Xã hội

Lào Cai: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719

Thái Linh 23/10/2023 19:28

Theo kế hoạch, năm 2023 tỉnh Lào Cai được phân bổ tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719) là 1.371.250 triệu đồng.

Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện các dự án hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đến đối tượng và địa bàn được thụ hưởng.

Tổ chức các Phiên chợ văn hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và UBND huyện Bảo Thắng tổ chức Phiên chợ văn hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Bảo Thắng năm 2023. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 tỉnh Lào Cai năm 2023 và cũng là chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ huyện Bảo Thắng (15/10/1948 - 15/10/2023).

Phiên chợ văn hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: bandantoc.laocai.gov.vn
Khai mạc Phiên chợ văn hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Bảo Thắng (Lào Cai).

Phiên chợ văn hóa đã tạo không gian cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai giới thiệu, trình diễn văn hóa bản địa, đặc sản dân tộc, đặc biệt là ẩm thực, thủ công mỹ nghệ...tới du khách trong và ngoài tỉnh; góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương; nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho đồng bào cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi; giúp các doanh nghiệp phân phối tìm kiếm sản phẩm hàng hóa để liên doanh, liên kết hợp tác phát triển sản xuất; góp phần hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất. Tại phiên chợ, nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của núi rừng của đồng bào dân tộc đã thu hút du khách tham quan, mua sắm, như: Thịt trâu sấy, nấm hương, tỏi đen, mật ong…

Trước đó, các phiên chợ đã được tổ chức thành công tại huyện: Bắc Hà, Bảo Yên và Bát Xát.

Huyện Bắc Hà: Triển khai 43 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719, huyện Bắc Hà đã triển khai 43 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí 26 tỷ 800 triệu đồng. Đến nay, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2022 đã cơ bản hoàn thành giải ngân, các dự án năm 2023 đang triển khai thực hiện.

Dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo trồng cây dược liệu cát cánh tại xã vùng đồng bào Mông Tả Văn Chư - Bắc Hà đã và đang phát huy hiệu quả. Ảnh:
Dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo trồng cây dược liệu cát cánh tại xã vùng đồng bào Mông Tả Văn Chư - Bắc Hà đã và đang phát huy hiệu quả.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trên địa bàn huyện hình thành khá rõ các vùng sản xuất hàng hóa, các cây trồng chủ lực như: Cây dược liệu, chè shan tuyết, cây ăn quả ôn đới... Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được mở rộng với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, điển hình như: Liên kết tiêu thụ dược liệu, chè hữu cơ, quế, rau an toàn...

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của bà con.

Huyện Bát Xát: Hỗ trợ 15 mô hình khởi nghiệp tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719, huyện Bát Xát đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho 15 mô hình khởi nghiệp tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thời gian qua, địa phương đã tiến hành hướng dẫn trực tiếp các xã xây dựng phương án, kế hoạch hỗ trợ các mô hình. Hội đồng thẩm định lựa chọn mô hình đã tiến hành họp thẩm định và hướng dẫn chỉnh sửa, bổ sung nội dung phương án, kế hoạch, dự toán cho phù hợp.

Một buổi giám sát triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện Bát Xát (lào Cai). Ảnh: bandantoc.laocai.gov.vn
Một buổi giám sát triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện Bát Xát (lào Cai).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một số mô hình mới thành lập, năng lực của chủ trì thực hiện quản lý mô hình còn hạn chế; công tác đánh giá tính hiệu quả đầu tư còn khó khăn; công tác xây dựng kế hoạch, phương án chưa đảm bảo; một số mô hình chưa phù hợp với thực tế tại địa phương…

Hiện nay, huyện đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; làm tốt công tác tuyên truyền các thông tin về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với nội dung khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; quan tâm đến công tác ‘ươm mầm” các dự án khởi nghiệp tại địa phương; phấn đấu triển khai giải ngân 100% vốn hỗ trợ theo kế hoạch đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lào Cai: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719