Về thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ấn tượng đầu tiên là những căn nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát. Những tuyến đường bê tông sạch sẽ, thông thoáng khác hẳn cảnh xô bồ, chen chúc với những con đường chỉ đủ hai xe máy tránh nhau của xã biển Nhân Trạch.
Nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang nhờ xuất khẩu lao động.
Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động
Nhân Quang vốn là một làng quê nghèo ven biển. Người dân ở đây quanh năm lênh đênh với sóng biển, bám trụ với biển cả kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng, từ năm 2000, những người đầu tiên của thôn Nhân Quang đi xuất khẩu lao động.
Ban đầu, nhắc đến việc đi “xuất ngoại”, hầu hết người dân nơi đây đều cảm thấy ái ngại. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, khi nhiều người giàu lên nhờ “xuất ngoại” thì người ta kéo nhau đi. Xuất khẩu lao động nhanh chóng trở thành một phong trào trong toàn xã.
Trong căn nhà 2 tầng khang trang trị giá bạc tỷ, anh Dương Quang Cường (47 tuổi) chia sẻ, cũng như những cư dân làng biển khác, lớn lên anh cũng theo nghiệp cha ông ra biển đánh cá mưu sinh. Cuộc sống không đến nỗi khó khăn nhưng cũng chẳng khá giả gì. Quyết tâm đổi đời, năm 1999 anh nhờ bố mẹ thế chấp sổ đỏ ngân hàng vay vốn đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Sau nhiều năm mưu sinh ở xứ người, anh Cường cũng kiếm được ít vốn về mua đất, xây nhà và buôn bán kiếm sống.
Một khi đời sống được nâng cao, người dân thôn Nhân Quang cũng thay đổi cách nghĩ cách làm. Từ chỗ cam chịu cuộc sống nghèo khó, mọi người đã đầu tư phát triển kinh tế nhờ vào nguồn tiền được gửi về từ nước ngoài. Những con tàu công suất lớn được đóng mới vươn khơi xa, những trang trại chăn nuôi trên cát, mô hình nuôi tôm... được đầu tư bài bản.
Có chồng đi xuất khẩu lao động gửi tiền về chị Lê Thị Lựu đã đầu tư mô hình trang trại tổng hợp. Mỗi năm chị Lựu thu về trung bình hơn 200 triệu đồng. “Với số tiền thu được hàng năm từ trang trại, cộng với số tiền chồng gửi về, tôi sẽ phát triển và mở rộng trang trại của mình”, chị Lựu chia sẻ.
Đi du lịch để được thăm chồng
Ở làng Nhân Quang cảnh chồng xuất ngoại để vợ, ba mẹ ở nhà nuôi con, nuôi cháu không hiếm. Chị Phạm Thị Hương (37 tuổi) có chồng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Chị kể, lấy nhau được 3 tháng thì chồng xuất ngoại. Đến nay đã hơn 7 năm nhưng vợ chồng chị chỉ gặp nhau chủ yếu qua điện thoại. Tính ra sau 7 năm kết hôn, vợ chồng chỉ ở chung với nhau được 3 tháng. “Vì cuộc sống nên phải chấp nhận như vậy thôi, chẳng ai muốn cả. Năm trước, tôi mua vé du lịch để qua Hàn Quốc gặp chồng”, chị Hương tâm sự.
Cũng theo chị Hương, cả làng “Sê un” có rất nhiều trường hợp giống như gia đình chị. Có nhiều người đi biền biệt mười mấy năm. Khi đi con còn học mẫu giáo đến lúc về con sắp học hết cấp 3 và chuẩn bị làm hồ sơ xuất ngoại. Cái tên làng “Sê un” (Seoul - Hàn Quốc) là câu cửa miệng của người dân xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch khi nói đến thôn Nhân Quang. Bởi hầu hết các hộ gia đình trong thôn đều thuộc diện khá giả vì có người thân xuất ngoại đi Hàn Quốc.
Trưởng thôn Nhân Quang Phạm Văn Khiển cho biết, cả thôn có gần 260 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu. Nhưng có đến gần 200 người đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là đi Hàn Quốc. Nhờ xuất khẩu lao động, người dân nơi đây đã thực sự đổi đời.