Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, ở Thành phố Hồ Chí Minh công việc của hàng trăm công nhân thu gom rác thải tưởng như không có gì khác so với bình thường nhưng ẩn sau đó là những nguy hiểm, nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là tại các khu vực bị phong tỏa, khu vực cách ly hay thậm chí là bệnh viện có bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị.
Anh Nguyễn Văn Phong, công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM, đơn vị đảm nhiệm việc thu gom rác thải sinh hoạt, y tế ở khu vực quận Gò Vấp cho biết: “Chúng tôi có nhiệm vụ thu gom rác ở các địa điểm đã định sẵn mà công nhân trước đó gom từ hộ dân, khu phố về sau đó đưa lên xe tải rồi đem về bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) để đốt tiêu hủy. Nói thì đơn giản nhưng đó là ngày thường, còn thời gian dịch bệnh này chúng tôi phải cẩn thận hơn, xử lý nhiều công đoạn. Những thùng rác đều được quấn bằng bao ni-lông chuyên dụng, dán chặt toàn thùng cũng như trước và sau khi tới vào bãi đều phun khử khuẩn người, xe tải. Khu vực quận Gò Vấp hiện có mấy chục điểm dân cư bị phong tỏa nên rác thải ở những nơi đó có khả năng lây nhiễm rất cao”.
Cũng theo anh Phong, toàn bộ rác thải y tế lẫn sinh hoạt ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đều được xử lý bằng cách nung ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C. Đây là nhiệt độ có thể tiêu hủy hoàn toàn những sự sống của sinh vật, bất kể là loại virus nào. Tuy nhiên, để đưa những cụm rác thải từ từng hộ gia đình tới lò tiêu hủy lại là vấn đề nan giải.
Trước khi tới các địa điểm tập kết rác thải này, những loại rác sinh hoạt, rác y tế ở nhiều địa điểm bị cách ly, phong tỏa ở TP HCM được những công nhân khác tới từng hộ dân lấy. Họ thường sử dụng những chiếc ghe ba gác cũ để tiết kiệm chi phí và có thể luồn lách vào những tuyến đường hẻm nhỏ, bớt công sức.
Anh Trần Văn Đăng- 36 tuổi, làm việc ở quận Gò Vấp cho biết, từ hồi dịch bệnh bùng phát và nhiều địa điểm bị phong tỏa, cách ly thì công việc của anh cũng bị ảnh hưởng nhiều. “Có nhiều hẻm bị phong tỏa, mình không vào được và người dân cũng không ra được. Thế nhưng rác thải vẫn phải được vận chuyển đi vì trong thời gian 15 ngày không thể chất đống rác được. Những khu vực đó, hầu hết cư dân đều có ý thức. Chúng tôi đặt các thùng lớn loại hơn 200 lít ở ranh giới phong tỏa với bao ni-lông sẵn. Rác được người dân bọc trong túi và ném vào đó. Trước khi đưa lên xe, chúng tôi gói lại cẩn thận, dán băng keo mới vận chuyển. Ngoài ra, xe cũng được phun thuốc khử khuẩn”, anh Đăng kể.
Hàng ngày, anh đều chạy xe tới các hộ dân và một số địa điểm bị phong tỏa để lấy rác, đưa tới khu tập trung. Công việc này cũng khiến anh không khỏi lo lắng, nhất là những địa điểm bị phong tỏa, cách ly bởi đó rõ ràng là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
“Từ hồi dịch bùng phát, vợ chồng mình phải gửi 2 con về dưới quê Củ Chi ở cùng ông bà ngoại vì sợ “có chuyện gì” thì các con cũng không sao. Khi nào dịch qua đi thì đưa 2 đứa nhỏ về cũng được. Thời gian này hàng ngày chỉ gọi điện chứ không dám về thăm con nữa”, anh Đăng tâm sự.
Dù mỗi người một công việc và đã quen với chọn lựa của mình nhưng những ngày này công nhân gom rác ở những địa điểm nguy hiểm cũng thấy chạnh lòng. Nhiều người cho biết họ bị người thân, bạn bè và hàng xóm “nhìn bằng ánh mắt khác” khi biết họ tới thu gom rác thải tại các khu vực phong tỏa, cách ly….
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại TP HCM, công ty chia làm 3 ca để làm việc vì số lượng các khu phong tỏa, cách ly, các bệnh viện tăng số lượng rác thải. Ngoài ra, công ty cũng trang bị nhiều bộ đồ bảo vệ, thiết bị an toàn cũng như những khuyến cáo từ đội ngũ y tế để đảm bảo công nhân được an toàn khi làm việc.
Ông Nhựt cũng cho biết, nhận thấy công việc vất vả, thầm lặng và những đóng góp của các công nhân vệ sinh môi trường, đã có nơi tặng quà, động viên họ. Mới rồi, lãnh đạo một tổng công ty đã tới thăm hỏi, trao tặng 71.500.000 đồng cho tập thể công nhân Đội Xử lý và tái chế chất thải công nghiệp nguy hại Đông Thạnh và Đội xe máy - thu gom, vận chuyển chất thải y tế.
Đây là những người đang thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, khu cách ly, cách ly tập trung và bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP HCM. Một số doanh nghiệp khác đã tặng quần áo phòng hộ, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn… để giúp những công nhân có thêm công cụ bảo vệ mình trong công việc.
Với việc toàn thành phố thực hiện việc giãn cách và một số địa phương như quận Gò Vấp, một số phường Quận 12 phong tỏa thì nhiều hoạt động đã bị dừng lại. Thậm chí để chống dịch tốt hơn, 50% nhân viên công sở trên địa bàn làm việc tại nhà, hạn chế tối đa di chuyển và tụ tập đông người.
Thế nhưng, có một công việc ít người để ý là những công nhân thu gom rác thải thì không thể giảm bớt được, thậm chí là ngược lại. Do tính chất công việc, rác thải có nguy cơ lây nhiễm cần được xử lý càng nhanh càng tốt khiến họ phải căng mình làm việc nhiều hơn, vất vả hơn. Đến nay vẫn ít người để ý tới họ, thậm chí họ còn không được coi là một lực lượng chống dịch.
Rác thải là nơi dễ lây lan những loại bệnh tật, rác thải trong các khu vực có nguy cơ lây nhiễm còn nguy hại hơn. Thế nhưng, những công nhân ngày đêm làm việc thu gom rác lại chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Bởi họ không được coi là lực lượng “tuyến đầu” chống dịch như các y bác sỹ, cán bộ làm nhiệm vụ khác. Cũng chưa có công nhân nào bị phơi nhiễm virus này nhưng hàng ngày đôi tay họ phải trực tiếp nhặt từng chút rác, lại là rác trong khu cách ly thì ẩn họa không biết ra sao.