Trở lại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) nằm bên phía bờ nam lòng hồ Dầu Tiếng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước ý chí vượt nghèo của người dân. Tình người ở khu căn cứ cách mạng Dương Minh Châu hôm nay gắn liền với những mô hình đột phá sản xuất để xóa nghèo…
Niềm vui của ông Lê Tấn Trường bên ngôi nhà Mái ấm nông dân.
Đột phá để thoát nghèo
Ông Lê Văn Thực người huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ trước đây là chiến sỹ đặc công thuộc đơn vị D2 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu vào Nam chiến đấu từ năm 1972. Đất nước hòa bình, xuất ngũ trở về quê hương, Lê Văn Thực lập gia đình, đưa vợ lên xã Phước Ninh lập nghiệp và coi Phước Ninh như quê hương của mình.
Rong ruổi với tôi trên đoạn đê cạnh khu di tích căn cứ cách mạng Dương Minh Châu, ông Thực nhớ lại: Ngày vợ chồng ông mới về đây, Phước Ninh nghèo lắm. Làm gì có gạo để ăn, làm gì có đường nhựa. Hai vợ chồng cùng bà con chòm xóm phải dùng tay bứng từng gốc le, san từng ụ mối, cải tạo đất hoang để dặm hom mì, trồng khoai lang.... Cuối câu chuyện, cựu chiến binh Lê Văn Thực buông một câu gọn ơ: “Thế mà người Phước Ninh vẫn trụ bám như thời đánh giặc. Vẫn sống khỏe để xây dựng nông thôn mới như hôm nay anh thấy!”.
Để minh chứng người Phước Ninh từ đói nghèo vươn lên làm giàu, ông Lê Văn Thực háo hức đưa tôi thăm mô hình tổ hợp tác nuôi thủy sản ấp Phước An nằm sát tiểu khu 65 rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng. Nếu xã Phước Ninh vào loại nghèo nhất nhì huyện Dương Minh Châu thì ấp Phước An là ấp nghèo nhất trong số 6 ấp của xã này. Phước An có 121 hộ với 700 nhân khẩu. Đại đa số người dân Phước An là bà con Việt kiều nghèo chuyên nghề đánh bắt cá hoặc làm dịch vụ nghề cá trên sông Mê Kông, vùng Biển Hồ bên Campuchia hồi hương. Về với Phước Ninh, tiếp tục bám lấy hồ Dầu Tiếng mưu sinh bằng nghề đánh bắt, nuôi cá bè...
Nhận thấy việc nuôi cá và đánh bắt không chỉ hủy diệt nguồn lợi thủy sản mà còn gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt các tỉnh Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Long An. ..., chính quyền tỉnh Tây Ninh mở nhiều đợt tuyên truyền, vận động bà con “lên bờ” chuyển đổi nghề. Đối với những nông dân nghèo không có điều kiện chuyển đổi được Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Dầu Tiếng tổ chức lại việc đánh bắt theo hướng dẫn của ngành chức năng.
Để hỗ trợ bà con lên bờ có thu nhập, ổn định cuộc sống, Hội Nông dân tổ chức lên thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...tham quan, học nghề nuôi ba ba của các chủ trang trại thành đạt. Trở về, những nông dân này thành lập Tổ hợp tác, hỗ trợ nhau đào ao nuôi ba ba. Qua Tổ hợp tác, Hội Nông dân tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng Dự án bảo lãnh cho các thành viên tổ hợp tác vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội mua con giống, thức ăn. Đồng thời đề nghị Trung ương hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ thêm 500 triệu đồng vốn qũy hỗ trợ nông dân giúp 24 hộ mở rộng diện tích ao nuôi.
Từ mô hình của 24 hộ trong tổ hợp tác nuôi ba ba thu lợi nhuận cao như chất xúc tác kích thích nhiều hộ ở Phước An noi theo. Đến năm 2016, Phước An có 56 hộ đào 70 hầm (ao) nuôi ba ba. Lúc cao điểm số lượng ba ba thả trên 60.000 con giống, mỗi năm thu gần 100 tấn sản phẩm cung ứng cho Công ty xuất khẩu Tiền Hậu tại TP HCM. Một số hộ vừa nuôi ba ba vừa làm thêm ao nuôi cá lóc bông, nhờ đó lợi nhuận cũng tăng thêm. Ông Trần Văn Tư, tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ba ba cho biết: “Những hộ nghèo thiếu vốn, tôi bán chịu con giống, sau khi thu hoạch mới trả tiền, không tính lãi”. Trong ba năm, ông Tư đã giúp 9.000 con giống cho hộ nghèo chuyển đổi từ đánh bắt sang đào ao nuôi ba ba.
