Trên thực tế lao động phi chính thức, hay còn gọi là lao động tự do, phải đối mặt với nhiều thiệt thòi, bất lợi. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 mới đây, ông Bùi Sĩ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, có hơn 97% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội và chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Sau đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm, bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, một vấn đề đặt ra là thị trường lao động cũng như thu nhập thực tế của người lao động (NLĐ). Có một nghịch lý là không ít doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động nhưng cũng lại có rất nhiều người không được tuyển dụng vì thiếu kỹ năng nghề nghiệp, từ đó họ đành gia nhập đội quân lao động tự do.
Lao động phi chính thức đang phải “chấp nhận” thiệt thòi
Theo ông Bùi Sĩ Lợi, cả nước có 53,4% lao động phi chính thức làm công hưởng thù lao, tương ứng với 9,6 triệu người; có 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình.
Đáng chú ý, có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương). Trong khi đó chỉ có 14% lao động chính thức được xếp vào nhóm này.
“Nữ giới có xu hướng làm các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới. Có 31,8% lao động phi chính thức nam giới được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương trong khi con số này ở nữ giới lên tới 59,6%”- ông Lợi nói. Còn về bảo hiểm xã hội, thì gần như bằng không vì có tới 97,9% trong số họ không đóng. Chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ông Lợi dẫn ra con số 80,5% lao động chính thức có bảo hiểm xã hội bắt buộc, để một lần nữa nhấn mạnh cuộc sống khó khăn và bấp bênh của lao động phi chính thức. Trong khi đó, tính trung bình số giờ làm việc trong tuần của họ hơn 2 giờ so với lao động chính thức được hưởng lương (là 49,2 giờ/tuần so với 47,2 giờ/tuần) và cũng cao hơn số giờ làm việc theo quy định hiện hành là (48 giờ/tuần).
Trong khi đó, nếu tính bình quân 1 lao động chính thức được nhận 6,7 triệu đồng/tháng, thì lao động phi chính thức chỉ được khoảng trên dưới 4,4 triệu đồng/tháng. Ở thời điểm hiện tại, có tới 76,7% số lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm. Cụ thể: Hợp đồng thỏa thuận miệng (62,1%) và 14,6% không có thỏa thuận nào.
Đáng chú ý, cùng với số NLĐ do thiếu kỹ năng đành chấp nhận những công việc thời vụ, việc nhà thì do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 kéo dài, nên cũng đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của không ít NLĐ, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, bấp bênh.
Bên cạnh đó, NLĐ trong khu vực phi chính thức và gia đình họ thường phải chịu thiệt thòi vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về lao động. Chẳng hạn như đối với yêu cầu về an toàn và sức khỏe liên quan đến điều kiện làm việc, họ không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội. Tiếng nói của họ ít khi được nhắc đến trong quá trình quyết định các chính sách.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia lĩnh vực lao động cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của lao động phi chính thức thì một số điều khoản trong hệ thống pháp luật hiện hành phải sửa đổi để phù hợp theo cách tiếp cận có tính bảo vệ trong Bộ luật Lao động. Cụ thể riêng với lao động phi chính thức là phụ nữ thì trợ cấp thai sản cần được củng cố, khả năng tiếp cận với dịch vụ giúp việc gia đình với giá hợp lý, bảo vệ họ trước nạn quấy rối, lạm dụng tình dục và mở ra nhiều hơn cơ hội cho phụ nữ trong các ngành nghề và hoạt động kinh tế, mà vốn vẫn dành cho nam giới. Lao động phi chính thức cũng rất cần được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Vì sao lao động tự do không mua bảo hiểm?
Một sinh viên đại học năm 2 tại Hà Nội cho biết, những lúc rảnh rỗi ngoài giờ học, em đi phụ việc tại quán cà phê. Trung bình mỗi giờ được trả 20.000 đồng, nếu làm từ 6-8 giờ/ngày, thì kiếm được từ 120.000 đến 160.000 đồng. Sinh viên này cho biết, trừ tiền ăn, chi phí xăng xe, mỗi tháng em còn lại khoảng 2 triệu đồng, trả tiền nhà trọ là hết. Dù biết là thấp và ảnh hưởng tới việc học tập nhưng em vẫn phải chấp nhận để có thêm khoản chi tiêu hàng tháng.
Cũng tại Hà Nội, một phụ nữ làm công việc giúp việc gia đình cho biết, do chị làm theo giờ nên có mức thù lao cao hơn. Cụ thể, với những làm việc như lau nhà cửa, toilet, giặt là ủi quần áo... khoảng 3 giờ/ngày (3 lần/tuần), chị được trả công 2,5 triệu đồng/tháng, khoảng 70.000 đồng/giờ. Nếu chỉ lau dọn nhà thì được trả khoảng 50.000 đồng/giờ.
Cả bạn sinh viên cũng như người phụ nữ làm công việc giúp dọn dẹp cửa nhà chỉ nhận tiền công “cưa đứt, đục suốt”, ngoài ra người thuê không trả thêm bất cứ khoản nào và cũng không chịu bất cứ trách nhiệm gì trong trường trường hợp họ phải cần đến sự trợ giúp.
Ông André Gama - chuyên gia an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, cho rằng để tăng cường các chính sách an sinh xã hội vào nhóm lao động phi chính thức, thì việc quan trọng đầu tiên là họ cần trợ giúp mua bảo hiểm xã hội bắt buộc. “Khi Nhà nước đầu tư 1 triệu đồng vào an sinh xã hội, sau một năm sẽ tạo ra 3 triệu đồng vào GDP tăng trưởng nền kinh tế”- vị chuyên gia nói. Còn về bảo hiểm tự nguyện, trong khi khu vực lao động này thu nhập thấp, bấp bênh, nếu phải bỏ ra 300.000 đồng mua bảo hiểm 1 tháng thì sẽ ít người có thể làm được. Như vậy là họ sẽ vẫn luôn ở tình thế rủi ro.
Không chỉ ở Việt Nam, tại các quốc gia khác cũng có một bộ phận người lao động tự do. Họ là những người khó (hoặc không được) tiếp cận những chính sách an sinh xã hội, trừ trường hợp thiên tai, dịch bệnh kéo dài. Bộ phận NLĐ này vẫn sẽ tiếp tục “song hành” cùng với bộ phận NLĐ được hưởng lương cùng các chính sách xã hội, vì thế rất cần được chú ý và cũng rất cần có cách tiếp cận mới trong việc hoạch định chính sách lao động.
Trong bối cảnh “bão giá” thì cuộc sống của bộ phận NLĐ không chính thức chắc chắn sẽ bị tác động đầu tiên. Vì thế, chính sách an sinh xã hội cần phải được phủ rộng khắp hơn, chính quyền cơ sở tại các địa phương càng cần quan tâm đến họ nhiều hơn.
Vì cuộc mưu sinh, lao động phi chính thức phải luôn bận tâm việc giải quyết các nhu cầu ngắn hạn cho cuộc sống chính mình và gia đình. Họ cũng rất khó tiếp cận hệ thống an sinh xã hội nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Chế độ hỗ trợ mua bảo hiểm cũng như đào tạo nghề cần được chú ý hơn nữa tới nhóm lao động này. Cụ thể, về bảo hiểm xã hội, có tới 97,9% trong số họ không có.