash máy ảnh, BS Trần Văn Bàn mới hay sự có mặt của tôi. Anh chỉ kịp nở một nụ cười rồi lại vội chuyên tâm vào công việc thường ngày của mình bên những người bệnh nhân nhí đang xếp hàng đông nghịt. Thấy vậy, chúng tôi ý tứ ngồi chờ. Khi tôi đưa hình ảnh anh rê cọc truyền theo mình đến bàn khám cho các bé mà một phụ huynh vừa chụp đưa lên facebook anh bảo, đúng là tôi. “Hôm ấy là ngày 9/3, tôi bị cảm cúm, sốt cao rất khó chịu nhưng vẫn cố gắng đi làm được. Ca trực thiếu người…”- Anh bắt đầu câu chuyện khi việc đã vãn. “Chuyện này thường thôi, các anh quan tâm làm gì…”.
“Chuyện này thường thôi…”. Anh bảo vậy nhưng lại được Ban giám đốc BV nhắc đến tại cuộc giao ban cơ quan sáng 10/3 vừa qua, để động viên khích lệ toàn cơ quan. Đến lúc đó anh mới biết mình đã nằm trong “tầm ngắm” của một phụ huynh.
“Anh nghĩ gì mà mặc dù đang phải truyền nước cho chính mình vẫn gắng gượng ngồi dậy đón tiếp bệnh nhân?”. Nghe tôi hỏi vậy, anh nói: “Khi ấy có đứa trẻ mới 55 ngày tuổi được mẹ hớt hải mang vào đây trong tình trạng tím tái da thịt vì suy hô hấp. Cháu sinh non khi 34 tháng tuổi, được nuôi dưỡng 53 ngày bên BV Phụ sản Trung ương rồi chuyển vào đây. Tôi không có cách nào khác là phải làm như vậy, để cứu cháu”.
Rồi tiếp đến con chị Huyền, 16 tháng tuổi cũng bị viêm đường hô hấp cùng nhiều cháu khác bị đi ngoài, sốt cao cứ ồ ạt kéo vào. Người bác sĩ cứ phải tranh thủ lúc nằm, lúc ngồi cứu giúp bệnh nhân…
Đến đây, tôi chợt nhớ tới một trường hợp khác cũng lặng thầm nơi ấy… Đó là điều dưỡng Phạm Thị Hạnh- Khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa Đống Đa, Hà Nội. Chị đã không ngần ngại hút mũi dãi một cháu bé đang khò khè khó thở, da thịt tím tái sau nhiều ngày dính dịch sởi, vào đây hồi cuối năm 2014, đầu năm 2015 vừa qua. Nếu đợi mang được máy thở đến cho cháu dùng thì chưa chắc bé có thể được cứu sống đến ngày hôm nay, các bác sĩ chứng kiến sự việc hôm ấy cho biết như vậy.
Những câu chuyện tưởng chừng hết sức bình dị mà sao mỗi khi nhớ đến tôi lại thấy rưng rưng. “Người ốm ta khám cho người, ta ốm ai khám cho ta?” - Những dòng tự sự của chị Hoàng Minh Huyền trong bài viết nói trên nói hộ lòng bác sĩ cứ đọng lại trong tôi.