Lao động trẻ em: Từ Luật đến thực tiễn - Bài 1: 'Cuộc chiến' mưu sinh

Lê Minh Long 15/07/2019 08:00

Với nhiều nỗ lực từ Trung ương đến các địa phương, việc giải quyết lao động trẻ em đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên đến nay lao động trẻ em vẫn tồn tại, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Lao động trẻ em: Từ Luật đến thực tiễn - Bài 1: 'Cuộc chiến' mưu sinh

Trẻ em vẫn là nguồn lao động chính ở các vùng quê (ảnh minh họa).

Mùa hè năm 90 và hiện tại

Mùa hè năm 1990 khi ấy tôi tròn 8 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo trung du (xóm Gốc gạo, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) nên dù mới 8 tuổi, tôi được xét vào diện “trưởng thành” để có thể tham gia vào các công việc như làm việc nhà, trông em, chăn trâu... Cũng giống như tôi, các bạn cùng trang lứa cũng phải tham gia vào guồng công việc ấy. Chúng tôi chỉ có khoảng thời gian được chơi vào buổi sáng khi đi học.

Lớn lên chút nữa khi chúng tôi lên 10, ngoài những việc “vặt” lúc 8 tuổi chúng tôi đứa nào cũng phải theo bố mẹ đi làm đồng, thậm chí phải lên rừng lấy củi, đi bốc gạch thuê kiếm sống. Ngày ấy hình ảnh những đứa trẻ nhỏ thó cõng bó củi to hơn người, tay dắt theo con trâu, con bò là những hình ảnh quen thuộc sau mỗi buổi chiều. Vào ngày mùa, thay vì đi học chúng tôi “được” bố mẹ cho ở nhà để giúp bố mẹ thu hoạch. Phải nghỉ học, làm nhiều việc quá sức nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy thật may mắn vì được ở nhà và đi học. Nhiều bạn, chị em họ tôi phải bỏ học giữa chừng đi làm giúp việc khi vẫn đang là đứa trẻ.

Phải lao động khi vẫn đang là đứa trẻ, nhưng ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi và cả những người lớn chẳng ai quan tâm. Vì thế trong suy nghĩ của chúng tôi chưa bao giờ có cụm từ “lao động trẻ em” và quyền của trẻ em. Chúng tôi từ người lớn và trẻ nhỏ chỉ quan tâm một điều: Hôm nay được ăn cơm độn khoai, sắn, ngô hay 100% là khoai ngô sắn.

Mùa hè năm 2019, xóm nghèo quê tôi giờ không còn những lũy tre, mái nhà tranh nữa thay vào đó những ngôi nhà cao tầng, khang trang. Nhờ hình thành khu công nghiệp Bá Thiện 1 và Bá Thiện 2 với hàng chục nhà máy, công ty, cuộc sống người dân quê tôi không còn lam lũ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa. Nhờ thế những đứa trẻ không phải lên rừng lấy củi nữa, cũng không còn tình trạng phải bỏ học về thủ đô làm giúp việc nữa. Cuộc sống đã khá hơn bữa cơm giờ không chỉ có cơm trắng mà còn có thịt, cá. Đời sống tinh thần nhờ đó cũng được nâng lên rõ rệt. Cùng với sách, báo, truyện những chiếc TV, smartphone kết nối mạng là những phương tiện lũ trẻ quê tôi được sở hữu.

Song cũng giống như mùa hè năm 90 của tôi, tụi trẻ ngày nay vẫn không hề biết thế nào là lao động trẻ em. Bởi thế khi hè về trên những cánh đồng là hình ảnh những đứa trẻ đang cặm cụi đội nắng bên những luống rau, luống cà. Một số khác theo mẹ bán hàng rong quanh khu công nghiệp với mong muốn tăng thêm thu nhập. Thậm chí có những đứa trẻ được bố, mẹ cho đi làm phụ hồ tại những công trình ở thủ đô vừa có thêm thu nhập lại có dịp về thăm thủ đô.

Đói nghèo nên trẻ em phải lao động sớm

Câu chuyện quê tôi không phải là ngoại lệ mà là tình trạng chung hiện nay ở không ít các địa phương trong cả nước. Những đứa trẻ dù mới chỉ trên dưới 10 tuổi nhưng cũng đã phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Từ những công việc đơn giản như: Bán dạo vé số, phụ việc quán cơm… tới những việc cần sự khéo léo như thợ sửa xe, công nhân xưởng may mặc… thậm chí là cả những công việc nặng nhọc và nguy hiểm như thợ cơ khí, phu đào đãi vàng… đều có lao động là trẻ em tham gia.

Với mức giá nhân công hết sức rẻ mạt, phải lao động trong một môi trường và điều kiện không đảm bảo, lao động là trẻ em vẫn đang từng ngày buộc phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Thời gian làm việc của các em bị chủ sử dụng ép buộc từ 11- 12 tiếng, thậm chí lên tới 16 tiếng/ngày. Đối với những lao động trẻ em phục vụ tại các quán ăn, số tiền lương 1,8 đến 2 triệu đồng/tháng đã được xem là khoản thu nhập thuộc loại khá bởi vẫn còn không ít trường hợp trẻ phải làm việc mà không hề được trả lương. Còn ở thành phố, đô thị không khó để bắt gặp những cảnh giữa ngã ba, ngã tư đường có những đứa trẻ vẫn còn ẵm ngửa, lên 2, lên 3 phải giãi nắng, dầm mưa, ngủ gục theo mẹ xin tiền từ những người qua đường.

Theo ước tính của ILO, trên thế giới có khoảng 541 triệu lao động thanh, thiếu niên (từ 15-24 tuổi), chiếm khoảng 15% lực lượng lao động toàn cầu. Tại Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, con số này là 1,75 triệu, chiếm 9,6% tổng số trẻ em từ 5 - 17 tuổi. Trong đó, 70,9% số lao động trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 17,1% trong ngành dịch vụ và 11,9% trong công nghiệp, xây dựng. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng sự phát triển thể chất, tâm lý hài hòa của các em, cản trở việc tiếp cận, thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, ảnh hưởng tương lai của chính các em, đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

“Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm là đói nghèo, chất lượng giáo dục gia đình… Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng sự phát triển thể chất, tâm lý hài hòa của các em, cản trở việc tiếp cận, thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, ảnh hưởng tương lai của chính các em, đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai”- ông Chang Hee-lee Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh.

Trẻ phải lao động sớm có những tác động tiêu cực là điều ai cũng có thể nhận thấy nhưng có một thực tế là với nhiều người sẽ không phải là điều quá trầm trọng so với sự túng thiếu và nghèo đói. Vì vậy dù đã có nhiều chính sách, quy định được ban hành thậm chí, ở nhiều địa phương đã mở những “chiến dịch” nhằm tuyên truyền để người lớn, bậc phụ huynh nhận diện rõ hơn về tác hại của việc trẻ em phải lao động sớm, song phần lớn bị từ chối ngay khi biết nội dung được tuyên truyền.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động trẻ em: Từ Luật đến thực tiễn - Bài 1: 'Cuộc chiến' mưu sinh