Lao - căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

THANH MAI 27/03/2022 11:34

Theo các chuyên gia y tế, sau Covid-19, bệnh lao vẫn là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Và chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay của Việt Nam là “Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”.

Bệnh nhân điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Căn bệnh dễ lây lan

Theo các chuyên gia y tế, đại dịch Covid-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng, chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được, mặc dù cũng có một số quốc gia và khu vực vẫn đạt được những thành công nhất định.

Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 9,9 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020.

Việc giảm khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị lao đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao. Ước tính năm 2020 có 1,3 triệu ca tử vong do lao và 214.000 ca ở những người dương tính với HIV. Nghĩa là tổng số ca tử vong do lao, kể cả lao/HIV là khoảng trên 1,5 triệu người. Đây là những con số tương đương mức độ tử vong năm 2017. Việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao đạt được trong những năm trước gần như đã dừng lại.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, Covid-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

“Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.

Theo báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

BS Nhung cho biết, tại Việt Nam, chấm dứt bệnh lao có nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao, vì thế chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay của Việt Nam ngày 24/3 là “Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”.

Nỗ lực thanh toán bệnh lao bị ảnh hưởng

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020).

Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Kể từ khi được công bố là “đại dịch toàn cầu” vào cuối tháng 1/2020, virus SARS-CoV-2 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, trong 2 năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng như hầu hết các bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi trên cả nước tích cực tham gia công tác chống dịch Covid-19. Hầu hết các can thiệp chống lao được áp dụng cho dịch Covid-19 do có những điểm tương đồng.

Chính vì vậy, nhiều địa phương đã chuyển công năng bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi sang điều trị Covid-19. Điều này đã tác động hết sức nặng nề đến hoạt động chống lao trong cả nước, thậm chí làm gián đoán, đứt gãy mạng lưới chống lao các tuyến, điều trị, làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, không phải tất cả mọi người nhiễm vi khuẩn lao đều phát bệnh. Vì vậy, có hai tình trạng liên quan đến lao: Nhiễm lao dạng tiềm ẩn và bệnh lao. Hầu hết những người bị nhiễm lao không bao giờ phát triển thành bệnh lao mà có thể ở dạng tiềm ẩn (nhiễm lao tiềm ẩn).

Những người bị nhiễm lao dạng tiềm ẩn không cảm thấy bệnh và không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào. Những người này không lây nhiễm và không thể truyền vi khuẩn lao cho những người khác. Tuy nhiên, một khi vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động trong cơ thể và sinh sản, người này sẽ chuyển từ nhiễm lao dạng tiềm ẩn sang mắc bệnh lao.

Để lao tiềm ẩn phát triển thành bệnh lao, nó có thể xảy ra từ hai đến ba tháng sau khi nhiễm trùng hoặc nhiều năm sau đó và trở thành nguồn lây truyền bệnh. Khi đã mắc bệnh lao thì cần tuân thủ nghiêm liệu trình điều trị kéo dài nhiều tháng.

Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao - căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm