Từ những vụ việc vi phạm về chứng khoán trong thời gian qua, đã đến lúc phải lành mạnh thị trường để đảm bảo sự minh bạch, quyền lợi của nhà đầu tư. Theo ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chế tài xử phạt đối những vi phạm như bán cổ phiếu mà không báo cáo còn nhẹ, lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với số tiền phạt nên các đối tượng đã thực hiện hành vi gom cổ phiếu, tạo “cầu giả”, làm giá trên thị trường chứng khoán.
Thiếu tính minh bạch
PV: Ông có thể cho biết, hiện đóng góp của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế đang ở mức nào?
Ông Trần Anh Tuấn: Hiện đóng góp của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế ở mức đang phát triển. Tỷ lệ vốn hóa/GDP thấp hơn một số nước trong khu vực như: Malaysia; Thái Lan; Singapore; Philippines. Về mức độ phát triển thì tỷ lệ vốn hóa là cái hiện hữu nhất. So với các nước châu Á thì chúng ta vẫn còn kém xa.
Thị trường chứng khoán có 3 mức hiệu quả gồm: hiệu quả yếu; hiệu quả trung bình; hiệu quả cao. Tính hiệu quả thị trường của ta yếu. Khi nhà đầu tư biết thông tin để đầu tư thì giá cả đã thay đổi rất nhiều. Đó là do thông tin chưa minh bạch, thông tin nội bộ quá nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng khi thông tin được đưa tới nhà đầu tư thì đã trễ. Từ đó khiến tính hiệu quả của thị trường chứng khoán suy giảm.
Vừa qua xảy ra những vi phạm trong thị trường chứng khoán. Vụ việc Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết chỉ là “giọt nước tràn ly” bởi trước đó tình trạng này đã từng diễn ra, thưa ông?
- Nhà đầu tư nắm bắt những thông tin từ trong nội bộ để đầu tư. Trong khi thông tin nội bộ lại chưa chuẩn, chưa chính xác. Cho nên đầu tư rất dễ rủi ro. Mặt khác, quản lý thị trường của ta còn chưa kiểm soát được những nhà đầu tư là chủ của các tập đoàn. Họ chưa đăng ký giao dịch nhưng vẫn giao dịch, còn chúng ta lại không kiểm soát được. Đây cũng là một bất cập lớn của thị trường chứng khoán. Chưa kể, chu kỳ thanh toán phải là T+2 (thời điểm sở hữu hoàn toàn cổ phiếu hoặc tiền là 2 ngày sau khi nhà đầu tư khớp lệnh) nhưng hiện giờ thực tế ở thị trường chứng khoán của chúng ta chu kỳ này vẫn là T+3. Như vậy là lượng chứng khoán và tiền về chậm 1 ngày so với các thị trường khác, coi như ngày hôm sau mới giao dịch được. Đây là điều bất lợi đối với nhà đầu tư. Thực tế này cũng là do việc ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin vào thị trường chứng khoán vẫn còn yếu.
Nên sửa Luật Chứng khoán
Việc thao túng thị trường chứng khoán thực tế đang gây mức độ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế hiện nay, thưa ông?
- Nó ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà đầu tư. Và các nhà đầu tư gây ảnh hưởng tới nền kinh tế. Bởi dòng tiền của xã hội chỉ đi vào một số cá nhân, nếu tiền chỉ chảy vào một vài cá nhân thì làm sao nền kinh tế phát triển minh bạch được.
Bởi vậy, rất cần sửa đổi Luật Chứng khoán để dẫn dắt thị trường tốt hơn. Chúng ta cần thay đổi chính sách để phù hợp hơn với thực tế. Vừa qua một số nhà đầu tư đã thu lợi từ phần chênh lệch quá nhiều so với mức xử phạt hành chính. Như vậy rõ ràng chế tài hiện không đủ tính răn đe.
Để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán hiện nay, theo ông cần lưu tâm đến những vấn đề nào?
- Tôi cho rằng, cần kiểm soát kịp thời những giao dịch. Đối với chủ của các tập đoàn, khi họ giao dịch chúng ta phải kiểm soát họ bằng số hóa để có thể phát hiện những giao dịch của họ khi không có đăng ký trước. Bởi trên thị trường không có nhiều nhà đầu tư là chủ các tập đoàn. Khi được số hóa, các giao dịch đều sẽ được kiểm soát. Thứ hai, như tôi đã đề cập ở trên, chế tài xử phạt của ta đối với việc thao túng chứng khoán còn nhẹ. Do đó cần nghiên cứu sửa Luật Chứng khoán để khi phát hiện vi phạm có thể xử phạt thật nghiêm. Thời gian qua, tình trạng “làm giá”, “thao túng” khiến các nhà đầu tư khác bị thiệt hại. Trong khi phần lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với số tiền phạt nên họ sẵn sàng chịu phạt để thực hiện giao dịch gom cổ phiếu tạo “cầu giả”, làm giá, sau đó bán. Như thế chênh lệch rất lớn so với mức tiền bị xử phạt hành chính. Điều đó sẽ dẫn đến người vi phạm sẵn sàng đánh đổi để thực hiện giao dịch gom cổ phiếu, tạo “cầu giả” để nâng giá.
Thứ ba, thị trường chứng khoán cần phát triển ở mức độ cao hơn. Chẳng hạn nghiên cứu việc “bán khống” nhưng kiểm soát được. Nghĩa là khi người ta không có cổ phiếu nhưng vẫn có thể giao dịch được. Nhưng những giao dịch “bán khống” này phải được kiểm soát và việc cho phép chỉ ở mức độ thấp, sau đó mới đến mức độ cao. Khi đa dạng hóa các loại hình và kiểm soát được tốt thì bản thân các nhà đầu tư cũng nâng trình độ giao dịch, khả năng dự báo trong thực hiện giao dịch và không nghĩ tới gian lận trong đầu tư chứng khoán.
Thứ tư, cần minh bạch hóa thông tin mang tính nội bộ của các tập đoàn, doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Thông tin phải là thông tin thực. Bởi thông tin thị trường hiện nay ảo là nhiều. Những thông tin được công bố, đưa ra trong thời gian qua chưa phản ánh đúng thực chất, thực lực của doanh nghiệp. Trong khi thông tin công bố không trung thực nhưng nhà đầu tư tin tưởng là thật và lao vào đầu tư, từ đó dẫn đến nhiều rủi ro.
Trân trọng cảm ơn ông!