Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có công văn về ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đối với 44 quận, huyện thành thị thuộc 11 tỉnh, thành phố. Tại Nghệ An, có 11/21 huyện, thị bị “đóng dấu” tạm dừng, đã trở thành địa phương có số huyện bị tạm dừng lớn nhất cả nước. Đó là sự thiệt thòi cho những người đang mong muốn sang Hàn Quốc làm ăn.
Học viên học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An
lo lắng trước thông tin tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.
Bó tay?
Theo Báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh Nghệ An có 6.127 người đi XKLĐ, trong đó thị trường Hàn Quốc là 292 người. Tính đến hết tháng 6-2016, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 2.100 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 43,18%, đứng thứ 16 cả nước về tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong có nhiều huyện có số lượng lớn như huyện Yên Thành (Nghệ An) tính đến cuối năm 2015, có 121 lao động tại Hàn Quốc hết hạn không về nước, trong năm 2016 có 133 người hết hạn và có khoảng 250 người đang trong thời hạn hợp đồng; huyện Hưng Nguyên, tính đến hết tháng 6/2014, địa phương này có 192 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng, chiếm tỷ lệ 42,58%, tập trung ở các xã Hưng Tây, Hưng Lợi, Hưng Thắng, Hưng Phú…
Đó là một thực tế đang làm đau đầu các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An. Theo như ông Nguyễn Đăng Dương- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã làm rất quyết liệt về công tác tuyên truyền, phố biến tới tận phường, xã, hộ gia đình để con em về đúng hạn, nhưng hiệu quả chưa cao”. Còn ông Lê Văn Thúy- Trưởng phòng Việc làm - Lao động - Tiền lương của Sở này cho rằng, thực tế, địa phương nào có nhiều lao động ở Hàn Quốc thì số lượng người bỏ trốn cũng sẽ tăng lên. Tại Nghệ An, vừa qua, có một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động hết hạn bỏ trốn gửi về địa phương, tuy nhiên, khâu cưỡng chế thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chưa hộ gia đình nào bị xử phạt vì có con em hết hạn lao động không trở về đúng hạn. Một nguyên nhân nữa, là do mức lương tại Hàn Quốc hấp dẫn; trong khi về nước cơ hội việc làm khó khăn, thu nhập thấp. Ngoài ra, khâu quản lý ở Hàn Quốc cũng còn lỏng lẻo so với Nhật Bản- lao động hết hạn phải về nước ngay, không thể trốn ra ngoài; mỗi lao động được cấp thêm 600USD. Còn tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng có tiến hành một số đợt kiểm tra, truy quét không liên tục”. Có một điều nữa là các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn muốn sử dụng lao động đã hết hạn hợp đồng. Bởi vì họ không phải trả thêm chi phí môi giới, có lao động thạo việc, thạo tiếng. Còn nếu tiếp nhận lao động mới họ phải mất thêm chi phí môi giới, đào tạo, năng suất lao động thấp hơn lao động thạo việc.
Ông Phạm Anh Nam- Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho rằng, thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp về nước, tuy nhiên, hiệu quả không cao. Hầu hết đều cho rằng do chênh lệch về mức thu nhập, bấp bênh về cơ hội việc làm ở trong nước là nguyên nhân chính khiến con em họ vi phạm pháp luật, chấp nhận rủi ro để ở lại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Còn ông Hoàng Danh Truyền- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chua xót cho biết, phía Hàn Quốc đã từng cảnh báo sẽ tạm dừng tiếp nhận lao động nếu địa phương có số lao động bỏ trốn nhiều. Chúng tôi đã tiến hành rất nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng hạn. Chính tay tôi đã ký hàng trăm thư gửi các hộ gia đình, đề nghị phối hợp vận động. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, nhưng họ không nghe thì đành chịu (!).
Chờ đợi, hi vọng
Đó là tâm trạng của rất nhiều học viên đang tham gia đào tạo khóa học tiếng Hàn tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An. Khi có thông tin về việc tạm dừng xuất khẩu lao động 11 huyện, thành thị trong tỉnh Nghệ An, nhiều học viên mới cũng lo lắng, hoang mang.
Em Nguyễn Thị Quyên (1995) trú tại xóm 11, xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết: “Trước thông tin dừng tiếp nhận lao động đi Hàn làm ăn, bản thân em cũng như nhiều học viên đang học tiếng Hàn tại đây cũng băn khoăn, lo lắng. Bởi hầu hết, những người theo học tại đây đều nằm trong 11 huyện bị tạm dừng trong năm 2016. Tuy nhiên, đó là việc của năm nay, chứ sang năm và các năm tiếp theo sẽ khác, em hi vọng và chờ đợi”. Được biết, Quyên là một sinh viên ngành mầm non mới ra trường, em bảo với khả năng của mình đủ kiếm một trường phù hợp, tuy nhiên vì muốn thay đổi cuộc sống nên em quyết định đi học tiếng Hàn để có cơ hội sang Hàn Quốc lao động.
Cùng chung tâm trạng, anh Lê Đức Huy (xóm 11, xã Nghi Trung, huyên Nghi Lộc) chia sẻ: “Cách đây vài năm, tôi đi xuất khẩu lao động sang Malaysia nhưng sau 2 năm, số tiền tích lũy được chẳng là bao do mức lương thấp. Vì vậy, sau khi về nước, tôi có ý định đi lao động ở Hàn Quốc vì mức lương bên đó cao hơn rất nhiều. Tháng 5 vừa qua, nghe tin Hàn Quốc mở lại cửa, tiếp nhận lao động Việt Nam, tôi tìm hiểu thủ tục và đăng ký học tiếng Hàn để tham gia kỳ thi tiếng Hàn vào đầu tháng 10 này. Khi biết thông tin, do Nghi Lộc có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp nên Bộ LĐTB&XH có công văn ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, tôi rất thất vọng, nhưng sẽ tiếp tục hoàn thành khóa học tiếng Hàn, hy vọng có cơ hội thi vào năm sau”.
Được biết, sau khi được phía Hàn Quốc mở cửa cho lao động Việt Nam, tại Trung tâm dịch vụ việc làm đã tuyển 5 lớp với 250 học viên. Hiện tại đã tiến hành học được 2 tháng, trước những thông tin trên ai cũng lo lắng, nhưng vẫn hi vọng và chờ đợi.
Nhưng, đó cũng là bài học đắt giá khi “dòng chảy” XKLĐ bị nghẽn mạch.