Theo chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, hôm nay 27/10, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Ra đời 13 năm (năm 2004), tới nay nhiều ý kiến cho rằng Luật Cạnh tranh chưa phát huy hiệu quả trong việc giám sát, quản lý các hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp và cũng chưa thực sự tạo ra “sân chơi” lành mạnh cho doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng “cuộc chiến” taxi truyền thống với Grab, Uber được coi là sự cạnh tranh không lành mạnh.
Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh để bám sát thực tiễn, phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của nền kinh tế đất nước được xem là rất cần thiết.
Chính vì thế, chiều ngày 23/10 vừa qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Cạnh tranh 2004.
Theo Tờ trình, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh lần này nhằm đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế và phù hợp với các cam kết quốc tế; đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh; khắc phục hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; thay đổi cách tiếp cận để kiểm soát hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh...
Cùng đó là khắc phục hạn chế về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo tính độc lập, tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh.
Dự án Luật gồm 121 điều, được bố cục thành 9 chương. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Dự thảo giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều. Đây là sự sửa đổi (đề xuất) lớn và khá toàn diện.
Với hy vọng lần sửa đổi, bổ sung này sẽ đem đến môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo sức mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong khung khổ pháp lý đủ sức cạnh tranh khi hội nhập thế giới; kiểm soát sự cạnh tranh không lành mạnh (nếu có) của những tập đoàn kinh tế lớn vào Việt Nam; cũng như ngăn ngừa sự cạnh tranh không lành mạnh ngay trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Thời gian qua, việc cạnh tranh không lành mạnh đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp độ khác nhau. Nhưng trước hết, cần phải nói ngay rằng cạnh tranh là một thuộc tính trong nền kinh tế thị trường, của một nền kinh tế hội nhập.
Cạnh tranh cũng có nghĩa là hướng tới thị trường, theo đòi hỏi của thị trường. Cạnh tranh cũng chính là đòn bẩy thúc ép doanh nghiệp vượt lên chính mình nếu muốn tồn tại và phát triển.
Nhưng cạnh tranh không có nghĩa là chèn ép lẫn nhau, là tìm cách triệt tiêu, loại bỏ đối thủ; hay là dựa vào vị trí thống lĩnh thị trường để tạo ra sự độc quyền làm xấu môi trường kinh doanh cũng như gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Cạnh tranh cũng không có nghĩa là tạm thời bắt tay nhau nhằm “tiêu diệt” đối thủ; cũng không phải là dựa vào sự can thiệp của Nhà nước để làm méo mó môi trường sản xuất kinh doanh.
Nói tóm lại, cạnh tranh phải minh bạch, sòng phẳng, theo khung khổ pháp luật. Phải coi cạnh tranh là đòn bẩy thúc đẩy phát triển chứ không phải là cái cớ để làm hại đối thủ.
Có thể dẫn chứng một câu chuyện hiện vẫn đang được dư luận bàn tán. Đó là “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ (cụ thể là với Grab và Uber).
Việc xuất hiện loại hình dịch vụ vận chuyển mới là Grab và Uber cũng là sự phát triển tất yếu, phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
Thế nhưng trên thực tế nó đã “chia sẻ thị phần”- hay nói đúng hơn là giành thị phần của taxi truyền thống. Đối diện với thực tế ấy, lẽ ra những ông chủ của taxi truyền thống cần chấp nhận cuộc chơi mới để từ đó tìm cách cải tiến, lấp những hạn chế tự thân của chính mình- thì lại “kêu” với chính quyền hòng tìm cách hạn chế, siết chặt Grab, Uber.
Việc nhiều hãng taxi dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber trên xe, chạy ngang dọc trong các thành phố chính là một biểu hiện rõ ràng của sự cạnh tranh không lành mạnh.
Câu chuyện nêu trên cho thấy điều gì? Trước hết, đó là việc nhiều doanh nghiệp trong nước không dám đối diện với cạnh tranh bình đẳng trong một nền kinh tế thị trường. Họ chỉ muốn vị trí độc tôn, thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực mình kinh doanh mà không muốn san sẻ thị phần cho bất cứ ai. Thứ hai, là việc không nhìn lại mình, chỉ nhăm nhăm dựa vào “sức mạnh bên ngoài”, “sức mạnh bên trên” để giữ vị trí kinh doanh từng có. Thứ ba, rõ ràng ở đây có kẽ hở của luật trong quy định cạnh tranh. Không thể tùy tiện công khai dán khẩu hiệu bài xích đối thủ, nhưng tiếc thay điều đó lại chưa có cơ sở pháp luật để xử lý. Nó chỉ được coi là phản cảm, mà như thế thì không phải là biện pháp chế tài.
Tại Dự án Luật Cạnh tranh sẽ được các vị đại biểu Quốc hội bàn thảo hôm nay, đáng chú ý có điều khoản về hành vi “lôi kéo khách hàng một cách bất chính”. Đây là một điểm mới, phù hợp với thực tiễn, do nó có xu hướng ngày càng phổ biến.
Trước đây, việc lôi kéo khách hàng một cách bất chính có chăng chỉ bị lên án chứ không bị xử lý theo luật định. Chính vì vậy mà hành vi này xuất hiện khá phổ biến, khiến môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được coi là có rất nhiều điểm mới. Điều rất đáng chú ý là Dự thảo đã lược giản hoá trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, theo đó bãi bỏ thủ tục điều tra sơ bộ và rút ngắn thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc (được cho là) cạnh tranh không lành mạnh, từ 90 ngày xuống còn 60 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định điều tra.
Đây chính là điểm quan trọng để vụ việc phát sinh sớm có kết luận hiệu lực từ cơ quan chức năng. Từ đó sẽ hạn chế, ngăn ngừa, răn đe những ai có ý định cạnh tranh không lành mạnh, tìm cách loại bỏ đối thủ một cách phi lý.
Nói về Luật Cạnh tranh sửa đổi, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là một bước tiến lớn trong việc lành mạnh hóa thị trường, đặc biệt giúp cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa tránh được những bất trắc có thể xảy ra mà do nhiều nguyên nhân khiến họ khó chống đỡ.
Đây cũng là một bước tiến mới trong việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cũng là nằm trong chủ trương xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính đã và đang được triển khai.