Người lao động nghèo ở dưới gầm cầu Long Biên (Hà Nội) đang phải sống chật vật từng bữa ăn nhờ mì tôm, gạo cứu trợ trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội.
Không ngoa khi gọi khu nhà trọ bình dân của những người lao động ở tổ 3, cụm 2, phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) là khu “ổ chuột”. Ngay dưới gầm cầu Long Biên, sát trung tâm thành phố nhưng cuộc sống của những người dân khu nhà trọ này lại tạm bợ, nhếch nhác khác xa với người dân thành thị. Gọi là nhà thế thôi nhưng thực tế đó chỉ là chỗ chui ra, chui vào được dựng lên chắp vá, chật chội khoảng chừng từ 4 đến 8m2.
Tuổi già mưu sinh
Những người dân khu nhà trọ này từ các tỉnh lân cận đổ về Thủ đô để mưu sinh tại chợ đầu mối Long Biên với đủ nghề lao động chân tay, từ cửu vạn, đẩy xe hàng, gánh hàng thuê đến đồng nát, nhặt ve chai, bán hoa quả…
Nếu như không có dịch Covid-19, cuộc sống của họ cũng tạm có ăn qua ngày, một số người vẫn dành dụm được dăm ba triệu để gửi về quê cho ông bà nuôi con cái học hành. Nhưng giờ Hà Nội liên tiếp thực hiện giãn cách xã hội, hàng trăm người lao động nghèo không có việc để làm chỉ biết quanh quẩn trong khu “ổ chuột”.
Thu nhập bằng 0, đồng nghĩa với việc không có gì để ăn, họ chỉ còn biết trông chờ vào những hộp cơm, gạo, mỳ tôm cứu trợ từ chính quyền địa phương, các mạnh thường quân.
Mưu sinh bằng nghề đồng nát tại Thủ đô từ năm 1972 đến nay, tài sản giá trị nhất của cụ Trần Thị Thắm (quê Hải Dương) trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, bề bộn những đồ nhặt nhạnh là chiếc xe đẩy hàng, trị giá 150 nghìn đồng. Dù đã tuổi ngoài 100-cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ Thắm rất minh mẫn và khỏe mạnh. Cụ Thắm có 2 người con, nhưng 1 người đã mất cách đây 18 năm còn 1 người đi xuất khẩu lao động đã 10 năm nay chưa về. Nhẽ ra, đến tuổi này, cụ phải được nghỉ ngơi nhưng hàng ngày vẫn phải đẩy xe nhặt ve chai, phế liệu, kiếm từng bữa ăn hàng ngày.
Nhóm lửa để đun lại chỗ cơm ăn thừa từ sáng, cụ Thắm cho biết, không được đi làm, cụ không có gì để ăn, tiền thuê nhà 1,1 triệu đồng/tháng cũng đang phải nợ. Phần cơm này được bác tổ trưởng tổ dân phố mang đến, cụ phải ăn dè, chia làm đôi để dành cho bữa sau. Từ đầu đợt dịch tới nay, cụ Thắm được chính quyền địa phương hỗ trợ gạo 3 lần, tổng là 18kg gạo. Số gạo đó với cụ cũng tạm đủ ăn qua những ngày khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngay cạnh cụ Thắm là phòng trọ của cụ Trần Thị Thìn (quê Nam Định). Cụ Thìn kém cụ Thắm 1 tuổi và cũng sống bằng nghề nhặt phế liệu. Sức khỏe của của Thìn không được như cụ Thắm. Từ trẻ, cụ đã mắc bệnh tim, nhiều tuổi hơn lại thêm bệnh trào ngược dạ dày.
Tiền kiếm được mỗi tháng từ nghề nhặt phế liệu chả đáng bao nhiêu, tháng nào nhiều thì khoảng 1 triệu, còn đâu chỉ vài trăm nghìn. Khoản tiền này tự nuôi thân đã khó cực, vậy mà cụ Thìn còn phải dành dụm để nuôi con trai 37 tuổi bị bệnh tâm thần. Trệu trạo húp bát cháo loãng được nấu từ xuất ăn cứu trợ, cụ Thìn bảo: “Đến bữa ăn giờ còn không có thì tiền mua thuốc chữa bệnh cho 2 mẹ con tôi không dám nghĩ tới”.
Trong khu nhà trọ này, những người lao động cao tuổi như cụ Thắm, cụ Thìn không phải là hiếm. Mưu sinh bằng nghề bán đồ chơi dạo quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm ngót nghét 60 năm nhưng đến ngày hôm nay, số tiền dành dụm của cụ Vũ Thị Ngoan (quê Thanh Hóa, 84 tuổi) là con số 0 bởi những ngày này, cụ chi tiêu vào việc nuôi ăn 3 bà cháu, trong khi lại không kiếm được đồng nào.
