Chữ tín và cái tâm của người nông dân chính là lý do để Kawakami Mura trở thành ngôi làng giàu nhất nước Nhật...
Nhờ trồng rau xà lách mà làng KawakamiMura (Nhật Bản) trở nên giàu có (ảnh minh họa).
Minh Huyền thân mến!
Mình vừa được đi đến làng Kawakami Mura (Tokyo – Nhật Bản) qua facebook của bạn. Một cảm giác thật tuyệt vời. Đúng với tên gọi Làng thần kỳ bởi như bạn viết, chỉ nhờ trồng rau xà lách mà Kawakami Mura trở thành ngôi làng giàu có nhất nước Nhật Bản.
Mình thèm Huyền ạ, thèm được như người dân ở đấy, thưởng thức rau sạch ngay tại ruộng mà chẳng phải lăn tăn gì về thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng. Bạn bảo, mặc dù mỗi năm dân làng chỉ canh tác được 4 tháng, 8 tháng còn lại là băng giá, nhiệt độ xuống tới âm 20 độ C. Thế nhưng, thu nhập bình quân hộ gia đình tới 250.000 USD. Một con số đáng mơ ước của tất cả những người nông dân.
Đọc xong những dòng chia sẻ ấy, mình lại thấy ngậm ngùi cho những bữa cơm của người dân phố thị, khi rau bẩn, thịt bẩn, gạo bẩn…vẫn ngày ngày tràn ngập khắp chợ, qua mặt các nhà chức trách và đánh đố các bà nội trợ. Lên mạng nhan nhản những vụ bắt giữ thực phẩm bẩn. Như mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP HCM, cùng Trạm bảo vệ thực vật Củ Chi phát hiện nông dân ở xã Bình Mỹ sử dụng nhớt thải để tưới rau muống. Nghe đã thấy rùng mình!
Bạn thân mến!
Chắc bạn sẽ hỏi mình rằng cơ quan quản lý, các bộ, ngành ở đâu khi để thực phẩm bẩn hoành hành như vậy? Để mình nói bạn nghe, các bộ, ngành không đứng ngoài cuộc đâu. Bằng chứng là một mâm cơm có tới mấy Bộ tham gia bảo vệ sức khỏe cho người dân. Ở mỗi khâu đều do một bộ, ngành quản lý. Thế nhưng, khi xảy ra tình trạng rau bẩn, thịt tăng trọng, hoa quả ướp hoa chất vô tư nhập khẩu vào Việt Nam thì Bộ đẩy trách nhiệm sang bộ kia. Và cuối cùng là: Trách nhiệm chung của chúng ta.
Huyền ạ, nỗi lo thực phẩm bẩn càng nóng lên vào những ngày cận Tết này khi mà nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Lạ thay, cùng với sự kiểm tra “gắt gao” của ngành chức năng thì thực phẩm bẩn vẫn cứ như nấm mọc sau mưa. Có lẽ vì thế mà phong trào săn lùng các loại thực phẩm sạch vẫn âm thầm diễn ra, nhất là những ngày sát Tết Nguyên đán. Đến công sở, cứ rảnh ra là các cô, các chị lại bàn đến việc gửi người nọ, nhờ người kia ở quê mua thực phẩm sạch. Mình cũng không nằm ngoài câu chuyện đó. Mấy chị em hôm qua cũng rủ nhau “đụng” một con lợn sạch cho Tết này cậu ạ.
Chẳng biết bao giờ người Việt mình có những ngôi làng như vậy, Huyền nhỉ? Hỏi là vậy nhưng thực ra mình đã có câu trả lời khi đọc những dòng chia sẻ của bạn về việc canh tác nghiêm ngặt tại làng Kawakami Mura. Rằng, bất kể hóa chất nào dùng cho cây đều được đưa lên bàn cân đúng liều lượng sử dụng, hoặc thấp hơn; hay chuyện vị trưởng làng kêu gọi người dân canh tác rau theo tiêu chuẩn chung của làng, những người vi phạm sẽ bị cấm sản xuất…
Chữ tín và cái tâm của người nông dân chính là lý do để Kawakami Mura trở thành ngôi làng giàu nhất nước Nhật đúng không Huyền?