Lãnh đạo EU tìm giải pháp cho khủng hoảng di cư

30/08/2017 08:35

Giới lãnh đạo châu Âu cùng 7 quốc gia châu Phi đã có cuộc họp thượng đỉnh tại thủ đô Paris, Pháp trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ mới nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ khu vực Bắc Phi đổ đến châu Âu, để đổi lấy các khoản viện trợ.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp người đồng cấp Cộng hòa Chad tại Paris hôm 28-8. (Nguồn: Getty).

Theo kết quả cuộc họp này, giới lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã thỏa thuận sẽ giúp đỡ Cộng hòa Chad và Niger kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng người di cư đi qua Libya và vượt biển Địa Trung Hải.

Liên minh châu Âu (EU) đã rất khó khăn khi phải chấp nhận một giải pháp chặt chẽ trong việc ngăn chặn làn sóng người dân chạy trốn khỏi chiến tranh, nghèo đói và bất ổn chính trị ở Trung Đông và châu Phi, và cuộc khủng hoảng này còn là phép thử đối với sự đoàn kết của các nước thành viên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người chủ trì cuộc họp, đã nói rằng khủng hoảng di cư là một "vấn đề mà tất cả chúng ta quan ngại và nó sẽ không thể giải quyết mà không đồng lòng". Ông Macorn thêm rằng khủng hoảng di cư còn là "thách thức đối với EU và Liên minh châu Phi (AU)".

Hội nghị ở Paris vừa qua được xem là cơ hội để các cường quốc châu Âu hợp tác về chính sách của họ đối với Libya và nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Pháp và Italy, hai quốc gia đã bắt đầu đưa ra một số đề xuất để tạo nên sự đoàn kết về mặt chính trị ở Libya.

Tổng thống Macron còn muốn EU đưa ra khoản hỗ trợ thêm 60 triệu Euro để giúp các nước châu Phi đối phó với làn sóng người tị nạn trở về từ châu Âu và ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu.

Dù cho số lượng người từ Libya đến Italy bằng đường biển đã giảm gần 70% trong tháng 7 và tháng 8 so với cùng thời điểm năm ngoái, nhưng con số này hoàn toàn có thể tăng trở lại nếu không có các biện pháp kịp thời. Hiện nay còn có một số dòng người di cư di chuyển từ Morocco tới Tây Ban Nha - một điểm khiến chính phủ nước này quan ngại.

Ông Fayez al-Sarraj, Thủ tướng Libya được LHQ hậu thuẫn, đã tận dụng cuộc họp vừa qua để yêu cầu thêm sự ủng hộ từ các nước trong việc chống nạn buôn người và kiểm soát khu vực biên giới phía Nam nước này. Idriss Déby Itno, Tổng thống Chad, nói rằng "nghèo đói và tình trạng thiếu giáo dục" là nguyên nhân chính tọa ra dòng người di cư đến châu Âu.

"Các nhân tố này cần phải được tất cả các nước thuộc EU và cả các nước thuộc AU quan tâm" - ông al-Sarraj nói.

Có 4 vị lãnh đạo châu Âu đã tới tham dự hội nghị này, gồm Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và Tổng thống Pháp Macron. Anh - dù là nước dẫn đầu khối quân sự dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Muammar Gaddafi ở Libya năm 2011 - lại không tham dự hội nghị này.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hồi tuần trước đã có chuyến thăm tới Tripoli (Libya) nhưng công việc ngoại giao nhằm đưa ra một giải pháp chính trị ở Libya lại được để lại cho Italy và Pháp.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy bắt nguồn từ làn sóng di cư vẫn tiếp diễn, với nhiều cuộc đụng độ xảy ra hồi cuối tuần qua ở Rome giữa một bên là người nhập cư và một bên là cảnh sát.

Tổng số người di cư từ châu Phi đến Italy trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến 23/8 năm nay là 98.072 người; theo Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) - tức chỉ giảm 7.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. IOM ước tính có 14.177 người di cư châu Phi đã tới Italy bằng đường biển, so với 45.000 cùng kỳ năm ngoái. Con số tính riêng trong tháng 8 này cũng cho thấy số người di cư đã giảm so với năm ngoái.

Tuy nhiên, IOM ước tính số người di cư di chuyển từ châu Phi tới Tây Ban Nha lại bắt đầu tăng, vượt qua con số 8.300 vào ngày 9/8 vừa qua, cao hơn tổng số lượng người đến nước này trong cả năm 2016.

Dù chính phủ Italy đã nhận được sự ủng hộ vì số lượng người di cư đến nước này giảm, nhưng họ vẫn đang lên kế hoạch đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn người di cư, trong đó có việc triển khai tàu phi chính phủ tuần tra ngoài khơi Libya... Chính phủ Italy cũng đang hỗ trợ giới lãnh đạo chính trị tại các cảng quan trọng của Libya như Sabratha, phía Tây Tripoli.

Nhưng đà giảm số lượng người di cư đến châu Âu có thể khiến cho hàng nghìn người bị mắc kẹt tại các trại tạm ở khu vực Bắc Phi, trong khi chính phủ non yếu của Libya lại không thể kiểm soát.

Hiện nay, giới lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu tìm hiểu tận gốc rễ cuộc khủng hoảng di cư, trong đó Bộ trưởng Nội vụ Italy đã có cuộc gặp với 14 Thị trưởng của Libya để thảo luận về việc rót vốn, thúc đẩy kinh tế, giúp người dân nước này có niềm tin để không rời bỏ đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãnh đạo EU tìm giải pháp cho khủng hoảng di cư