Đến ấp Phước An, chúng tôi còn phát hiện mô hình làm nhà “nhử dơi” nuôi lấy phân bón hoa thiên lý. Người đột phá mô hình “nhử dơi” là chị Phạm Thị Liên một phụ nữ mang đậm khí chất người miền Đông. Vẻn vẹn chưa đầy 0,5 ha đất sát rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng chỉ đủ làm nền thổ cư và trồng mấy trăm gốc chanh. Để xóa nghèo bền vững, chị Liên thuê thêm 0,5 ha đất ruộng chuyển từ một vụ lúa sang trồng hoa thiên lý. Biết dưới An Giang có người nuôi dơi lấy phân bón cây trồng rất tốt, chồng chị Liên cùng con trai đi xe đò xuống học cách làm nhà nuôi dơi, rồi mua 10 cặp giơi giống giá 1 triệu đồng/cặp. Sau một tuần nuôi nhốt quen môi trường mới những chú dơi mang về từ An Giang trở thành con mồi gọi dơi hồ Dầu Tiếng đến chung sống.
Giữa năm 2017 “nhà dơi” của chị Liên có số lượng không dưới 5.000 ngàn con, mỗi sáng thu từ 7 – 10 kg phân dơi sử dụng bón thiên lý. Phân bón không hết, chị bán 40.000 đồng/kg. Có phân dơi, việc đầu tư 0,5 ha thiên lý của chị Liên cũng hạ giá thành. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí đầu tư mỗi ngày chị Liên thu 2 triệu đồng từ tiền bán hoa thiên lý. Vào dịp tết nguyên đán, doanh thu gấp hai lần. Thấy chị Liên nuôi dơi thành công, anh Châu Công Phận cùng ấp Phước An cũng đến học kinh nghiệm đầu tư hàng chục triệu đồng “làm nhà” nuôi dơi lấy phân bón hoa thiên lý và một số cây trồng của gia đình.
Nhà nuôi dơi của chị Phạm Kim Liên, ấp Phước An.
Mái ấm nông dân
Nằm bên tiểu khu 65 rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng, có một khu đất hoang nay mọc lên những căn nhà xây gạch liền kề, mỗi căn diện tích đủ cho một hộ 5 nhân khẩu an cư. Người xã Phước Ninh gọi đấy là “Nhà mái ấm nông dân”.
Theo lời bà Lâm Thị Có, Phó chủ tịch Hội Nông dân Phước Ninh: Những năm 80 (thế kỷ 20), một số nông dân nghèo từ đảo Nhím giữa lòng hồ Dầu Tiếng, đến dựng nhà ngay trong khu rừng căn cứ Cách mạng Dương Minh Châu. Họ làm đủ nghề để mưu sinh. Từ đánh bắt cá dưới lòng hồ đến làm thuê làm mướn, có người lén lút chặt cây rừng làm củi bán...Sau những trận nhậu say thì quay ra đánh lộn, trộm cắp. Trẻ em thì thất học.
Từ thực tế này, Hội Nông dân xã Phước Ninh đề xuất với Đảng ủy, UBND xã cần phải di chuyển số hộ này ra khỏi rừng phòng hộ, tạo điều kiện hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống. Việc tham mưu của Hội Nông dân được chính quyền tỉnh Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu đồng tình ủng hộ.
Chính quyền đồng ý cấp đất tái định cư cho bà con cất nhà, Hội Nông dân Phước Ninh nhận trách nhiệm đi tìm nhà tài trợ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty trà Hoàn Ngọc của chị Bảy Nga ở Thành phố Tây Ninh; tăng ni, phật tử chùa Đức Quang ở quận 4 TP Hồ Chí Minh cùng với cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân ấp Phước An hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng 14 căn nhà trị giá 30 triệu đồng/căn. Bà Có thông tin: “Để ghi nhận đóng góp của Hội, chính quyền xã Phước Ninh cho phép chúng tôi đặt tên công trình 14 căn nhà tình thương này là “Mái ấm nông dân”.
Ông Lê Tấn Trường, quê xã Lương Qưới, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) là nông dân nghèo không đất canh tác lưu lạc lên làm thuê ven sông Sài Gòn thuộc địa phận Dương Minh Châu từ năm 17 tuổi. Nay bước sang tuổi 82 ông vẫn phải sống trong cô đơn, không nhà tá túc. Khi huyện Dương Minh Châu xây nhà truyền thống căn cứ cách mạng Dương Minh Châu, ông được chính quyền đưa vào trông coi. Nay tuổi cao, sức yếu không đủ khả năng bảo vệ khu di tích nhưng không biết đi đâu, về đâu. Nhờ “Mái ấm nông dân”, ông được phân một căn hộ. Cùng với nhà ở, mỗi tháng ông được quỹ Bảo trợ hỗ trợ 450.000 đồng và Hội Nông dân xã Phước Ninh tặng thêm 350.000 đồng. Tuy nghèo và sức yếu, ông vẫn lạc quan yêu đời. Chiều chiều ông lại mang cây đàn cò, cây nhị ra hè nắn dây đàn cho cô bác trong khu “Mái ấm nông dân” chung vui.