Căn phòng trọ độ 6m2 của cụ Ngoan la liệt quần áo, nồi niêu, bát đũa. Chật chội như thế nhưng cũng là chỗ chui ra, chui vào của 3 bà cháu cụ. Con trai cụ mất sớm do bệnh tật, để lại cho cụ 2 đứa cháu, trong đó có một đứa chậm chạp. Vài chục nghìn-số tiền ít ỏi kiếm được mỗi ngày, cụ Ngoan phải xoay xỏa vừa nuôi ăn, nuôi học cho các cháu, vừa trang trải tiền thuê nhà 1,5 triệu đồng/tháng.
Cầm trên tay túi lạc vừa được chính quyền địa phương hỗ trợ, cụ Ngoan vội giã ra để làm muối vừng. Cả tháng nay, bữa cơm của cụ Ngoan và 2 đứa cháu chỉ có muối vừng và rau luộc. Mâm trầu phơi khô cũng có được từ bà con trong địa bàn phường đem cho. Cụ Ngoan chia sẻ: “Không đi làm, có cái mà ăn đã là tốt lắm rồi”.
Mắc kẹt nơi xóm trọ
Dắt chúng tôi quanh khu nhà trọ, ông Nguyễn Văn Bình, tổ trưởng tổ 3, cụm 2, phường Phúc Xá cho biết, toàn tổ có đến hơn 600 người dân, chủ yếu làm nghề lao động tự do, chiếm 70% số người lao động trên địa bàn phường. Trong số người lao động này, có những người đã về quê trước khi Hà Nội giãn cách, còn lại là những người bị mắc kẹt lại, hoặc không có chốn để về.
Những chiếc xe đẩy hàng, vốn là công cụ kiếm cơm hàng ngày của các chị cựu vạn được xếp gọn một góc trong khu nhà trọ. Bên trong căn phòng trọ gần đấy, chị Đinh Thị Hương (39 tuổi, quê Hải Dương) đang lúi húi bữa cơm chiều.
Hai vợ chồng chị Đinh Thị Hương làm nghề kéo xe đẩy hàng hóa ở chợ đầu mối Long Biên đã 5 năm. Mỗi tháng anh chị chi tiêu, trang trải sinh hoạt, tiền thuê nhà trên thành phố cũng tiết kiệm được 3 triệu đồng/tháng để gửi về quê cho ông bà nuôi các con ăn học.
Thế nhưng, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, vợ chồng chị Hương không kiếm được đồng nào. Chị Hương tâm sự: “Tôi sốt ruột, nhớ con, nhớ nhà lắm mà thành phố đang giãn cách xã hội. Tiền ăn học của con thời gian này, tôi đành nhờ cậy ông bà vay mượn tạm hàng xóm”.
Theo chị Hương, dãy nhà trọ của chị có 40 người thì có đến 27 người bị mắc kẹt lại, không thể về quê do dịch bệnh. Những ngày giãn cách, họ chỉ biết quanh quẩn hết vào nhà rồi lại ra ngõ. Khi có đồ cứu trợ, họ san sẻ cho nhau để vượt qua những ngày khó khăn của đại dịch Covid-19.
Bà Trần Thị Tố Tâm, Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá cho biết, do giãn cách xã hội, rất nhiều người lao động khó khăn, tạm trú trên địa bàn phường bị mất việc và không về quê được, đặc biệt là những người lao động ở khu vực cầu Long Biên. Họ phải lo từng bữa ăn hàng ngày khi chợ đầu mối tạm đóng cửa phòng dịch.
Để hỗ trợ người lao động, chính quyền địa phương đã vận động, kêu gọi các nhà tài trợ trong và ngoài địa bàn phường Phúc Xá cùng chung tay hỗ trợ. Từ ngày 25 đến 27/8, UBND phường Phúc Xá đã phối hợp cùng các nhà hảo tâm tổ chức Gian hàng 0 đồng, hỗ trợ 1.400 suất quà là các nhu yếu phẩm cho người lao động gặp khó khăn trên địa bàn phường, trong đó có người lao động khó khăn mất việc và bị mắc kẹt đang ở trọ gầm cầu Long Biên.
“Nhìn những nụ cười của bà con khi nhận quà hỗ trợ chúng tôi thấy ấm lòng. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng bà con để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Trần Thị Tố Tâm cho hay.